Gần đây, hàng loạt trường ĐH ở thành phố lớn mở phân hiệu tại các tỉnh. Đáng chú ý, có những địa phương ban hành thông báo mời gọi các trường ĐH công thành lập phân hiệu. Có địa phương còn ban hành các tiêu chí cụ thể để ‘chấm điểm’ tuyển lựa ứng viên.
Ngày 1.10 vừa qua, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành thông báo mời gọi thành lập phân hiệu ĐH tại tỉnh trên cơ sở tổ chức lại Trường CĐ Sư phạm Tây Ninh. Theo đó, đối tượng thu hút thành lập phân hiệu ĐH theo yêu cầu của địa phương này chỉ gồm các trường ĐH công lập trực thuộc Bộ GD-ĐT. Các trường ĐH có nhu cầu cần có văn bản đăng ký tham gia nộp kèm bảng tự chấm điểm theo bộ tiêu chí do UBND tỉnh Tây Ninh công bố.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh thành lập hội đồng xem xét đánh giá tuyển chọn đối với các hồ sơ dự tuyển đáp ứng các điều kiện về hồ sơ, tiêu chí và đạt tổng số điểm từ 80 điểm trở lên (theo hồ sơ tự chấm). Trên cơ sở đó, trường ĐH có tổng số điểm cao sẽ được chọn lập đề án thành lập phân hiệu tại tỉnh theo quy định.
Cùng với thông báo này, UBND tỉnh Tây Ninh công bố đến các trường ĐH công lập trên toàn quốc bộ tiêu chí lựa chọn trường ĐH thành lập phân hiệu tại địa phương. Theo đó, các trường được lựa chọn ngoài việc đáp ứng mục tiêu chung phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí cụ thể với tổng số điểm đạt từ 80/100 điểm trở lên để đủ điều kiện xét chọn (thang điểm 100 điểm).
Bộ tiêu chí này gồm 2 yếu tố: kinh nghiệm triển khai (75 điểm) và chứng minh năng lực tài chính (25 điểm). Dù chỉ chiếm 25 điểm nhưng tiêu chí chứng minh năng lực tài chính cũng có những yêu cầu cao với các trường ĐH đăng ký tham gia thành lập phân hiệu. Đáng chú ý, năng lực tài chính còn thể hiện trường cần là đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên nhóm 2 trở lên theo quy định của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Trước đó, theo thông tin từ UBND tỉnh Tây Ninh, nhiều đoàn công tác các trường ĐH đã thực hiện khảo sát và đề xuất thành lập phân hiệu của các trường này tại tỉnh, như: Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Trường ĐH Đồng Tháp và Trường ĐH Trà Vinh.
THÀNH LẬP HÀNG LOẠT PHÂN HIỆU TRƯỜNG ĐH
Ngoài Tây Ninh, tỉnh Bình Phước cũng từng đặt vấn đề với một số cơ sở giáo dục ĐH về việc mở phân hiệu tại địa phương, mời Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM và Trường ĐH Đồng Tháp đến làm việc. Cuối cùng, địa phương này quyết định chọn Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM do trường đào tạo nhiều ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghệ kỹ thuật, phù hợp với mục tiêu phát triển của địa phương.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM và UBND tỉnh Bình Phước vừa tiến hành ký kết hợp tác giai đoạn 2024 – 2027 với nội dung quan trọng là trong quý 1/2025, phân hiệu của trường ĐH này tại Bình Phước sẽ đi vào hoạt động. Phân hiệu Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM sử dụng toàn bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị của Trường CĐ Bình Phước.
Trong thời gian gần đây, nhiều phân hiệu các trường ĐH đã được thành lập trên cơ sở các trường CĐ địa phương. Mới đây nhất, ngày 10.10, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức lễ tạm bàn giao cơ sở vật chất Trường CĐ Cộng đồng Sóc Trăng cho Trường ĐH Cần Thơ tiếp nhận, thành lập phân hiệu tại tỉnh này. Trên cơ sở đó, Trường ĐH Cần Thơ thành lập phân hiệu trường tại tỉnh này nhằm giải quyết nhu cầu học tập tại chỗ, rút ngắn khoảng cách đi lại cho học viên.
Trong tháng 9, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng ký quyết định thành lập phân hiệu Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tại tỉnh Gia Lai trên cơ sở sáp nhập Trường CĐ Sư phạm Gia Lai. Trước đó, trường ĐH này có phân hiệu khác tại Long An trên cơ sở Trường CĐ Sư phạm Long An.
Nhiều trường ĐH khác cũng đã thành lập phân hiệu tại các địa phương khác như: Phân hiệu Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM tại Gia Lai và Ninh Thuận, Phân hiệu ĐH Kinh tế TP.HCM tại Vĩnh Long, Phân hiệu Trường ĐH Tôn Đức Thắng tại Khánh Hòa…
Cả nước hiện có 30 phân hiệu của các cơ sở giáo dục ĐH
Theo dự thảo báo cáo tóm tắt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH và sư phạm thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cả nước hiện có 30 phân hiệu của các cơ sở giáo dục ĐH, trong đó gồm 20 phân hiệu được hình thành mới, 4 phân hiệu hình thành trên cơ sở trường cao đẳng sư phạm, 9 phân hiệu trên cơ sở trường ĐH. Quy mô các phân hiệu được đánh giá thấp nhưng phần nào góp phần nâng cao độ bao phủ giáo dục ĐH tại một số địa phương, đặc biệt ở địa bàn khó khăn.
PHỤC VỤ ĐÀO TẠO NHÂN LỰC TẠI CHỖ
Theo nhiều địa phương, nhu cầu mời gọi các trường ĐH công lập đến địa phương thành lập phân hiệu nhằm phục vụ đào tạo nhân lực tại chỗ. Trong thông báo của UBND tỉnh Tây Ninh, mục đích việc kêu gọi nhằm phát triển hệ thống giáo dục đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương. Đồng thời là khai thác, phát huy hiệu quả sử dụng đất, cơ sở vật chất Trường CĐ Sư phạm Tây Ninh.
Mong muốn của tỉnh Tây Ninh khi thành lập phân hiệu trường ĐH tại địa phương là đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực. Trong đó, có ngành đào tạo phù hợp với định hướng phát triển, đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh theo Đề án phát triển nguồn nhân lực khu vực công chất lượng cao tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030. Các lĩnh vực cụ thể gồm: giáo dục (giáo viên mầm non, tiểu học, THCS và THPT); y tế; công nghệ thông tin và chuyển đổi số; du lịch; nông nghiệp; kinh tế; đào tạo sau ĐH (có các nhóm ngành trên).
Chia sẻ trong lễ khai giảng năm học mới của Phân hiệu Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tại Long An, đại diện địa phương này cho biết hiện còn thiếu 1.169 giáo viên, tỉnh đã tập trung triển khai nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này nhưng chưa giải quyết được dứt điểm theo yêu cầu thực tế. Địa phương này mong muốn Phân hiệu Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tại tỉnh sẽ giúp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có chất lượng và từng bước hiện thực hóa chương trình đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh.
Trong lễ ký kết hợp tác với Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, đại diện UBND tỉnh Bình Phước cũng cho biết hằng năm có 43% học sinh xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ trong cả nước. Tỉnh đã thực hiện cuộc khảo sát với 20.000 học sinh lớp 12 và 55% trong số này có nguyện vọng học ĐH tại tỉnh. Mặt khác, học sinh các tỉnh lân cận Bình Phước cũng có nhu cầu học ĐH gần địa phương mình.
Theo kế hoạch giai đoạn đầu, Phân hiệu Trường ĐH Cần Thơ tại Sóc Trăng, dự kiến tổ chức đào tạo các lớp ngắn và trung hạn ở các lĩnh vực mà địa phương đang cần. Đến năm 2025, phân hiệu dự kiến đào tạo trình độ ĐH chính quy với 3 ngành: kế toán, luật, logistic và quản lý chuỗi cung ứng. Ngoài ra, phân hiệu sẽ đào tạo thạc sĩ với các ngành: công nghệ thông tin, hệ thống nông nghiệp chuyên ngành biến đổi khí hậu và nông nghiệp nhiệt đới bền vững, khoa học cây trồng chuyên ngành kỹ thuật nông nghiệp thông minh.
Tuy nhiên, một chuyên gia nhìn nhận: “Từ thực tế các phân hiệu đang hoạt động, có thể thấy việc tuyển sinh không thực sự hiệu quả. Nhiều ngành đào tạo, điểm chuẩn thấp hơn so với cơ sở chính. Do vậy, việc thành lập nhiều phân hiệu trong bối cảnh hoạt động không hiệu quả, cũng đáng lo”.
Phù hợp với chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động
Phát biểu tại lễ ra mắt và khai giảng năm học 2024 – 2025 của Phân hiệu Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tại Long An hôm 5.10, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết Bộ hiện được giao xây dựng 2 đề án trình Chính phủ, trong đó có đề án quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH và sư phạm thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên tinh thần, chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động. Bộ GD-ĐT nhận thấy việc xây dựng đề án thành lập Phân hiệu Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trên cơ sở sáp nhập Trường CĐ Sư phạm Long An là phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH năm 2018; Nghị định số 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật Giáo dục ĐH sửa đổi.
GS-TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết: “Chiến lược của trường là phát triển đa cơ sở, đa phân hiệu để xứng đáng với vị trí trọng điểm quốc gia, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao. Trong đó, Phân hiệu tại Gia Lai sẽ thực hiện trách nhiệm đào tạo nhân lực cho tỉnh này cũng như một số tỉnh Tây nguyên và lân cận. Trường cam kết ưu tiên tối đa đào tạo các ngành sư phạm tại các phân hiệu thành lập để đảm bảo đủ giáo viên cho các tỉnh thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ và Tây nguyên, nhất là giáo viên các môn còn thiếu cũng như có nhu cầu từ bối cảnh chung của việc phát triển các phân hiệu theo kế hoạch và lộ trình”.
Nguồn: thanhnien.vn