Ngày 30.10, mưa bắt đầu ngớt và nước bắt đầu rút ở vùng lũ thuộc H.Lệ Thủy và H.Quảng Ninh (Quảng Bình). Đây là “thời điểm vàng” để dọn lũ.
Ông Võ Đình Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Lộc Thủy, cho biết dù còn nhiều ngổn ngang nhưng người dân địa phương phải tự gượng dậy vì “nhà ai cũng lụt”, chính quyền và các đoàn thể chỉ có thể giúp dọn dẹp bùn đất ở những gia đình neo đơn, trụ sở cơ quan, trường học…
Tận dụng thời gian mưa ngừng, nước rút, lực lượng vũ trang và các đoàn thể lập tức đổ quân về vùng lũ giúp dân và chính quyền dọn dẹp, sớm trở lại với đời sống. Đại úy Dương Quốc Khánh, Trưởng ban Thanh niên Công an tỉnh Quảng Bình, cho hay tuổi trẻ Công an tỉnh Quảng Bình đã chủ động xây dựng phương án khắc phục hậu quả mưa lũ, với 8 đội hình thanh niên tình nguyện, mỗi đội hình gồm 20 cán bộ chiến sĩ, sẽ căn cứ theo tình hình thực tế nước lũ rút để đến hiện trường lau dọn bàn ghế, vệ sinh, sắp xếp trang thiết bị học tập, tạo điều kiện thuận lợi để các em học sinh quay trở lại học tập bình thường.
Trong khi đó, chiều 30.10, Tỉnh đoàn Quảng Bình bàn giao máy bơm nước, góp phần hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả mưa lũ tại H.Quảng Ninh. Theo chỉ đạo của anh Đặng Đại Bàng, Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Bình, trong hôm nay (31.10) và những ngày tới, các đội hình thanh niên tình nguyện đồng loạt ra quân để kịp thời hỗ trợ bà con nhân dân, các trường học dọn dẹp vệ sinh ở H.Lệ Thủy và H.Quảng Ninh.
Cũng trong ngày 30.10, công tác cứu trợ đã được triển khai ở H.Lệ Thủy và H.Quảng Ninh. Nhu yếu phẩm của các đoàn cứu trợ sẽ được tiếp nhận để vận chuyển vào tiếp tế cho người dân. Hiện, theo tìm hiểu của PV Báo Thanh Niên, thứ bà con vùng lũ cần nhất là nước sạch. Rất nhiều người dân tại TT.Kiến Giang và các xã Liên Thủy, An Thủy, Phong Thủy, Lộc Thủy, Xuân Thủy (H.Lệ Thủy)… rất mong được hỗ trợ nguồn nước uống để sinh hoạt do hệ thống nước sạch đã bị cắt nhiều ngày nay.
Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho rằng lúc này, các địa phương phải sẵn sàng phương án điều phối thông tin, tiếp nhận cứu trợ với mục tiêu công khai, minh bạch. Triển khai công tác khắc phục hậu quả, sớm ổn định tình hình sau thiên tai; sẵn sàng huy động lực lượng hỗ trợ người dân, các trường học, trạm y tế dọn dẹp, vệ sinh môi trường, nước rút đến đâu vệ sinh đến đó. Đồng thời, ngành chức năng phải kịp thời triển khai công tác xử lý nước sinh hoạt vùng nông thôn, phòng, chống dịch bệnh; sớm khắc phục, sửa chữa bảo đảm hệ thống điện, thông tin liên lạc thông suốt; hướng dẫn người dân các kỹ năng sử dụng điện an toàn.
Báo Thanh Niên trao tiền hỗ trợ nạn nhân bão số 6 ở Thừa Thiên – Huế
Chiều 30.10, đại diện Báo Thanh Niên cùng lãnh đạo UBND P.An Cựu (TP.Huế, Thừa Thiên – Huế) đến thăm, trao số tiền 10 triệu đồng bạn đọc hỗ trợ khẩn cấp cho gia đình anh Trần Văn Thắng (thường trú P.Đông Ba, TP.Huế, chỗ ở hiện tại số nhà 18/58 đường Duy Tân, P.An Cựu, TP.Huế), nạn nhân bão số 6 tại Thừa Thiên – Huế.
Anh Thắng làm công nhân tại TP.Huế. Khoảng 13 giờ ngày 27.10, trên đường từ xã Quảng Công (H.Quảng Điền) về nhà, khi đến đoạn đường ngập ở Km43+200 QL49B (thuộc xã Hương Phong, TP.Huế) anh bị nước lũ cuốn trôi, chiều 27.10 mới tìm thấy thi thể.
Cùng ngày, đại diện Báo Thanh Niên cùng lãnh đạo UBND xã Lộc Vĩnh đến gia đình anh Lê Phước Thơ (44 tuổi, tại thôn Bình An, xã Lộc Vĩnh, H.Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế) để trao số tiền 10 triệu đồng bạn đọc hỗ trợ. 11 giờ 15 ngày 27.10, anh Thơ đi đánh cá thì không may trượt chân, đuối nước và tử vong. Anh Thơ là con thứ 3 trong gia đình có 6 anh em, trước khi mất, anh sống trong căn nhà nhỏ cùng bố mẹ già. Bản thân anh là người khuyết tật, hưởng trợ cấp hằng tháng.
Bùi Ngọc Long – Lê Hoài Nhân
Nguồn: thanhnien.vn