Friday, November 1, 2024

Cần bỏ ngay quy định xét nghiệm nồng độ cồn khi khám sức khỏe lái xe

Nhiều ý kiến cho rằng việc xét nghiệm nồng độ cồn khi khám sức khỏe để cấp giấy phép lái xe là vô lý, vừa tốn kém vừa không mang lại lợi ích gì.

Như Thanh Niên thông tin, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra về trách nhiệm thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp tại Bộ GTVT. Cơ quan thanh tra nhận định, việc thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức tại Bộ GTVT đạt nhiều kết quả tích cực; tuy vậy vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.

Theo Thanh tra Chính phủ, trong thời kỳ thanh tra (tháng 6.2021 – 11.2023), Bộ GTVT ban hành 24 thông tư có quy định thủ tục hành chính và trình Chính phủ ký ban hành 8 nghị định có quy định thủ tục hành chính. Qua kiểm tra cho thấy quy định về thủ tục hành chính tại một số thông tư của Bộ GTVT ban hành chưa đảm bảo tính hợp lý, thống nhất, có nội dung không được luật giao, quy định.

Cần bỏ ngay quy định xét nghiệm nồng độ cồn khi khám sức khỏe lái xe

Thanh tra Chính phủ đề xuất bỏ quy định xét nghiệm nồng độ cồn khi khám sức khỏe lái xe (ảnh minh họa)

ẢNH: TUYẾN PHAN

Điển hình như Thông tư liên tịch số 24/2015 của Bộ GTVT và Bộ Y tế, có nội dung về mẫu giấy khám sức khỏe của người lái xe. Phụ lục số 02 của thông tư này quy định về việc chỉ định “xét nghiệm nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở”.

Tuy nhiên, theo Thanh tra Chính phủ, kết quả kiểm tra nồng độ cồn chỉ phản ánh tại thời điểm khám sức khỏe, không phải tại thời điểm điều khiển phương tiện của người lái xe. Do đó, việc quy định xét nghiệm nồng độ cồn tại thời điểm khám sức khỏe của người đề nghị cấp giấy phép lái xe là không cần thiết, làm tăng chi phí cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính cấp mới, cấp đổi giấy phép lái xe.

Báo cáo của Cục Đường bộ xác định từ ngày 1.1.2021 – 1.1.2023, toàn ngành GTVT cấp hơn 9,9 triệu giấy phép lái xe các loại. Nếu tính đơn giá 35.050 đồng/xét nghiệm, chi phí người dân phải bỏ ra để xét nghiệm nồng độ cồn bất hợp lý khi khám sức khỏe cấp bằng lái xe là khoảng 350 tỉ đồng. Từ căn cứ đã nêu, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu, sửa đổi mẫu giấy khám sức khỏe của người lái xe theo hướng bỏ chỉ định “xét nghiệm nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở”.

Lãng phí là đây chứ đâu!

Nhiều ý kiến cho rằng việc bắt buộc xét nghiệm nồng độ cồn khi khám sức khỏe để cấp giấy phép lái xe là hoàn toàn không cần thiết, bởi vì kết quả xét nghiệm tại thời điểm đó không phản ánh được tình trạng khi người đó điều khiển phương tiện. “Điều này không chỉ làm tăng chi phí cho người dân mà còn là một sự lãng phí nguồn lực khủng khiếp”, bạn đọc (BĐ) Nguyễn Linh thẳng thắn.

Cùng quan điểm, BĐ Hiền Quan ý kiến: “Đây chính là lãng phí chứ đâu… Hy vọng những sự lãng phí như này sẽ được chấm dứt”.

Còn BĐ Van Hiep viết: “Việc bắt buộc xét nghiệm nồng độ cồn khi thi bằng lái xe là một quy định vô lý và không cần thiết. Ai cũng hiểu rằng không ai lại đi uống rượu bia trước khi tham gia một kỳ thi quan trọng như vậy. Việc này vừa gây tốn kém vừa làm mất thời gian của người dân”.

“Giờ mới biết có quy định này. Thiết nghĩ, làm “luật” như vậy rất “lạ” và gây tốn kém cho người dân. Đây cũng chính là gây lãng phí, và cũng rất cần xem xét tính chuyên nghiệp, chuyên môn, tính hợp lý của các cơ quan, cán bộ soạn thảo, đề xuất”, BĐ Linh Thảo thẳng thắn.

Cần loại bỏ ngay quy định lạc hậu này

Việc bắt buộc xét nghiệm nồng độ cồn khi khám sức khỏe lái xe là một quy định lạc hậu, không phù hợp với thực tế…

“Cơ quan chức năng liên quan cần sớm bãi bỏ quy định này, bởi nó không mang lại hiệu quả cao trong việc đảm bảo an toàn giao thông mà lại gây nhiều phiền hà cho người dân”, BĐ Tấn Tài đề nghị.

Tương tự, BĐ Trịnh Cường ý kiến: “Tôi tin rằng những quy định bất hợp lý sẽ sớm bị bãi bỏ. Thật ra, như nhiều người hay nói, mọi quy định đều do con người đặt ra, và những gì không còn phù hợp nữa thì nên thay đổi”.

BĐ Xuân Sang góp ý: “Quy định hiện hành về xét nghiệm nồng độ cồn với người khám sức khỏe lái xe đã trở nên lỗi thời và không còn phù hợp với thực tế. Do đó, cần phải sửa đổi, chỉ tiến hành xét nghiệm đối với những trường hợp nghi vấn hoặc có liên quan đến tai nạn giao thông”.

“Việc khám sức khỏe lái xe bắt buộc phải đo nồng độ cồn không chỉ gây lãng phí khoản tiền khổng lồ mà còn tạo ra nhiều bất tiện cho người dân. Đây là một quy định lạc hậu, cần được loại bỏ ngay để tiết kiệm ngân sách và giảm gánh nặng cho xã hội”, BĐ Bá Lương đề nghị.

Quy định xét nghiệm nồng độ cồn trong khám sức khỏe lái xe là một sự lãng phí lớn, gây tốn kém cả về tiền bạc và thời gian.

Quang Minh

Các nhà làm luật nên xem lại, nên có chế tài, nếu ban ngành nào ra quy định sai, hoặc gây thiệt hại cho xã hội thì phải chịu trách nhiệm.

Cao Doan

Xét nghiệm nồng độ cồn khi khám sức khỏe lái xe, thực ra đây biến hình của “giấy phép con”. Những quy định này thật bất hợp lý, lãng phí.

Hà Nguyễn

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img