Thursday, October 31, 2024

Trăm năm Trường Mỹ thuật Đông Dương: Trải thảm đỏ cho Victor Tardieu

Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương luôn được ca ngợi như người sáng lập của ngôi trường này, tuy nhiên thực tế là một câu chuyện lịch sử khác.

Năm 1914, khi Henri Gourdon đề xuất dự án mở trường thì Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut có vẻ phớt lờ, còn vị hiệu trưởng tương lai đang đi lính. Khi đó Victor Tardieu 44 tuổi, thế chiến thứ nhất kết thúc, ông lành lặn trở về nhưng mọi thứ không còn như trước nữa.
Trăm năm Trường Mỹ thuật Đông Dương: Trải thảm đỏ cho Victor Tardieu

Hiệu trưởng Victor Tardieu cùng các sinh viên khóa đầu tiên (1925 – 1930) vào ngày 12.8.1930

ẢNH: HƯƠNG KÝ PHOTO

Cuộc sống khó khăn hơn và những nghệ sĩ tiên phong đã dấn bước vào một con đường mới: không còn chân dung cổ điển, không còn tranh tường và trần nhà, không còn đơn đặt hàng từ nhà nước hay tư nhân nữa. Victor Tardieu từng theo học Ecole nationale des beaux-arts de Lyon (Trường Mỹ thuật quốc gia Lyon) rồi bỏ ngang lên Paris học trường tư Académie Julian trong vòng 1 năm, sau đó lại đổi qua Ecole des beaux-arts de Paris (Trường Mỹ thuật Paris) theo lời khuyên và sự giúp đỡ của Léon Bonnat, một giáo viên của trường này.

Victor Tardieu tham gia nhiều triển lãm ở Paris, song vì sở trường của ông là tranh kính hoặc tranh tường và chủ đề bị bó hẹp bởi tính chất tranh trang trí khổ lớn trong không gian hành chính công sở như tòa thị chính, nên nếu so với các họa sĩ đương thời sống và sáng tác tại Paris – trung tâm nghệ thuật của châu Âu thì tên tuổi ông đương nhiên chìm nghỉm.

Thập niên 1910 – 1920 chứng kiến sự ra đời của các trào lưu mới trong hội họa như: trừu tượng, dã thú, lập thể, Dada, biểu hiện… Đây là lý do vì sao khi chiến tranh kết thúc, Tardieu phải tìm một lối đi khác cho nghề nghiệp của mình.

Trong hồi ký về Victor Tardieu, người cháu gái Alix Turolla-Tardieu cho biết: “Hai năm đầu sau giải ngũ, ông sống trong đau khổ, niềm kiêu hãnh bị tổn thương khi phải phụ thuộc vào tiền dạy học đàn hạc của vợ mình là Caline và lo sợ sẽ không bao giờ có thể sống bằng tranh nữa. Sau đó, một cuộc gặp gỡ với Albert Sarraut, một nhà sưu tập và yêu nghệ thuật, đã đem đến cho ông ít nhiều hy vọng”.

Vẫn theo lời kể của Alix Turolla-Tardieu, thời điểm đó chính phủ Pháp đài thọ cho nghệ sĩ đoạt Prix de l’Indochine (Giải thưởng Đông Dương) một chuyến khứ hồi và lưu trú miễn phí ở Viễn Đông. Prix de l’Indochine là một giải thưởng nghệ thuật do Toàn quyền Đông Dương Klobukowski sáng lập năm 1910.

Người đoạt giải đầu tiên là Charles Fouqueray, vào năm 1914, sau đó giải thưởng bị gián đoạn không rõ lý do. Đến năm 1920, giải được trao cho Victor Tardieu, không có thông tin cho biết ông thắng giải nhờ tác phẩm nào và có ai khác ngoài ông tranh giải hay không. Tóm lại, giải thưởng này có thể coi là “lời động viên” cho các họa sĩ chưa biết gì về thuộc địa lên đường khám phá Đông Dương, chứ không dành cho các họa sĩ đã hoặc đang sống và sáng tác ở thuộc địa. Tháng 1.1921, Victor Tardieu ra đi từ cảng Marseille với tâm thế ấy.

Trăm năm Trường Mỹ thuật Đông Dương: Trải thảm đỏ cho Victor Tardieu

Phố Hàng Bạc, tranh sơn dầu của Victor Tardieu

ẢNH: MẠNH HẢI FLICKR

Ngày 2.2, ông cập cảng Sài Gòn. Ông dành thời gian thăm thú Nam kỳ, Trung kỳ, Cao Miên rồi ra Hà Nội. Ở đó, ông làm quen với quan chức Pháp và làm bạn với một số nghệ sĩ trẻ VN. Một trong số đó mau chóng trở thành môn đệ của ông: Nguyễn Vạn Thọ, tức Nam Sơn.

Trong thời gian này, phủ toàn quyền đang tiến hành trùng tu và mở rộng các tòa nhà của Viện Đại học Đông Dương. Toàn quyền Maurice Long ký với Victor Tardieu một hợp đồng, theo đó Tardieu chịu trách nhiệm trang trí các tòa nhà mới của viện và đặc biệt là giảng đường lớn. Chủ đề được đưa ra là: “La France apportant à sa Colonie les bienfaits de la civilisation” (Nước Pháp ban ơn phước và văn minh cho thuộc địa).

Trong thư viết cho vợ, Tardieu gọi đó là “một chủ đề kinh khủng”, nhưng ông không thể từ chối nữa rồi. Tác phẩm mất 8 năm trời mới hoàn thiện và gây tốn kém tới 1 triệu franc [H.Cucherousset, L’Eveil économique de l’Indochine, số ra ngày 5.8.1928], đổi lại các vị Toàn quyền, quan chức thuộc địa được góp mặt trong bích bức họa này. Họ là: Paul Doumer, Maurice Long, Albert Sarraut, Paul Beau…, thậm chí cả Victor Tardieu, và con trai, giữa đông đảo quần chúng bản địa vô danh.

Vì thời gian thực hiện hợp đồng đã ký với Toàn quyền Maurice Long quá lâu, trong khi chuyến qua Đông Dương của Tardieu dự kiến chỉ kéo dài 6 tháng, cho nên cuộc đời ông lại rẽ một hướng khác.

Đông Dương bấy giờ đã trở thành một điểm gọi của nghệ thuật, được thúc đẩy bởi những toan tính chính trị, núp dưới những chiêu bài giáo dục đào tạo và được bảo trợ bởi những viên Toàn quyền lọc lõi. Nếu Victor Tardieu trở về Pháp hẳn thì sẽ là nước đi sai lầm.

Ngày 24.11.1924, giám đốc Nha Học chính Đông Dương ký một hợp đồng lao động với Victor Tardieu, sau gần 1 tháng ban hành nghị định thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương.

Trong hợp đồng này có đoạn mở đầu: “Chính quyền thuê ông Tardieu đảm nhận vai trò hiệu trưởng Trường Mỹ thuật Đông Dương theo điều kiện quy định trong nghị định tổ chức trường này. Ông cũng có nhiệm vụ thanh tra các trường nghệ thuật trang trí ở Đông Dương”.

Hợp đồng có thời hạn 6 năm, tính từ ngày 1.11.1924. Vậy là Nha Học chính Đông Dương đã nhắm Victor Tardieu cho vị trí hiệu trưởng Trường Mỹ thuật trước khi họ trình báo cáo và dự thảo nghị định lên Toàn quyền. Thời gian từ khi ban hành nghị định, ngày 27.10.1924, tới khi bắt đầu hiệu lực của hợp đồng ký với Victor Tardieu quá gấp rút để một ai khác có thể cạnh tranh với ông. Nói không ngoa thì Đông Dương trải thảm đỏ cho Victor Tardieu! 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img