Từ chuyến xuất ngoại không thành công của một cầu thủ, câu ‘Gà kia ai rán mà giòn’ bỗng nhiên trở thành trào lưu gây bão trên mạng xã hội.
Cầu thủ nói trên tuần vừa rồi đã ra sân thi đấu chính thức. Anh xóa tan những nghi ngờ về chuyên môn bóng đá khi ghi bàn thắng duy nhất mang chiến thắng về cho đội nhà.
Tuy nhiên, bên dưới các bài đăng về câu “gà kia ai rán mà giòn”, nhiều người dùng mạng xã hội để lại không ít bình luận liên quan đến món ăn này.
Nguyễn Hữu Thọ (18 tuổi, ở TP.HCM) chia sẻ, khi đọc xong câu trên vừa thấy hài hước, món gà rán lại hiện ngay trong đầu rồi “tự nhiên nghĩ đến chuyện có nên đi học làm món ăn này hay không”.
Bên cạnh đó, một số người cũng để lại các bình luận là trăn trở “Muốn làm gà rán ngon thì học ở đâu?”, “Làm sao để bán được 10-15 bàn mỗi ngày”, thậm chí là định hướng nghề nghiệp, khởi nghiệp từ món ăn này.
Rán gà giòn tưởng dễ mà khó!
Theo thạc sĩ Trần Phương, Hiệu trưởng Trường trung cấp Việt Giao, chế biến các món ăn từ gà, trong đó có gà rán, khi nghe qua tưởng rất dễ nhưng để làm ngon, bài bản thì không phải ai cũng làm được, để mở nhà hàng thì lại là chuyện phức tạp hơn.
Để chế biến các món ăn, người ta có thể học từ nhiều cách khác nhau, đơn giản nhất là học từ mạng xã hội, học từ người thân hay học tại các trường nghề, mỗi cách đều có ưu và nhược điểm riêng.
Theo thạc sĩ Phương, học qua mạng xã hội, các diễn đàn ẩm thực… là cách học linh hoạt, tiết kiệm chi phí và có thể thực hành tại nhà. Tuy nhiên, với cách học này thì không có người hướng dẫn trực tiếp và khó khắc phục lỗi khi chế biến các món ăn.
Trong khi đó, học tại trường đào tạo nghề dù phải tuân thủ theo lịch học cố định, sẽ mang lại kiến thức bài bản. Người học được thực hành nấu ăn dưới sự hướng dẫn của các giảng viên có kinh nghiệm, có cơ hội học hỏi các kỹ thuật chuyên sâu và có bằng cấp chứng minh năng lực.
Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP.HCM, cho biết thêm tại các trường nghề thường có bếp thực hành để người học trải nghiệm và nâng cao kỹ năng; người học được học tập các mô-đun thực hành ngoài doanh nghiệp, kỳ thực tập doanh nghiệp để không bỡ ngỡ khi đi làm.
“Các bạn có thể tạo dựng mối quan hệ với các đầu bếp, doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành thông qua các buổi hội thảo, cuộc thi cấp thành và quốc tế để phát triển nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp”, thạc sĩ Lý chia sẻ thêm.
Cũng theo thạc sĩ Lý, nếu bạn có đam mê và mục tiêu trở thành đầu bếp chuyên nghiệp, việc học bài bản sẽ giúp bạn phát triển kỹ năng và kiến thức cần thiết. Khi muốn mở quán ăn hoặc nhà hàng, việc có kiến thức chuyên sâu về nấu nướng và quản lý sẽ là lợi thế khi khởi nghiệp.
Nói về cơ hội nghề nghiệp của nghề nấu ăn, thạc sĩ Võ Thị Mỹ Vân, Hiệu trưởng Trường trung cấp Du Lịch và Khách Sạn Saigontourist, cho biết sau tốt nghiệp, nhiều bạn sẽ đi làm ở các nhà hàng, khách sạn, trung tâm tiệc cưới hoặc tự kinh doanh…
Hiện nay, một số trường trung cấp, cao đẳng có đào tạo ngành kỹ thuật chế biến món ăn với đa dạng các loại hình đào tạo như: Trường trung cấp nghề Việt Giao, Trường trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist, Trường trung cấp Kinh tế – Du lịch TP.HCM, Trường CĐ Kỹ thuật – Du lịch Sài Gòn, Trường CĐ Quốc tế TP.HCM, Trường CĐ du lịch Sài Gòn, Trường CĐ Kỹ nghệ II, Trường CĐ Viễn Đông, Trường CĐ Công thương Việt Nam… Bên cạnh đó, một số trường đại học cũng đào tạo các ngành liên quan chế biến món ăn như Trường ĐH Công thương TP.HCM, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM…
“Chỉ nấu ăn ngon thì không thể mở quán được”
Cũng theo thạc sĩ Trần Phương, để mở nhà hàng bán các món ăn không chỉ cần biết chế biến món ăn mà còn bổ trợ thêm kiến thức về quản trị nhà hàng, dịch vụ khách hàng.
Theo thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý, nếu có kiến thức và kinh nghiệm thì việc mở quán ăn hoặc nhà hàng là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, cần chuẩn bị kỹ lưỡng về kế hoạch kinh doanh, vốn và marketing.
Sau 2 năm học kỹ thuật chế biến món ăn chuyên ngành món Âu tại Trường trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist, chị Vũ Hoàng Trinh (28 tuổi, quê ở Đăk Lăk), đi làm tại một khách sạn ở TP.HCM để lấy kinh nghiệm. Sau khoảng 3 năm, chị quyết định trở về quê mở cửa hàng chuyên bán gà rán, pizza và mì ý. Cửa hàng của chị cũng là cửa hàng duy nhất bán loại thức ăn này tại địa phương.
Chị Trinh cũng chia sẻ, kiến thức chị học ở trường đã hỗ trợ cho chị rất nhiều từ khi đi làm nhân viên ở khách sạn đến khi ra mở cửa hàng, nhất là trong việc tính toán, quản trị. “Chỉ nấu ăn ngon thì không thể mở quán được”, chị Trinh nói.
Nguồn: thanhnien.vn