Nếu có dịp gặp gỡ và trò chuyện với chị Nguyễn Thu Hà, người mới gặp sẽ ấn tượng với gương mặt vui vẻ, hoạt bát, đặc biệt là tính cách hòa đồng, xởi lởi của người phụ nữ Khmer Nam bộ này, còn người dân ở đây thì quý mến chị bởi sự tận tụy, nhiệt huyết với công tác an sinh xã hội của địa phương.
Kết nối những tấm lòng vàng
“Hồi cuối những năm 1990, khi mùa vụ xong, thấy thời gian rỗi rảnh, tui xin làm cộng tác viên dân số ở Trạm Y tế Ngan Dừa. Ban đầu chỉ nghĩ làm để có công việc tới lui cho vui. Cũng không ngờ sau mỗi chuyến đi, biết tới những hoàn cảnh chạnh lòng, rồi mình bị cuốn theo lúc nào không hay”, chị Hà nhớ lại. Chị cho biết, nhiều lúc cũng gặp khó khăn như bận rộn việc riêng gia đình, căn bệnh nhức khớp khiến việc đi lại khá vất vả; nhưng khi nhìn thấy niềm vui của những người mẹ trong lần đưa con đi nhận tập vở, cặp mới đầu năm học, thấy nụ cười của đôi vợ chồng được nhận mái ấm tình thương nào đó, dường như chị quên đi hết cực nhọc của riêng mình.
Hồng Dân là một huyện vùng sâu của tỉnh Bạc Liêu, có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Quanh năm bà con chỉ trông chờ vào mảnh ruộng miếng vườn. Sinh ra và lớn lên tại nơi đây, hơn ai hết, chị Hà thấu hiểu những thiếu thốn, vất vả của người dân xứ mình. Cho nên bất cứ khi nào, bất cứ lúc nào và ở bất cứ vai trò gì, từ một cộng tác viên y tế, hay cho đến bây giờ là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Trèm Trẹm, chị đều dốc hết lòng, hết sức vì việc chung của địa phương.
Sau những lần đến thăm, tìm hiểu đời sống của chị em đồng bào Khmer ở quê mình nói riêng và bà con vùng lân cận nói chung, niềm trăn trở trong chị là tìm cách để giúp người nông dân thoát nghèo. Biết được ngân hàng chính sách có hỗ trợ vay tiền, chị chạy đôn chạy đáo lo thủ tục để bà con được vay vốn. Mỗi lần nghe có lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi, chị đến từng nhà vận động người dân tham dự để nâng cao kiến thức. Nhờ vậy mà chuyện về giống lúa mới, lịch gieo sạ đúng thời vụ, mô hình chăn nuôi hiệu quả… được cập nhật đến nhiều bà con, để họ áp dụng, nâng cao hiệu quả trong sản xuất trên chính ruộng lúa, mảnh vườn của mình.
Đi nhiều, gặp nhiều, thương nhiều, thì chị càng có ý niệm sẽ giúp đỡ nhiều hoàn cảnh hơn nữa. Vì vậy mà cái tên Nguyễn Thu Hà luôn được rất nhiều người trong vùng biết đến. Chị chính là người bắc những “nhịp cầu” thiện nguyện đến quê nhà từ các đoàn thiện nguyện như: Hoa Mặt Trời, Nghĩa Tình Quê Hương, Vòng Tay Yêu Thương… Chỉ tính từ năm 2014 tới nay, chị đã vận động hỗ trợ cất khoảng 100 căn “mái ấm tình thương” với số tiền trên 3 tỷ đồng cho chị em phụ nữ nghèo. Ngoài ra, chị còn vận động tiền, quà cho hội viên phụ nữ nghèo trên 1 tỷ đồng; xây dựng 30 cây nước sạch trị giá 180 triệu đồng để người dân có nước sạch sử dụng…
Cần nói thêm, những số liệu được thống kê ở trên chúng tôi phải đi tìm hiểu, thu thập nhiều nguồn, từ những bức ảnh chị Hà lưu giữ, đến xin thông tin từ Hội Phụ nữ thị trấn Ngan Dừa. Bởi sau những lần trò chuyện, được hỏi “chị giúp đỡ được những ai, tổng số là bao nhiêu”, chị Hà đều cười với nụ cười chất phác “thiệt tình là tui hổng nhớ nữa mấy cô ơi”.
Bắc nhịp đôi bờ sông quê
Công cán đóng góp cho quê hương thì chị không nhớ, thế nhưng có những kỷ niệm, mảnh đời một lần gặp qua, chị không thể quên. Hôm gặp chúng tôi, khi nhắc lại, ánh mắt chị còn rưng rưng. Đó là câu chuyện xây cầu ở ấp Tà Ben (xã Ninh Hòa) cách nay mấy năm. Khi đó có cụ bà tên Thị Nguyệt bị tật gù lưng, dáng đi cong oằn mà cứ cách mươi bữa nửa tháng là đến nhà gặp chị để xin giúp xây cầu qua con sông trước nhà. Đoạn clip chị Hà quay để gửi các đoàn thiện nguyện xin hỗ trợ, ai xem cũng thấy thương mà chảy nước mắt. Một bà cụ tật nguyền lưng khòm, một người hàng xóm câm, còn một người nữa cũng cà lăm tiếng được tiếng mất. Ấy thế nhưng trong ánh mắt và giọng ú ớ, lặp bặp của họ lại hiện rõ niềm khao khát về một nhịp cầu nối hai bờ sông ngăn cách. Chính vì vậy mà nhiều nhà hảo tâm đã nhanh chóng hỗ trợ chi phí để xây cầu. Vậy rồi không bao lâu sau thì bà cụ Thị Nguyệt mất do bạo bệnh. Hôm tang lễ, bà con ở đám tang cứ nói giọng buồn buồn thương cảm, rằng “chắc cụ bà biết được mình sắp đi xa nên mới gắng đi xin cho bằng được cây cầu cho xóm giềng đi lại thuận tiện hơn”.
Còn chị Hà, mỗi lần đi ngang cầu Tà Ben đều nhớ đến bà cụ lưng gù và tự hứa với lòng sẽ tiếp tục với sứ mệnh bắc những nhịp cầu yêu thương trên quê hương Hồng Dân của chị. Theo như chị nói, đó là cái nghĩa, cái tình và cũng là cái duyên phước của cuộc đời chị. Tuổi thơ của chị gắn liền với đời sống của một vùng quê nghèo khó. Những dòng sông uốn lượn bao quanh xóm làng đem con nước về phục vụ tưới tiêu mùa màng, đồng thời cũng dẫn đến cảnh đò giang cách trở. Vì cơ sở hạ tầng chưa phát triển nên còn nhiều cây cầu tạm bắc qua kênh rạch, có nơi phải sang sông bằng phà, xuồng ba lá… nên bà con đi lại, giao thương khó khăn. Việc đến trường của học sinh cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cho nên từ rất lâu rồi, chị ước ngày càng có nhiều cầu bê tông chắc chắn nối liền hai bờ sông ngăn cách.
Năm 2014, duyên may trong một lần đưa bà con đi chữa bệnh ở chùa Định Hương (TP.HCM), chị biết đến các đoàn thiện nguyện. Đến năm 2016, chị Hà bắt đầu đứng ra vận động cây cầu đầu tiên cho ấp Đầu Sấu Tây (xã Lộc Ninh). Tiếng lành vang xa, hễ nơi nào cần xây cầu, bà con liền tìm cách liên hệ với “bà Hà từ thiện” là chị. Nhờ sự nhiệt huyết và tấm lòng của chị mà chỉ sau 8 năm, trên địa bàn huyện Hồng Dân đã có hơn 50 cây cầu được xây mới từ nguồn tiền vận động và vốn đối ứng của địa phương. Nhờ đó, giao thông nông thôn ngày càng được cải thiện.
Chia sẻ với chúng tôi, chị cho biết “bí quyết” để mình có thể tạo niềm tin, kết nối được các nhà hảo tâm chính là sự minh bạch trong việc vận động xây dựng một công trình nào đó. “Một cây cầu được xây sẽ giúp bà con vận chuyển nông sản thêm thuận tiện, trẻ em đến trường cũng an toàn hơn, hay khi người dân bị bệnh cấp bách không còn phải chờ phà nên đến bệnh viện cũng kịp thời hơn. Tui luôn tâm niệm giúp người, giúp đời cũng là giúp mình, bởi mỗi khi làm được một việc ý nghĩa tui thấy lòng mình vui lắm. Lòng vui thì tinh thần thoải mái, sức khỏe cũng tốt lên. Mà có sức khỏe thì lại có thể đi đây đi đó giúp người, giúp đời”, chị Hà cười thật hiền khi nói về “vòng tuần hoàn” đi bắc những nhịp cầu yêu thương của mình.
Còn chúng tôi, khi viết những dòng này cứ nhớ và thương hoài lời của chị Tú – cán bộ phụ nữ thị trấn Ngan Dừa – kể về những chuyến đồng hành với chị Hà. Rằng có khi mấy chị em chạy xe đi khảo sát xây cầu, xây nhà trên những con đường lộ đất ướt mưa trơn trượt nên bị té. Té xong chị em nhìn nhau cười, quên luôn đau mà dựng xe lên tiếp tục hành trình, bởi lòng cứ mải nghĩ đến những hoàn cảnh khó khăn cần mình giúp đỡ ở đoạn đường phía trước…
Nguồn: thanhnien.vn