Chiều 31.10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Bảo hiểm y tế.
Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Thanh cho hay, nhiều ý kiến thảo luận tại tổ và dư luận ủng hộ việc quy định có tính đột phá, cho phép người mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần sử dụng kỹ thuật cao có thể đến khám, chữa bệnh (KCB) tại bất cứ bệnh viện (BV) nào mà không cần làm thủ tục xin giấy chuyển viện Bảo hiểm y tế (BHYT). “Đây là trăn trở lớn nhất của Chủ tịch QH, Ủy ban Thường vụ QH, của các lãnh đạo Chính phủ”, bà Thanh nói.
Nhiều đại biểu (ĐB) bày tỏ đồng tình với quy định bỏ giấy chuyển viện mà dự thảo luật đề xuất. Trao đổi bên hành lang QH, Phó trưởng ban Dân nguyện Trần Thị Nhị Hà (đoàn TP.Hà Nội) cho biết đây là điểm rất mới và rất phù hợp nguyện vọng người dân, nguyện vọng cử tri và cũng là khắc phục bất cập của thực tiễn khi thực hiện luật BHYT trước đây. Tuy nhiên, bà Hà đề nghị Bộ Y tế sớm quy định cụ thể danh mục bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo thực hiện chính sách trên.
Tuy nhiên ĐB Trần Khánh Thu, BV đa khoa tỉnh Thái Bình, lại cho rằng quy định này cần “hết sức thận trọng” trong bối cảnh bội chi Quỹ KCB BHYT ngày càng tăng thời gian gần đây. Theo bà, về bản chất, chính sách bỏ giấy chuyển viện BHYT là một hình thức “thông tuyến” BHYT đang áp dụng nhưng mở rộng lên đến các BV tuyến T.Ư với một số bệnh mạn tính, bệnh hiểm nghèo và bệnh cần sử dụng kỹ thuật cao, cả điều trị nội trú (nhập viện), lẫn ngoại trú (trong ngày). Điều này sẽ gây quá tải cho tuyến trên, tăng chi phí KCB từ Quỹ KCB BHYT và nhiều hệ lụy cho tuyến dưới, thậm chí phá vỡ phân cấp chuyên môn của hệ thống y tế. Trong khi đó, người bệnh đi khám ở tuyến trên sẽ tăng thời gian chờ đợi, tăng chi trả tiền túi do phát sinh chi phí khác.
ĐB Trần Khánh Thu cho rằng, nguyên nhân bức xúc của người bệnh đi KCB BHYT là những khó khăn trong quá trình xin giấy chuyển tuyến. Cùng đó, danh mục thuốc tại y tế cơ sở ít và nghèo nàn hơn so với tuyến trên khi điều trị cùng một bệnh. Còn bản chất quy định chuyển tuyến có ý nghĩa quan trọng, cần thiết trong việc xử lý KCB cho người dân. Do đó, nữ ĐB đề nghị giữ nguyên phạm vi hưởng BHYT như lộ trình “thông tuyến” KCB BHYT hiện nay, và tăng mức hưởng BHYT điều trị nội trú ở các tuyến chuyên sâu.
Với các bệnh mạn tính, bệnh hiểm nghèo, ĐB Trần Khánh Thu đề nghị Bộ trưởng Y tế ban hành danh mục bệnh và cho phép được sử dụng giấy chuyển tuyến một lần dùng trong quá trình điều trị. Bà cũng đề nghị cần tiếp tục tăng cường củng cố năng lực cho hệ thống y tế cơ sở để có thể thực hiện điều trị cấp thuốc điều trị ngoại trú cho một số bệnh mạn tính đồng nhất ở các tuyến, cấp chuyên môn. Đồng thời, phải giải quyết triệt để các bức xúc trong quá trình cấp giấy chuyển tuyến.
Sớm liên thông kết quả khám cận lâm sàng
ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, cùng với việc quy định đơn giản hóa thủ tục chuyển tuyến, cần xem xét quy định việc liên thông kết quả khám cận lâm sàng của cơ sở KCB trước đó để giảm thời gian chờ đợi, KCB của người bệnh; giảm chi phí của người bệnh; chống lãng phí, tiết kiệm chi phí cho quỹ BHYT để sử dụng cho KCB BHYT.
ĐB Trần Chí Cường (đoàn TP.Đà Nẵng) thì đề nghị cần rà soát, hoàn thiện nội dung về thanh toán chi phí KCB BHYT… Theo ĐB, dự thảo luật có bổ sung thêm quy định về thanh toán trong trường hợp điều chỉnh giữa các cơ sở KCB BHYT và chi phí dịch vụ cận lâm sàng. Tuy nhiên, việc bệnh nhân KCB BHYT phải mua thuốc và vật tư y tế bên ngoài, khi BV không có thì sẽ được thanh toán như thế nào mới đang là vấn đề thực tế được rất nhiều cử tri quan tâm hiện nay.
Theo ĐB, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 22 quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ BHYT đi KCB, có hiệu lực từ ngày 1.1.2025. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, ông nhận thấy, thông tư này không giải quyết được vướng mắc trên, cũng như không thể giải quyết triệt để tình trạng thiếu thuốc như hiện nay…
ĐB Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội, đề nghị cần nhìn thẳng vào nguyên nhân tại sao có nhiều vướng mắc trong thanh toán KCB BHYT. Nguyên nhân do chưa có văn bản quy phạm pháp luật về giám định BHYT trong luật cũ.
Giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nói quy định bỏ thủ tục giấy chuyển viện với các bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo và các bệnh cần sử dụng kỹ thuật cao là nội dung mới, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch QH và Thủ tướng Chính phủ. Quy định này được sửa đổi để đảm bảo thuận lợi nhất cho người dân, đảm bảo sự ổn định, vững chắc của hệ thống y tế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở. Với các quy định về liên thông kết quả xét nghiệm, bà Lan cho biết, để đảm bảo thực hiện được nội dung này cũng cần rất nhiều giải pháp đồng bộ mới có thể đáp ứng được yêu cầu liên thông.
Nguồn: thanhnien.vn