Để trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển như kế hoạch đề ra, Nghệ An cần sớm tháo gỡ các “điểm nghẽn” làm chậm cơ hội phát triển…
Nâng cấp hạ tầng cảng biển
Với chiều dài 82km bờ biển và diện tích vùng biển lên tới 761.000km2, cùng 6 cửa lạch lớn nhỏ và một số bãi biển đẹp, tỉnh Nghệ An nắm giữ lợi thế rất lớn để phát triển kinh tế biển. Việc nâng tầm vị thế, đưa kinh tế biển trở thành mũi nhọn, tạo động lực để Nghệ An “cất cánh” được xem là yêu cầu bức thiết, đòi hỏi các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương chú tâm triển khai thực hiện.
Mặc dù chiến lược phát triển rõ ràng là thế, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, kinh tế biển Nghệ An vẫn còn tồn tại một số bất cập, nhất là về kết cấu hạ tầng khi chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển các ngành, nghề trong lĩnh vực kinh tế biển. Thực trạng này dẫn đến việc thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn vào địa phương còn gặp nhiều khó khăn.
Một trong những ngành chủ lực của kinh tế biển, đó là dịch vụ vận tải biển. Nghệ An sớm có được lợi thế này ở khu vực Bắc Trung Bộ khi Cảng quốc tế Cửa Lò được đầu tư xây dựng từ những năm 1979, đến năm 1985 đưa vào khai thác sử dụng với quy mô ban đầu 4 bến cho tàu từ 10.000 – 25.000 tấn. Vậy nhưng, đến nay, khi nhìn sang tỉnh bạn là Thanh Hóa và Hà Tĩnh thì hệ thống cảng biển của Nghệ An bị tụt hậu, kém phát triển hơn hẳn.
Cụ thể, Cảng nước sâu Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa và Cảng Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh hiện đã được đầu tư mới, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của các loại tàu siêu trường, siêu trọng. Đây là điều mà các cảng biển Nghệ An chưa có được.
Đơn cử, Cảng Cửa Lò đang khai thác với tàu 20.000 – 30.000 DWT giảm tải, sản lượng khoảng 6 triệu tấn/năm. Trong khi đó, nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh Nghệ An trong giai đoạn tới dự kiến từ 20 – 30 triệu tấn, do vậy nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu đành phải đi qua các cảng biển khác, gây thất thu nguồn ngân sách không nhỏ cho địa phương.
Trao đổi với DĐDN, ông Phạm Bá Cương – Trưởng phòng Logistics Công ty CP Vilaconic đánh giá: Một trong những “điểm nghẽn” của Nghệ An, đó là hệ thống cơ sở hạ tầng cảng biển còn “yếu và thiếu” nhiều mặt. Năng lực bốc dỡ hàng hóa không được nâng lên, luồng lạch bị bồi lắng,… khiến cho tàu hàng có tải trọng lớn khó ra vào, quay trở. Thêm vào đó, các cảng biển chưa nhận được nhiều ưu đãi về kho bãi nên số tàu và hàng hóa xuất nhập tăng ít, điều này đồng nghĩa với việc thiếu kinh phí để tái đầu tư hạ tầng, trang thiết bị tại cảng.
Hướng đến du lịch “4 mùa”
Ngoài “điểm nghẽn” về hạ tầng cảng biển, một vấn đề đáng lưu ý khác đó là du lịch biển. Mặc dù Nghệ An sở hữu nhiều bãi biển đẹp, thơ mộng như: Cửa Lò, Bãi Lữ, Diễn Thành, biển Quỳnh… Tuy nhiên, ngành du lịch biển vẫn chưa phát triển mạnh, xứng với tiềm năng vốn có để trở thành động lực tăng trưởng kinh tế chính của địa phương.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Cường – Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An cũng thẳng thắng thừa nhận: Những năm trở lại đây, du lịch biển của địa phương có mặc dù có khởi sắc nhưng vẫn còn một số hạn chế là thiếu điểm nhấn và tính liên kết trong tổ chức các sự kiện để giữ chân du khách.
“Đi Thanh Hóa hoặc Hà Tĩnh mới thấy được sự thay đổi chóng mặt về ngành du lịch các tỉnh bạn. Xác định ngành du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng sự đầu tư vào của chúng ta chưa được nhiều. Gần 10 năm nay, Nghệ An không có nhà đầu tư nào về du lịch đầu tư một cách chuyên nghiệp”, ông Nguyễn Mạnh Cường cho hay.
Còn trên góc nhìn doanh nghiệp làm dịch vụ du lịch, ông Trần Quốc Lâm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Song Ngư Sơn đánh giá: Thực tế, Nghệ An là địa phương sở hữu nhiều bãi biển đẹp và thơ mộng cùng một kho tàng đồ sộ về danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa, lịch sử phong phú… Tuy nhiên, tốc độ phát triển du lịch biển của địa phương này vẫn còn khá chậm, chưa đạt hiệu quả khai thác cao nhất. Ngoài biển Cửa Lò, các điểm du lịch biển khác của tỉnh hiện nay đa phần mới chỉ là điểm dừng, chưa phải điểm đến của khách du lịch thập phương.
“Chưa kể, hiện tại thì du lịch biển Nghệ An vẫn còn mang tính thời vụ, thời gian hoạt động kinh doanh du lịch biển mỗi năm chỉ rơi vào khoảng thời gian từ 3 đến 4 tháng mùa hè. Do vậy, Nghệ An cần sớm thực hiện đồng bộ các giải pháp để quảng bá du lịch 4 mùa. Trong đó, cần tập trung khai thác và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, dịch vụ phụ trợ vào mùa thấp điểm, nhất là vào mùa đông như: Tổ chức các hoạt động hội nghị, hội thảo, đám cưới, ăn uống, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng,…” ông Trần Quốc Lâm nói.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn