Nhiều đại học (ĐH) ở Mỹ dùng các ứng dụng kiểm tra trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm ngăn chặn tình trạng sinh viên dùng AI viết bài luận. Tuy nhiên, có không ít trường hợp công cụ kiểm tra sai, khiến sinh viên bị 0 điểm.
Tỷ lệ ứng dụng kiểm tra AI “hiểu lầm” từ 1% cho đến hơn 10%
Giáo sư cho rằng ứng dụng kiểm tra AI trước đây từng đưa cảnh báo về bài viết của cô. Tuy nhiên, Olmsted phản đối kết luận này, khẳng định câu chữ của cô hơi “máy móc” vì cô bị chứng rối loạn phổ tự kỷ, chứ không phải dùng AI tạo ra bài viết. Sau đó, nhà trường thay đổi kết quả và cho cô đậu môn học đó.
Trong một trường hợp khác, Ken Sahib, sinh viên người Mỹ nhưng lớn lên ở Ý, cho biết bản thân từng bị sốc khi bài viết của mình bị điểm 0 trong khóa học về mạng máy tính tại Berkeley College ở TP.New York (Mỹ).
Giảng viên lý giải: “Mọi công cụ tôi đã thử đều cho ra cùng một kết quả: AI tạo ra bài viết này”. Tuy nhiên, Sahib khẳng định suốt thời thiếu niên, anh học ở Ý nên tiếng Anh chỉ là ngôn ngữ thứ 2 và cách viết của anh sẽ không thể tự nhiên như người bản xứ, đồng thời khẳng định ứng dụng kiểm tra AI đưa ra đánh giá sai làm. Sau khi nam sinh viên lên tiếng phản đối, nhà trường thay đổi điểm bài luận.
Theo báo cáo của Trung tâm vì Dân chủ và Công nghệ (Mỹ) hồi tháng 3, khoảng 2/3 trong số hơn 450 giảng viên tham gia khảo sát ở Mỹ cho rằng họ thường xuyên sử dụng các ứng dụng kiểm tra AI. Các nhà giáo dục cho rằng những công cụ này giúp họ xác định liệu rằng AI tạo ra những câu, đoạn văn hoặc toàn bộ bài viết của sinh viên.
Hàng loạt công cụ ra đời như Turnitin, GPTZero và Copyleaks… đang được sử dụng tại nhiều trường trung học, ĐH ở Mỹ.
Các công ty công nghệ khẳng định rằng ứng dụng kiểm tra AI có độ chính xác lên tới 99%. Tuy nhiên, Bloomberg tiến hành một cuộc thử nghiệm với 500 bài luận trước thời điểm ChatGPT ra mắt hồi cuối năm 2022. Kết quả cho thấy tỷ lệ ứng dụng kiểm tra AI “hiểu lầm” bài luận do chính sinh viên viết là “bài viết do AI tạo ra” dao động từ 1% cho đến hơn 10%.
Với tỷ lệ sai sót này, nếu xét đến số lượng lớn bài viết cần kiểm tra mỗi năm thì điều này làm ảnh hưởng lớn đến tâm lý người học, thậm chí tạo ra sự nghi ngờ, căng thẳng không cần thiết giữa giảng viên và sinh viên.
Cụ thể, sau lần bị gắn cờ “bài viết do AI tạo ra”, nữ sinh viên Moira Olmsted nhạy cảm tới mức dùng chức năng quay video toàn bộ màn hình máy tính trong lúc viết bài luận để làm minh chứng cho nhà trường.
Không ít sinh viên ở Mỹ cho rằng giờ đây họ phải mất nhiều thời gian làm bài luận hơn vì phải kiểm tra thật kỹ những câu từ có nguy cơ bị công cụ kiểm tra gắn nhãn “bài viết AI”.
Một nghiên cứu năm 2023 của ĐH Stanford (Mỹ) chỉ ra rằng ứng dụng kiểm tra AI “gần như hoàn hảo” khi kiểm tra bài luận của học sinh lớp 8 sinh ra tại Mỹ. Tuy nhiên, ứng dụng đánh giá sai, gắn nhãn “bài viết AI” đối với phân nửa số bài luận của những học sinh (với tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai).
Không nên dùng ứng dụng kiểm tra AI làm ‘thẩm phán’
Trước thực trạng đó, một số trường ở Mỹ cung cấp cho sinh viên công cụ kiểm tra AI để tự kiểm tra bài viết trước khi nộp.
Bên cạnh đó, các công ty công nghệ nhấn mạnh rằng nhà trường chỉ nên xem ứng dụng kiểm tra AI là công cụ hỗ trợ, chứ không phải “thẩm phán” để ra phán quyết đối với bài luận của sinh viên.
Thậm chí, một số sinh viên muốn tiết kiệm thời gian buộc phải dùng công cụ “AI humanizer” – có thể tự động biên tập bài viết của con người hoặc viết lại để vượt qua ứng dụng kiểm tra AI.
Đối với một số nhà giáo dục và sinh viên, nhà trường và giảng viên lạm dụng ứng dụng kiểm tra AI sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình dạy học.
Ông Adam Lloyd, giáo sư chuyên ngành tiếng Anh tại ĐH Maryland, lưu ý: “AI trở thành một phần của tương lai dù chúng ta có thích hay không. Xem AI là thứ chúng ta cần loại khỏi lớp học hoặc ngăn cản sinh viên sử dụng là sai lầm”. Thay vì sử dụng ứng dụng kiểm tra AI, giáo sư Lloyd dựa vào trực giác của mình. “Tôi hiểu rõ năng lực viết của sinh viên. Nếu nghi ngờ, tôi sẽ thảo luận cởi mở, không vội vàng cáo buộc sinh viên dùng AI để viết bài”, ông Lloyd nói.
Nguồn: thanhnien.vn