Sáng 30.10.2024, Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức tọa đàm chủ đề “Tính văn học trong nghệ thuật sân khấu cải lương từ 1975 đến nay”, thu hút sự quan tâm của giới nghệ thuật.
Ý kiến của đạo diễn, NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, khiến nhiều người ấn tượng: “Nhiều kịch bản trước 1975, hoặc ngay sau 1975 không lâu, cho đến nay đi đâu vẫn còn nghe người ta ca đi ca lại những bài bản trong đó, thậm chí vô bàn nhậu là nghe người ta ca rất xôm. Giờ có quá ít những bài ca được lan tỏa như vậy”. Thật sự, những bài trong các vở Đêm lạnh chùa hoang, Bên cầu dệt lụa, Tiếng trống Mê Linh, Nhụy Kiều tướng quân, Nửa đời hương phấn… xuất hiện rất nhiều trong đời sống người dân với lời văn vừa gần gũi vừa bay bổng tuyệt đẹp. Cho nên NSND Trần Ngọc Giàu nhấn mạnh: “Tác giả phải viết sao cho lời văn đến được trái tim khán giả chứ không chỉ chạy theo tính kịch trong nội dung. Và đừng quên nghệ sĩ thì nửa là nghệ sĩ, nửa là nhân vật, mình phải đặt chữ sao cho họ bảo đảm nội dung mà cũng có chỗ để khoe giọng, khó vô cùng”.
Đạo diễn Mộng Long, con trai của soạn giả Quy Sắc, cho rằng tác giả xưa vừa có vốn liếng văn học vừa có thêm vốn tiếng Hán, tiếng Pháp dày dặn, cùng hiểu biết xã hội sâu sắc, nên viết có chiều sâu. Và ông kể một ví dụ, trong bài vọng cổ Cô gái bán đèn hoa giấy, soạn giả Quy Sắc viết: “Năm ấy em vừa tròn 14” thì bây giờ có nghệ sĩ lại hát “Năm ấy em vừa 14 tuổi” thật sự không hay, bởi câu của Quy Sắc nghe lung linh hơn, còn câu kia nghe rất khẳng định, rất hành chánh. Tính văn học đôi khi tinh tế ở chỗ đó.
Đạo diễn NSƯT Ca Lê Hồng bổ sung: “Xưa tác giả sống luôn trong đoàn với đạo diễn và diễn viên, nên nắm rõ cái chất của từng người, từ đó viết rất phù hợp”. Như vậy, dù ngày nay tác giả dễ dàng tiếp cận thông tin qua internet hơn trước, nhưng lại thiếu những yếu tố chiều sâu khác, và đạo diễn NSND Trần Minh Ngọc còn nhắc một chi tiết là có những tác giả chỉ biết một số bài bản cải lương thôi chứ không biết nhiều, thì làm sao viết đầy đặn cho được.
Nhưng thực tế thì tác giả kịch bản cải lương luôn thiệt thòi, chưa được quan tâm về nghề lẫn về kinh tế. Tác giả Châu Hoài Phương nói: “Xưa tác giả sống nhờ hoạt động cải lương xôm tụ, từ sân khấu tới băng đĩa, radio, kích thích sáng tạo. Nay có bao nhiêu đoàn hoạt động đâu. Nên mở những lớp tập huấn cho tác giả rèn nghề”.
Nguồn: thanhnien.vn