Wednesday, November 27, 2024

Phi công hạng ace xuất sắc nhất trong Chiến tranh Triều Tiên là ai?

Hai phi công đạt đẳng cấp ace hàng đầu của Chiến tranh Triều Tiên là quân nhân Liên Xô. Mỗi người trong số họ đã bắn hạ khoảng 20 máy bay đối phương, vượt xa thành tích của đối thủ.

Hai phi công Liên Xô Yevgeny Pepelyaev và Nikolay Sutyagin từng cạnh tranh danh hiệu phi công hạng ace xuất sắc nhất trong Chiến tranh Triều Tiên từ năm 1950 – 1953 (đạt hạng ace nghĩa là bắn hạ được từ 5 máy bay đối phương trở lên – ND). Trong xung đột quân sự đó, Liên Xô đứng cùng phe với Triều Tiên, còn Mỹ hậu thuẫn Hàn Quốc.

Các phi công Pepelyaev và Sutyagin bỏ xa các phi công hạng ace của Mỹ và Triều Tiên. Nhưng khi so hai người này với nhau, rất khó tìm ra ai nổi trội hơn. Sutyagin bắn hạ được 22 máy bay địch, còn Pepelyaev, theo nhiều nguồn khác nhau, có được số lần chiến thắng dao động từ 20 – 23. Trong khi đó, Joseph McConnell – phi công ace số 1 của Mỹ, chỉ bắn hạ được 16 máy bay đối phương.

Những phi công tiêm kích Liên Xô thành công nhất trong Chiến tranh Triều Tiên lại chưa có kinh nghiệm chiến đấu đáng kể nào trước đó. Họ không chiến đấu trong thời gian dài với quân Đức và quân Nhật.

Điều thú vị là hai phi công này không chứng tỏ được bản thân khi tham gia các trận không chiến trước đó chống lại không quân Đức Quốc xã và không quân phát xít Nhật. Giai đoạn đó, họ đã xuất kích hàng chục lần nhưng không bắn rơi được máy bay nào. Chính vì vậy, cả hai cùng quyết tâm lập công trong Chiến tranh Triều Tiên.

Phi công Pepelyaev vừa chỉ huy vừa trực tiếp chiến đấu

Pepelyaev bắt đầu cuộc đời quân ngũ ở Viễn Đông vào năm 1938. Sau khi phát xít Đức tấn công Liên Xô, Pepelyaev dành một thời gian ở mặt trận rồi quay về.

Vào đầu cuộc Chiến tranh Xô-Nhật, Pepelyaev đã thăng tiến lên chức vụ Phó Trung đoàn trưởng. Trong cuộc chiến với Nhật, ông xuất kích 20 trận, phá hủy một đầu máy xe lửa và đánh chìm một con thuyền của kẻ địch.

Trong Chiến tranh Triều Tiên, viên phi công này chỉ huy Trung đoàn Tiêm kích 196 nằm trong Sư đoàn Tiêm kích 324 dưới quyền lãnh đạo của Ivan Kozhedub – phi công ace hiệu quả nhất trong khối liên minh chống phát xít Đức thời Thế chiến II.

Pepelyaev nhớ lại: “Trước khi chúng tôi tới nơi, phi công Mỹ (bên phe Hàn Quốc) không gặp phải đối thủ tương xứng, họ chỉ bắn ô tô trên đường hoặc bắn trực tiếp vào quân nhân Triều Tiên và Trung Quốc. Nhưng trong vòng 2 tháng, chúng tôi đã xóa sổ ưu thế trên không của họ. Thế là họ chỉ còn xuất hiện thưa thớt, không lượn lờ trên trời hàng tiếng đồng hồ như trước nữa”.

Pepelyaev giành được thắng lợi trên không đầu tiên vào ngày 20/5/1951. Trong trận chạm trán quy mô lớn với sự tham gia của hàng chục phi cơ, ông lái chiếc MiG-15 lao về phía đuôi của một trong những chiếc máy bay tiêm kích F-86 Sabre của Mỹ và hạ gục máy bay đó.

Sau đó, số chiến thắng của Pepelyaev bắt đầu tăng lên. Trung bình cứ 5 lần xuất kích, ông lại bắn hạ được một máy bay đối phương – đây được xem là một kết quả xuất sắc. Chỉ trong 3 tuần của tháng 11/1951, Pepelyaev đã bắn rơi tới 6 máy bay tiêm kích của Mỹ.

Một chiếc Sabre như thế khi bị Pepelyaev bắn hạ đã phải hạ cánh bằng bụng trên bờ Hoàng Hải. Máy bay bị thu giữ và đưa tới Moscow để nghiên cứu cẩn thận. Thế nhưng Pepelyaev lại than rằng chiến công này được ghi chính thức cho Thiếu tá Sheberstov – phi công thuộc Trung đoàn Không quân Cận vệ 176.

Vào ngày 22/4/1952 Pepelyae được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.

Anh hùng Liên Xô Sutyagin

Như đồng đội Pepelyaev, Nikolai Sutyagin phục vụ ở Viễn Đông trong gần như suốt thời gian Thế chiến II. Trong xung đột vũ trang với Nhật Bản, ông thực hiện 13 phi vụ chiến đấu, chủ yếu là để trinh sát sân bay đối phương.

Trong Chiến tranh Triều Tiên, Sutyagin phục vụ trong Trung đoàn Tiêm kích 17 thuộc Sư đoàn Tiêm kích 303. Chính ông đã khai mở bảng thành tích của trung đoàn 17, bắn hạ một chiếc Sabre vào ngày 19/6/1951.

Sutyagin và đồng đội trong biên đội đeo bám một cặp tiêm kích Mỹ. Máy bay Mỹ cố gắng thoát khỏi sự đeo bám, bổ nhào rồi bay theo đường lắt léo. Tuy nhiên, các phi công Liên Xô tiếp tục bám sát và thu hẹp dần khoảng cách.

Sutyagin nhớ lại: “Chúng tôi thả phanh, bám sát chiếc F-86 ở góc 70-75 độ hướng ra biển. Khi tiếp cận ở cự ly 150-200m, tôi khai hỏa lên chiếc Sabre bay yểm trợ và bắn hạ nó”.

Chỉ hơn một tháng, Sutyagin đã bắn rơi thêm 4 chiếc máy bay nữa của đối phương, đạt cấp ace trong sư đoàn không quân của mình. Vào tháng 10/1951, ông được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.

Sutyagin về nước vào năm 1952. Lần tiếp theo ông trở lại châu Á là vào năm 1970, trên cương vị cố vấn trưởng về không quân cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img