Rất nhiều bạn đọc đồng tình với góp ý của VCCI: cần coi việc đặt biển báo tốc độ là bắt buộc đối với tất cả các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ.
Theo VCCI, dự thảo vẫn giữ nguyên cách tiếp cận hiện hành là xác định tốc độ tối đa dựa trên tính chất của đoạn đường. Theo đó, tốc độ tối đa được xác định dựa trên việc đoạn đường đó ở trong hay ngoài khu vực đông dân cư, đường đôi hay đường hai chiều, có một hay hai làn xe cơ giới trở lên, có phải đường cao tốc hay không (từ điều 6 đến điều 9 của dự thảo).
Việc đặt biển báo hạn chế tốc độ (điều 10) sẽ chỉ được áp dụng trong một số trường hợp đặc thù như áp dụng riêng cho một khoảng thời gian, một loại phương tiện, hay trường hợp khác với các mức đã quy định từ điều 6 đến điều 9.
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp vận tải, cách tiếp cận này gây bối rối cho người lái xe. Thay vì chỉ cần theo dõi biển báo hạn chế tốc độ (màu đỏ – trắng, dễ nhìn), người lái buộc phải theo dõi thêm biển báo khu đông dân cư (màu xanh – trắng, khó nhận biết hơn); theo dõi xem đó là đường một chiều hay hai chiều, có mấy làn xe.
Thêm vào đó, người lái xe buộc phải học thuộc lòng các mức tốc độ tối đa được quy định trong thông tư này, phải chú ý theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng khi mức tốc độ tối đa trong thông tư này được sửa đổi.
Trong các trường hợp lái xe đường dài, việc theo dõi và ghi nhớ quá nhiều thông tin như vậy, cùng với nỗi lo bị xử phạt khi nhầm lẫn, đã gây căng thẳng, mệt mỏi cho người lái xe. Điều này làm giảm năng suất lao động, tăng nguy cơ gây tai nạn giao thông.
VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo thay đổi cách tiếp cận về việc áp dụng tốc độ tối đa. Theo đó, thay vì chỉ đặt biển báo trong các trường hợp đặc thù như quy định tại điều 10 của dự thảo, cần coi việc đặt biển báo là bắt buộc đối với tất cả các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ.
Như vậy, các lái xe trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ chỉ cần chú ý quan sát biển báo tốc độ là có thể yên tâm giảm nguy cơ vô ý vi phạm.
Có biển báo rõ ràng, tài xế không lo “bị bẫy”
“Tôi đồng tình với góp ý của VCCI. Biển báo thì có nhiều loại, lái xe trong khi vừa chạy vừa tập trung trên đường có quá nhiều xe, vừa phải tập trung xem biển báo. Mà biển báo có lúc rõ, có lúc bị khuất, nhiều khi lướt qua hết khu vực biển báo rồi mà mình còn chưa biết có qua chưa, cứ phải căng mình vừa lo xe vừa lo biển báo làm không tập trung được, dễ gây tai nạn, nên đề nghị cần khắc phục vấn đề này”, bạn đọc (BĐ) Long Ly bày tỏ.
Cùng quan điểm, BĐ PFMW cho biết: “Nhiều khi tôi chạy xe hơn 5 km mà vẫn còn mù mờ không biết có đang ở khu đông dân cư hay không, vì suốt quãng đường đó không có cái biển báo nào, và như vậy sẽ vừa đi vừa phán đoán! Hiện tại, có rất nhiều biển báo “bẫy” người tham gia giao thông… Cần rà soát và chấn chỉnh lại!”. BĐ Khang An Nguyễn nói thêm: “Rất hoan nghênh đề xuất bắt buộc đặt biển báo tốc độ tối đa (và phải đặt lặp lại mỗi vài km nếu đường quá dài và qua nhiều giao lộ, nhằm đảm bảo an toàn giao thông). Đây là việc tử tế với tài xế, để tài xế không bị sơ suất, và là cơ sở để nghiêm trị những tài xế cố tình vi phạm luật giao thông”. BĐ Dang Lam chia sẻ: “Có biển báo như góp ý thì tài xế lái xe với tinh thần thoải mái hơn, không phải lấn cấn xem đã chạy đúng tốc độ chưa, còn như hiện tại có biển báo mà vẫn lo bị “bẫy”. Có nhiều đoạn vài trăm mét lại thay đổi tốc độ”.
Thêm nhiều góp ý
Bên cạnh việc đồng tình với góp ý của VCCI ở trên, nhiều BĐ cũng góp ý về những bất hợp lý hiện nay khi tham gia giao thông. BĐ The Nguyen đề nghị: “Mong cơ quan có thẩm quyền xem xét khái niệm đường không đèn giao thông với các trục đường chính. Tôi tham gia giao thông thấy nhiều tuyến đường đặt tín hiệu đèn xanh – đỏ không phù hợp, có đôi khi chỉ 2 km là phải dừng đèn đỏ, trong khi tôi di chuyển đúng tốc độ cho phép 60 km/giờ. Kiến nghị đặt lại thời gian giao thông cho phù hợp, trên trục đường chính chỉ cần chạy đúng vận tốc cho phép thì có thể không phải dừng đèn đỏ nếu như có thể, điều này sẽ tạo nên một tuyến đường gần như thông suốt, vừa tránh lãng phí vừa tham gia bảo vệ môi trường”.
Về biển báo, BĐ Hai Nguyenvan góp ý: “Đề nghị xem xét lại việc đặt các biển báo không hợp lý, nhiều cung đường có biển báo quá bất cập khiến lái xe khó tiếp cận và quan sát”. BĐ Lại Quang Tấn phản ánh: “Còn biển báo giao thông bất hợp lý. Đơn cử: bảng hạn chế tốc độ 60 km/giờ, cách sau vài mét là bảng vào khu đông dân cư… Nên xem lại”.
BĐ Đào Việt Lâm ý kiến: “Đề nghị tất cả các biển báo tốc độ phải đặt nơi không bị cành cây, biển quảng cáo che khuất và phải có biển báo nhắc lại sau mỗi ngã ba, ngã tư để người nơi khác đi trong đường nhánh ra biết. Nhiều lái xe do không biết nên mới vô ý vi phạm”.
Đề xuất của VCCI là hợp lý, nhiều tài xế cũng mong muốn vậy từ lâu!
GHPH
Đặt biển báo trên cao giữa làn đường để lái xe có thể quan sát! Nhiều biển báo hiện nay đặt tại vị trí vô cùng… thách thức lái xe!
Thach NQ
Nguồn: thanhnien.vn