Cơn đau dội lên, mùi bệnh viện, mùi thuốc và những mùi không thể gọi tên xộc vào mũi nôn nao, Thụy không thể dỗ mình vào giấc ngủ. Đêm thật dài và sâu hút. Thụy nén đau, nghĩ một tiếng kêu than cũng sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ của mẹ và những bệnh nhân khác.
Cạnh giường bệnh của Thụy, mẹ đang nằm ngủ thiếp đi dưới tấm chiếu trải dưới sàn nhà. Mẹ nằm nghiêng, co người lại, những sợi tóc bạc rớt xuống. Thụy biết mẹ mệt. Xót. Thương lắm. Nước mắt Thụy ứa ra. Đã hơn tháng nay mẹ ở trong viện chăm sóc Thụy ân cần như chăm sóc một đứa trẻ. Có những đêm, mẹ trở dậy nhiều lần, đứng nhìn Thụy lặng lẽ. Tay mẹ gầy khẽ rờ rẫm vuốt lên tóc, lên má Thụy, rồi mẹ lại rón rén nằm xuống chiếu. Mẹ không ngủ được. Những lúc ấy, Thụy vờ nhắm chặt mắt, cố ngăn mình không khóc, lặng nghe từng nhịp thở âu lo phía bên dưới, nghe cả mùi mồ hôi quen thuộc vất vả cả đời của mẹ.
Ánh điện dọc hành lang bệnh viện hắt vào phòng bệnh những khoảng sáng tối. Đã hơn hai giờ sáng, Thụy đứng dậy với chiếc chăn mỏng đắp lên người mẹ rồi lặng lẽ bước ra khỏi phòng. Đứng lại cuối hành lang, tựa người bên ô cửa kính, từ tầng mười hai, Thụy ngước nhìn vầng trăng đêm. Không biết trăng thành phố có khác với vầng trăng gác núi quê Nguyên. Những đốm sao lấp lánh giữa trời như những dấu chấm nhỏ. Ùa về miền ký ức những đêm hè mẹ trải chiếu ra thềm, gió lùa về đầy khoảng sân gạch đỏ. Thụy gối đầu lên tay mẹ ngắm nhìn bầu trời đêm huyền ảo. Ngước nhìn càng lâu, bầu trời đêm càng rộng mở lấp lánh. Bằng sự tưởng tượng thơ ngây của một đứa trẻ, Thụy đuổi mắt kiếm tìm những chòm sao mang tên Cung Thủ, Gấu Nhỏ, Thợ Săn… đã được nghe trong một chương trình khoa học thường thức nào đó, cho đến khi mỏi mắt chìm vào giấc ngủ.
Mười mấy năm sống ở thành phố, từ lúc còn là sinh viên nghèo ở trọ cho đến khi đi làm dành dụm mua được căn chung cư nhỏ, Thụy chưa một lần ngắm trăng thành phố. Là bởi cuộc sống nơi này nhiều bộn bề, lo toan nên Thụy mải miết phải chạy về phía trước. Hay bởi Thụy không biết cách tĩnh lặng lại giữa những ồn ào đó. Giờ đây, cách biệt Thụy với cuộc sống ồn ào bên ngoài kia chỉ là tấm kính lớn của cửa sổ bệnh viện. Thụy đứng lặng nghĩ về khoảng thời gian đã trôi đi mất, về việc mình sẽ sống như thế nào cho ý nghĩa trong khoảng thời gian không biết còn dài bao lâu nữa…
Thụy nhớ rõ buổi sáng hôm ấy, như chỉ mới vừa hôm qua. Sau khi làm xong những xét nghiệm, Thụy quay trở lại phòng bác sĩ, một người quen, đợi anh đọc kết quả. Anh mời Thụy ngồi xuống ghế, ân cần hỏi thăm vài ba câu chuyện về cuộc sống, công việc. Rồi anh im lặng. Sự im lặng như để chuẩn bị nói ra một điều gì đó rất hệ trọng. Thụy nhìn vào ánh mắt trầm tư ấy, biết điều anh sắp nói ra không phải là điều dễ dàng. Sau lời, cảm xúc Thụy vỡ vụn. Những khoảng trống. Những lặng im. Thụy đã ngồi ở đó bao lâu, anh đã an ủi động viên Thụy bằng những lời gì Thụy không còn nhớ nữa. Cho đến khi Thụy đứng lên rời khỏi phòng, thì những tờ khăn giấy lau nước mắt đã bị vò nát, ngổn ngang trên bàn. Lúc anh níu tay Thụy lại hỏi: “Em có chắc là mình tự đi xe về nhà được chứ?”. Hình như Thụy đã không trả lời anh. Thụy thấy mình trôi đi, không phương hướng…
Sau hôm ấy, Thụy lạc vào những hoang mang lo sợ. Có những ngày, Thụy chỉ nằm im trên giường, bê bết, như con cá nhỏ đã mắc cạn trong tấm lưới cuộc đời. Và Thụy không ngừng khóc. Thụy sẽ tiếp tục cuộc sống này như thế nào? Tương lai sẽ ra sao? Có ai trả lời được cho Thụy câu hỏi ấy. Thụy mới ba mươi tuổi. Còn biết bao kế hoạch chưa thực hiện, Thụy đã ghi lại cẩn thận trong cuốn sổ tay bọc da màu xanh. Thụy chưa một lần nghĩ về cái chết. Di di ngón tay lên tấm bản đồ Việt Nam dán trên tường, Thụy gỡ bỏ. Tấm bản đồ này được Thụy mua trong một chiều lang thang trên phố sách. Thụy đã khoanh tròn đánh dấu bằng mực đỏ lên những vùng đất xa, như một lời hứa hẹn cho những chuyến hành trình phía trước suốt dọc đường tuổi trẻ.
Thụy nhớ cảm giác đứng trên đỉnh núi cao lộng gió đầy lau trắng và mây giữa miền Tây Bắc. Chiều xuống, lắng lòng nghe tiếng chim rừng tha thiết gọi bầy. Và phía dưới thung lũng xa có ngôi nhà gỗ nhỏ của Sáo. Ánh mắt Sáo ướt buồn trong cái đêm cùng Thụy ngồi bên bếp lửa. Sáo lùi bắp ngô non vào than. Bắp cháy dần những lớp vỏ xanh, Sáo kể: “Nhà không có tiền, học hết lớp năm thì em nghỉ. Mẹ nói khi nào bố khỏe, em có thể quay lại trường học. Nhưng mấy năm rồi bố mỗi ngày mệt thêm. Lúc còn khỏe, bố đi rừng. Những chuyến đi rừng kéo dài cả tháng. Em vạch than lên cột nhà đánh dấu. Sau một chuyến đi dài như thế, bố trở về nằm ốm, khi nóng sốt khi rét run bần bật. Mẹ dãi nắng dầm mưa cả ngày trên nương rẫy. Vẫn nghèo…”. Bắp ngô cháy gần hết lớp vỏ, xém vàng vào một số hạt, Sáo cầm đưa cho Thụy. Những gùi bắp nặng Sáo cõng trên lưng, bấm chặt ngón chân, băng qua con đường gập ghềnh trở về nhà. Trên gác bếp nhà Sáo chỉ treo chật măng và bắp. Khô quắt. “Những lúc được nghỉ, em chỉ thích ngồi đọc sách. Nhưng mấy cuốn sách em có đều đã cũ rách, đọc hết cả rồi”. Thụy chia tay Sáo về thành phố mang theo lời hứa sẽ sớm trở lại với nhiều sách truyện hay cho Sáo và cả bạn của Sáo ở thung lũng. Lời hứa ấy, Thụy còn giữ được hay không?
Sau lần hóa trị thứ tư trở về, cơ thể Thụy đã thấm đẫm hóa chất, bải hoải, mệt rũ như tàu lá héo trong nắng. Chỉ cần ngửi thấy mùi thức ăn là Thụy đã chực nôn ói. Những đau đớn dần bào mòn ý chí tha thiết muốn được sống. Đã có lúc yếu lòng Thụy muốn bỏ cuộc. Thức ăn mẹ dọn ra, Thụy nhìn rồi đậy lại, y nguyên. Mẹ nhìn Thụy, mẹ khóc, “Con nhịn mẹ cũng nhịn”. Thương mẹ xót lòng, Thụy lại cố ăn. Cứ một miếng thức ăn vào miệng, lại uống một ngụm nước đầy. Nước giúp đẩy nhanh thức ăn trôi tuột xuống dạ dày, không phải nhai, nuốt. Tóc Thụy rụng, từng nắm, từng nắm một, như cây mùa lá đổ. Tóc vương khắp trên gối chăn, sàn nhà, lạc cả vào trong mâm cơm của mẹ. Mái tóc đen dày Thụy đã từng nâng niu chăm sóc, đợi ngày đủ dài sẽ cắt dành tặng cho thư viện tóc. Dự án cho mái tóc được sống lại thêm một lần nữa, giúp cho những bệnh nhân nữ ung thư lấy lại được vẻ đẹp, sự tự tin. Giờ thì, không giữ được mái tóc xanh của mình, Thụy cũng sẽ cần đến mái tóc của ai đó hiến tặng, một ngày nào đó. Dù hàng trăm lần tự dặn mình phải mạnh mẽ lên, Thụy cũng không thể chối bỏ những cảm giác xót xa, rất thật…
Đến lần hóa trị thứ năm, khi ngồi dưới tán cây trứng cá trong khuôn viên bệnh viện một buổi chiều, Thụy đã nghĩ đến việc hay dừng lại việc điều trị. Thụy đau. Thụy cũng không đành lòng nhìn mẹ khổ thêm vì mình nữa. Lúc nhìn sang ghế đá bên cạnh, Nguyên đang ngồi chăm chú đọc sách. Lướt qua bìa cuốn sách, Thụy nhận ra ngay Khi hơi thở hóa thinh không của Paul Kalanithi. Ở tuổi ba mươi sáu, lúc ước mơ trở thành bác sĩ nội trú khoa thần kinh học sắp trở thành sự thật sau bao năm vất vả nỗ lực thì Paul bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi. Paul trở thành bệnh nhân trong chính bệnh viện mà Paul đang làm bác sĩ. Vượt lên trên tất cả nỗi đau của bệnh tật, Paul đã sống những ngày tháng ngắn ngủi cuối cùng thật kiên cường và ý nghĩa. Những ngày sức khỏe khá hơn, Paul cởi xuống chiếc áo bệnh nhân, khoác lên người chiếc áo bác sĩ, ép mình trở lại phòng mổ, cầm lên chiếc dao mổ. Tại sao? Bởi vì Paul đã nói, “Tôi phải học cách sống khác, nhìn nhận cái chết như một vị khách không mời. Nhưng hiểu rằng ngay cả khi tôi phải chết, thì tôi vẫn phải sống cho đến lúc thật sự ra đi”. Thụy đã xúc động khi đọc những dòng chữ này. Giờ Thụy lại hiểu thấm thía hơn những điều ấy.
Nguyên gấp sách lại. Mở chiếc túi vải mang theo, lấy ra một nắm hạt kê, rải xuống lối đi nhỏ giữa khuôn viên. Nguyên không rải hạt tung tóe, mà cẩn thận rải hạt thành một đường cong, rồi cất tiếng sáo huýt gọi. Như đã quen tiếng, đàn chim sẻ nhanh chân sà xuống. Nguyên cười, khuôn mặt Nguyên sáng bừng, nhẹ nhõm. Trông Nguyên hôm ấy không giống một người đang điều trị bệnh, lại là bệnh nan y. Thụy ngồi lặng lẽ quan sát Nguyên nói chuyện cùng với đàn chim. Bất ngờ Nguyên lại gần đưa túi hạt kê cho Thụy hỏi, “Cô có muốn cùng tôi cho những chú chim nhỏ ăn?”. Quen nhau bắt đầu như thế. Ngày tháng đi qua trở nên thân. Có lẽ trong cùng một hoàn cảnh người ta dễ đồng cảm với nhau hơn.
Nguyên kể, bố mẹ đặt tên là Nguyên, mong gửi sự an lành vào đứa con trai duy nhất. Bao nhiêu năm, Nguyên cố gắng học tập, làm việc để lên được vị trí trong một tập đoàn lớn. Tương lai tưởng rộng mở. Nhưng số phận đã sắp đặt cho Nguyên một kế hoạch khác. Lúc biết mình bị bệnh, Nguyên đã nghỉ việc, rời thành phố, về nhà sống gần cha mẹ. Sau những ngày hoang mang tuyệt vọng, Nguyên đã bừng lên những suy nghĩ tích cực. Nguyên muốn sống vui vẻ, có ích, vì mỗi ngày trôi qua là sợi dây sự sống có thể thêm ngắn bớt. Quét dọn, sắp xếp lại căn phòng chứa đồ cho sạch sẽ gọn gàng, mua thêm mấy bộ bàn ghế học sinh kê vào đó, Nguyên quyết định mở lớp dạy thêm tiếng Anh cho các em nhỏ trong làng vào buổi tối. Ban ngày lũ trẻ phải đi học, Nguyên cũng cần làm việc. Trẻ con miền núi nghèo, đâu có điều kiện học ngoại ngữ. Nguyên không ngờ bọn trẻ hào hứng và say mê học đến vậy. Lớp học của Nguyên giờ đã hơn ba mươi em, nhiều lứa tuổi khác nhau. Tụi nhỏ đặt tên lớp là “Hope – Hy vọng”.
Đàn chim sẻ cũng đã làm bạn cùng Nguyên được ba năm rồi. Đã trải qua hai mươi lần hóa trị, một lần phẫu thuật lớn, Nguyên không biết sẽ phải xuống ga cuối trên chuyến xe đời lúc nào. Nhưng mỗi ngày còn được thấy bình minh lên, với Nguyên, giờ đã là quà tặng của cuộc sống. Nên phải sống và phải hy vọng chứ. Những đợt nhập viện hóa trị theo lịch hẹn của bác sĩ, Nguyên đều tự tay sắp xếp đồ vào chiếc ba lô nhỏ rồi một mình bắt chuyến xe khách đường dài lên viện, không cần mẹ theo chăm sóc. Nguyên coi như một chuyến đi chơi phố, dù có mệt chút. Nếu lần nào không quá mệt, Nguyên còn mang theo về được những quyển sách hay ho cho đám học trò nhỏ. Lũ nó thương thầy Nguyên lắm. Được chúng yêu thương gọi một tiếng “thầy” với Nguyên cũng hạnh phúc tự hào lắm chứ.
Nguyên đã dạy Thụy cách đi qua nỗi đau và không ngừng hy vọng. Cách tìm ra ý nghĩa cuộc sống, niềm vui nhỏ giữa những khó khăn. Những đợt vào viện, không có Nguyên, Thụy cũng mang theo một túi hạt kê, mỗi chiều đều cố gắng đi bộ ra khuôn viên rải hạt cho đàn chim xuống nhặt, Thụy quay video gửi cho Nguyên. Nguyên cũng gửi cho Thụy xem những hồn nhiên, những tình cảm thân thương của những đứa trẻ trong lớp học Hy vọng.
Đi qua đợt hóa trị thứ mười một, còn phải đi qua bao nhiêu đợt hóa trị nữa Thụy không biết. Bác sĩ nói phác đồ điều trị còn phụ thuộc vào thể trạng sức khỏe, và sự đẩy lùi nhanh hay chậm của bệnh… Nhưng như Nguyên nói, còn sống một ngày thì hãy cứ vui, trân trọng một ngày. Sáng nay, Thụy mở tủ ướm lên chiếc váy hoa yêu thích. Chiếc váy đã quá rộng. Size quần áo cũ đã không còn vừa với Thụy nữa. Nhưng không sao, sẽ có size phù hợp. Thụy sẽ như con cá nhỏ thoát ra khỏi tấm lưới, bơi trở về với nước. Dù nó bơi chậm, rất chậm thôi. Thụy cũng đã dán lại tấm bản đồ lên tường, khoanh một dấu tròn đỏ thật lớn vào quê Nguyên. Từ quê Nguyên đi xe ngược lên thung lũng của Sáo cũng không còn quá xa…
Nguồn: thanhnien.vn