Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP Hồ Chí Minh) vừa tiếp nhận bé trai 7 tuổi, trong tình trạng bứt rứt, khó chịu, đau bụng, ói.
Khai thác bệnh sử ghi nhận, cách nhập viện 4 giờ, bệnh nhi đang nằm ở nhà chơi các cục nam châm, vô tình nuốt phải 4 cục. Sau nuốt, bệnh nhi thấy khó chịu, đau bụng nên khai với người nhà. Gia đình nhanh chóng đưa bệnh nhi đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố kiểm tra.
Tại bệnh viện, bệnh nhi có biểu hiện đau bụng, nôn ói, vẻ mặt hốt hoảng. Các bác sĩ đã tiến hành chụp X-quang bụng không sửa soạn phát hiện dị vật ở ruột non, nên đã hội chẩn để tiến hành nội soi đường tiêu hóa cấp cứu và nội soi ổ bụng.
Bệnh nhi được gây mê nội khí quản, nội soi tiêu hóa từ thực quản-dạ dày đến tá tràng D3 nhưng không thấy dị vật. Các bác sĩ quyết định nội soi ổ bụng, phát hiện ở hồi tràng có dị vật hình lập phương có kích thước 1x1x1cm, kiểm tra các đoạn ruột còn lại không ghi nhận dị vật.
Do không thể đẩy dị vật lên dạ dày hay xuống đại tràng được nên các bác sĩ quyết định mở rộng lỗ trocar rốn, đưa đoạn ruột chứa dị vật ra ngoài qua lỗ trocar rốn, xẻ hồi tràng thấy dị vật là 4 viên nam châm và lấy dị vật ra ngoài.
Sau nội soi phẫu thuật lấy dị vật, bệnh nhi hết đau bụng, hết ói, tỉnh táo, được tiếp tục theo dõi tổn thương niêm mạc ruột cũng như chức năng đường tiêu hóa.
Trong số các loại dị vật thì nam châm là nguy hiểm nhất, đặc biệt khi nuốt từ 2 viên trở lên. Do có từ tính nên chúng có xu hướng tự hút dính vào nhau dọc theo đường tiêu hoá, gây tắc và tạo sức ép lên thành ruột, gây thiếu máu dẫn đến hoại tử và thủng ruột; thậm chí có thể gây sốc nhiễm trùng dẫn tới tử vong.
Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh nên để trẻ tránh xa các vật có kích thước nhỏ, sắc, nhọn, dễ nuốt như: nam châm, pin, dây chuyền, nhẫn, cúc áo, hóa chất độc hại… Nếu không may nuốt phải cần cho trẻ đến viện ngay để được xử lí kịp thời, tránh gây hậu quả đáng tiếc.
Nguồn: vtv.vn