Chiếm hơn 19% trong tổng vốn FDI tại Việt Nam, doanh nghiệp Trung Quốc đang tăng mạnh cả về số dự án và hàm lượng công nghệ, đồng thời đặt yêu cầu cao hơn với các đối tác Việt Nam.
Dẫn đầu về số dự án đầu tư vào Việt Nam
Trong 9 tháng năm 2024, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án FDI đầu tư vào Việt Nam, chiếm 29,3%; đồng thời quốc gia này đứng thứ 2 về vốn đầu tư với hơn 3,2 tỷ USD, chiếm 13% tổng vốn đầu tư.
Nghiên cứu của VCCI cho thấy, hơn một nửa doanh nghiệp Trung Quốc tập trung vào xuất khẩu (54%), khoảng 50% cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp FDI khác ở Việt Nam và 45% cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng có xu hướng hợp tác kinh doanh với các đối tác Việt Nam nhiều hơn so với các doanh nghiệp FDI khác.
Về địa bàn đầu tư, các doanh nghiệp Trung Quốc đã hiện diện tại nhiều tỉnh thành của Việt Nam. Tại Bình Dương, số dự án Trung Quốc chiếm tỷ lệ 13% với 550 dự án, tổng số vốn hơn 1,7 tỷ USD. Tại Đồng Nai, Trung Quốc là nước đứng thứ 4 về số dự án, đứng thứ 5 về vốn đầu tư trên địa bàn với 192 dự án, tổng vốn đạt 2,05 tỷ USD.
Xác nhận xu hướng vốn FDI Trung Quốc đang dịch chuyển mạnh vào Việt Nam, đại diện nhiều KCN cho biết, số lượng doanh nghiệp Trung Quốc đến tìm hiểu đầu tư, thuê đất và nhà xưởng trong KCN tăng nhanh, nhất là từ năm 2022 đến nay. Gần đây, một đoàn doanh nghiệp Trung Quốc gồm hơn 20 nhà đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ, điện tử, công nghiệp phụ trợ… đã đến một số KCN như Long Thành, Châu Đức, Thạnh Phú, Giang Điền, Tân Đức, Xuân Lộc để tìm hiểu, xúc tiến thuê đất công nghiệp và nhà xưởng.
Gia tăng hàm lượng công nghệ cao
Song song với việc tăng mạnh về số lượng và quy mô, dòng vốn Trung Quốc cũng gia tăng về chất lượng. Nếu trước đây, các doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam chủ yếu hoạt động trong các ngành may mặc, da giày, đồ gỗ, chế biến thực phẩm, đồ gia dụng thì những năm gần đây đã có xu hướng chuyển dịch sang các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, công nghệ, linh kiện, phụ tùng cho sản xuất công nghiệp, điện tử, ô tô, năng lượng xanh, xe điện, thương mại điện tử…
Tổng công ty Sonadezi thông tin, đa số dự án FDI Trung Quốc vào hệ thống KCN của Sonadezi thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp kỹ thuật cao để cung cấp linh kiện, phụ tùng cho các tập đoàn sản xuất thế giới. Đây cũng là những ngành nghề mà Sonadezi đang chú trọng thu hút nhằm thúc đẩy sự phát triển công nghiệp hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu về linh phụ kiện của các nhà đầu tư hiện hữu trong các KCN và thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới đến Việt Nam.
Hiện nay, nhiều tập đoàn của Trung Quốc có quy mô quốc tế đã đăng ký đầu tư và triển khai nhà máy sản xuất tại Việt Nam như Goertek, BYD, Radian, Brotex, Quanta Computer, Tập đoàn Foxconn… Nhiều DN phụ trợ của Trung Quốc cung cấp sản phẩm cho các hãng điện tử lớn toàn cầu như Samsung, Apple cũng đặt nhà máy ở Việt Nam sau khi khảo sát tại những quốc gia cạnh tranh khác.
Trong khu vực Đông Nam Bộ, có thể kể đến một số dự án công nghệ cao như: REGZA Việt Nam (thuộc Tập đoàn Hisense) vốn đầu tư 40 triệu USD tại KCN Long Thành; BOE Việt Nam vốn đầu tư 277,5 triệu USD tại KCN Phú Mỹ 3; Gold Long John vốn đầu tư 21 triệu USD tại KCN Nhơn Trạch 2; MingYue vốn đầu tư khoảng 13,7 triệu USD, Stronkin Việt Nam vốn đầu tư hơn 10 triệu USD, Shen Ming Việt Nam vốn đầu tư 8 triệu USD… tại KCN Châu Đức.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đánh giá, các dự án có vốn đầu tư từ Trung Quốc hoạt động khá ổn định và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của tỉnh. Tỉnh luôn khuyến khích các doanh nghiệp lớn có công nghệ sản xuất xanh, hiện đại, tiên tiến của Trung Quốc đến đầu tư.
Đặt ra yêu cầu chất lượng cao hơn
Theo ghi nhận, các doanh nghiệp Trung Quốc ngày càng “khắt khe” hơn trong tiêu chí lựa chọn địa điểm đầu tư, đặc biệt là các tập đoàn lớn. Đối tác này đặt ra yêu cầu gia tăng chất lượng về nhiều mặt như cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại, kết nối giao thông đa phương thức, chuyển đổi năng lượng, nâng cấp trình độ lao động, cải thiện khung chính sách và môi trường đầu tư…
Đại diện KCN Châu Đức cho biết, các doanh nghiệp Trung Quốc triển khai dự án khá nhanh, nhất là các công ty cung ứng đang dịch chuyển vào Việt Nam theo kế hoạch của các tập đoàn quốc tế. Do đó, doanh nghiệp Trung Quốc thường yêu cầu bàn giao mặt bằng, nhà xưởng nhanh chóng. Các nhà đầu tư này cũng ưa chuộng các KCN ở vị trí đắc địa, có quỹ đất lớn hoặc nằm gần các KCN khác để thuận lợi trong phát triển chuỗi cung ứng, mở rộng các nhà máy vệ tinh lân cận.
Lãnh đạo Sonadezi chia sẻ, dòng vốn FDI mới rất chú trọng hệ sinh thái hỗ trợ tại Việt Nam. Thực tiễn từ Sonadezi cho thấy, hệ sinh thái công nghiệp đã xây dựng nhiều năm nay góp phần quan trọng để 12 KCN của Sonadezi thu hút nhiều doanh nghiệp FDI lớn, trong đó có nhiều tập đoàn điện tử của Trung Quốc.
Mới đây, một số doanh nghiệp Trung Quốc trong các KCN của Sonadezi như Hisense, Stronkin, DingJie, Junlai đã tín nhiệm, kết nối và giới thiệu Sonadezi làm việc với nhiều đối tác chiến lược, các công ty cung ứng của mình. Tính đến nay, Sonadezi đã thu hút 47 dự án FDI Trung Quốc với vốn đầu tư đạt gần 800 triệu USD và dự kiến sẽ thu hút thêm nhiều dự án lớn trong thời gian tới.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, dư địa đầu tư FDI từ Trung Quốc còn nhiều, nhất là những dự án lớn, trọng điểm và hợp tác công nghệ cao. Việt Nam rất khuyến khích và mong muốn các doanh nghiệp Trung Quốc gia tăng đầu tư vào Việt Nam đồng thời tăng cường hợp tác, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, đưa các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị hàng hóa toàn cầu.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn