Liên Hợp Quốc và nhiều quốc gia đã lên án Israel, sau khi Quốc hội nước này thông qua đạo luật coi Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên Hợp Quốc (UNRWA) là tổ chức “khủng bố” và cấm tổ chức nhân đạo này hoạt động tại Israel.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đánh giá, công việc của UNRWA là không thể thiếu và không có giải pháp thay thế nào cho cơ quan này, việc Israel thực thi luật này sẽ gây hậu quả tàn khốc đối với người tị nạn Palestine tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, đồng thời cho biết sẽ đưa vấn đề này ra trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Người đứng đầu UNRWA Philippe Lazzarini cho biết, Israel đã tạo ra một “tiền lệ nguy hiểm” khi đi ngược lại Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, làm gia tăng thêm nỗi đau khổ của người dân Palestine, đặc biệt là tại Gaza nơi người dân đã phải trải qua hơn một năm địa ngục trần gian.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh vai trò quan trọng của UNRWA trong hơn 7 thập kỷ, cho biết lệnh cấm là không thể chấp nhận được khi đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của tất cả những người phụ thuộc vào tổ chức này.
Chính quyền Palestine đã bác bỏ động thái này, cho rằng việc thông qua đạo luật phản ánh sự chuyển đổi của Israel thành “một nhà nước phát-xít”.
Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết, hành động này thể hiện sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, luật nhân đạo quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc và các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an, đồng thời cảnh báo về mối nguy hiểm của cách tiếp cận này và những tác động tiêu cực của nó đối với hệ thống pháp luật quốc tế.
Bộ Ngoại giao Jordan lên án mạnh mẽ động thái của Israel, mô tả đây là hành vi vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và nghĩa vụ của Israel với tư cách là thế lực chiếm đóng, đồng thời cảnh báo về hậu quả thảm khốc do vụ việc gây ra.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller đánh giá cao vai trò không thể thay thế của UNRWA, đặc biệt là tại Gaza trong thời điểm hiện nay và bày tỏ quan ngại với Israel về việc thông qua đạo luật.
Đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Phó Thông cho biết, Trung Quốc kiên quyết phản đối quyết định “vô lý” này, khi UNRWA đã đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự sống cho người dân Palestine ở Gaza.
Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vasily Nebenzia mô tả lệnh cấm của Israel là “khủng khiếp” và cho biết sẽ làm tình hình ở Gaza trở nên tồi tệ hơn.
Thủ tướng Anh Keir Starmer bày tỏ mối quan ngại sâu sắc và cho biết luật của Israel có nguy cơ khiến công việc thiết yếu của UNRWA dành cho người Palestine trở nên bất khả thi.
Chính phủ Đức chỉ trích gay gắt dự luật do Quốc hội Israel thông qua, cho rằng động thái này sẽ khiến công việc của UNRWA tại Gaza, Bờ Tây và Đông Jerusalem trở nên bất khả thi, gây nguy hiểm cho hoạt động viện trợ nhân đạo quan trọng cho hàng triệu người.
Ireland, Na Uy, Slovenia và Tây Ban Nha – những nước đã công nhận nhà nước Palestine – đã ra tuyên bố chung lên án việc Israel thông qua dự luật, cho rằng dự luật này sẽ tạo ra tiền lệ nghiêm trọng cho hoạt động của Liên hợp quốc và mọi tổ chức thuộc hệ thống đa phương.
Các nước như Bỉ, Thụy Sĩ đều bày tỏ lo ngại về những tác động về mặt nhân đạo, chính trị và pháp lý của lệnh cấm, kêu gọi Israel để UNRWA thực hiện nhiệm vụ do Đại hội đồng Liên hợp quốc chỉ định trên khắp Trung Đông.
Ngoại trưởng Australia Penny Wong cho biết, nước này phản đối quyết định của Israel về việc “hạn chế nghiêm ngặt” hoạt động của UNRWA, kêu gọi Israel tuân thủ các phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế để có thể cung cấp các dịch vụ cơ bản và hỗ trợ nhân đạo trên quy mô lớn tại Gaza.
UNRWA được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thành lập vào năm 1949 để hỗ trợ những người tị nạn Palestine, là tổ chức chính cung cấp các dịch vụ nhân đạo tại Gaza, đồng thời hỗ trợ hàng triệu người tị nạn Palestine ở Bờ Tây bị chiếm đóng, Lebanon, Jordan và Syria.
Nguồn: vov.vn