Monday, November 25, 2024

Bộ GD-ĐT đề xuất 4 phương án thanh tra kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025

Bộ GD-ĐT cho biết đang đề xuất 4 phương án trong công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, hiệu quả và đúng quy chế.

Sáng nay 31.10, tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội nghị tổng kết thi và thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024 và chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.

Đang hoàn thiện hệ thống phần mềm tổ chức thi

Tại hội nghị, GS-TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đang được chuẩn bị kỹ lưỡng để bảo đảm kết quả kỳ thi đánh giá đúng năng lực học sinh, vừa để xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa là căn cứ để các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh.

Bộ GD-ĐT đề xuất 4 phương án thanh tra kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025

Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đang được chuẩn bị kỹ lưỡng

ẢNH: HUYỀN TRÂN

Theo đó, Bộ GD-ĐT đã công bố phương án thi từ năm 2025, ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn. Đồng thời đã thành lập ban chỉ đạo xây dựng cấu trúc định dạng đề thi để làm căn cứ cho việc dạy và học.

Bộ GD-ĐT đã xây dựng dự thảo Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT để phù hợp với Chương trình GDPT 2018 và phương án thi từ năm 2025, đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Bộ xin ý kiến xã hội từ ngày 29.8.

Ngày 18.10, Bộ GD-ĐT cũng đã công bố 18 đề tham khảo bảo đảm đúng quy định về cấu trúc, định dạng đề thi kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, đồng thời bám sát Chương trình GDPT 2018 và tập trung chủ yếu lớp 12.

Về hạ tầng và trang thiết bị công nghệ thông tin phục vụ cho kỳ thi, GS-TS Huỳnh Văn Chương cho biết Bộ đã đầu tư xây dựng mới phần mềm chấm thi trắc nghiệm; phần mềm quản lý ngân hàng/thư viện câu hỏi thi và hỗ trợ ra đề thi, đầu tư nâng cấp và duy trì vận hành hệ thống quản lý thi.

“Hiện tại, Bộ đang tiếp thu các ý kiến xã hội để dự kiến tháng 11 sẽ ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Sau đó, sẽ ban hành hướng dẫn và tập huấn kỹ cho các địa phương từ sớm, từ xa”, GS-TS Huỳnh Văn Chương chia sẻ.

Sẽ chốt phương án thanh tra sau khi có quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Để công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 diễn ra an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, đúng quy chế, Bộ GD-ĐT đề xuất 4 phương án từ năm 2025.

Theo đó, phương án 1 là giữ nguyên như mô hình và tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Cụ thể, lực lượng thanh tra bao gồm cán bộ công chức các đơn vị của Bộ GD-ĐT, Thanh tra Bộ GD-ĐT, huy động cán bộ, giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục ĐH, trường CĐ.

Bộ GD-ĐT đề xuất 4 phương án thanh tra kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025

Bộ GD-ĐT đưa ra 4 phương án thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp 2025

ẢNH: MOET

Cùng với đó là cán bộ công chức các đơn vị của sở GD-ĐT, Thanh tra sở GD-ĐT, huy động cán bộ, giáo viên cơ hữu của cơ sở giáo dục trên địa bàn, thuộc quyền quản lý của sở GD-ĐT.

Phương án này có ưu điểm là tất cả các khâu, các lực lượng tham gia của kỳ thi đều được thanh tra, kiểm tra, có sự phối hợp nhịp nhàng trong thực hiện nhiệm vụ giữa các đoàn kiểm tra của Bộ với các đoàn thanh tra của địa phương, đảm bảo bao quát hết các nội dung và đối tượng thực hiện nhiệm vụ của kỳ thi và các khâu của kỳ thi.

Do đã được thực hiện, điều chỉnh trong nhiều năm nên phương án này phù hợp với quy mô, tính chất của kỳ thi, trách nhiệm phân cấp trong quản lý nhà nước về giáo dục.

Tuy nhiên, hạn chế là vẫn có nội dung thanh tra, kiểm tra tại điểm thi/khu vực chấm thi chồng chéo giữa đoàn kiểm tra của bộ và đoàn thanh tra của sở. Đồng thời phải huy động số lượng lớn cán bộ, giảng viên cơ sở giáo dục ĐH tham gia các đoàn kiểm tra của Bộ (khoảng trên 8.000 người); số lượng lớn cán bộ, công chức của sở và viên chức cơ sở giáo dục thuộc quyền quản lý trên địa bàn của sở tham gia các đoàn thanh tra/kiểm tra của sở (khoảng trên 10.000 người).

Phương án 2 là giữ nguyên như mô hình và tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của Bộ nhưng có điều chỉnh hình thức thanh tra, kiểm tra của địa phương. Phương án này vẫn còn các hạn chế như phương án 1.

Về phương án 3, điều chỉnh mô hình và tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của Bộ theo hướng Bộ thành lập một đoàn kiểm tra công tác coi thi tại một địa phương với số lượng từ 10-20 người, thực hiện nhiệm vụ kiểm tra xác suất tại các điểm thi, điều chỉnh hình thức thanh tra, kiểm tra của địa phương.

Ngoài các ưu điểm như các phương án ở trên, phương án này làm giảm áp lực, số lượng cán bộ làm nhiệm vụ kiểm tra công tác coi thi tại một điểm thi nhưng vẫn đảm bảo tính nghiêm minh do có đoàn kiểm tra xác suất của Bộ, không báo trước có thể đến bất kỳ điểm thi nào và sẵn sàng cơ động ngay khi có chỉ đạo của ban chỉ đạo hoặc lãnh đạo Bộ. Đồng thời giảm được số lượng cán bộ, viên chức của cơ sở giáo dục ĐH làm nhiệm vụ kiểm tra tại điểm thi. Tuy nhiên sở GD-ĐT vẫn phải huy động số lượng lớn cán bộ, công chức (khoảng trên 10.000 người).

Phương án 4, Bộ GD-ĐT sẽ điều chỉnh mô hình và tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra theo hướng phân cấp mạnh cho địa phương. Theo đó, lực lượng tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra gồm cán bộ công chức các đơn vị của Bộ GD-ĐT, Thanh tra Bộ GD-ĐT và huy động cán bộ, giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục ĐH nếu cần thiết.

Cùng với đó là cán bộ công chức các đơn vị của sở GD-ĐT, Thanh tra sở GD-ĐT, huy động cán bộ, giáo viên cơ hữu của cơ sở giáo dục trên địa bàn, thuộc quyền quản lý của sở GD-ĐT.

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, phương án này thể hiện sự phân cấp mạnh mẽ, chủ động cho địa phương, thấy rõ trách nhiệm của địa phương; tận dụng được lực lượng cán bộ, công chức của sở và lãnh đạo cơ sở giáo dục thuộc quyền quản lý của sở trên địa bàn làm trưởng đoàn kiểm tra; giảm áp lực trong việc tuân thủ quy trình thanh tra, giám sát.

Tuy nhiên, địa phương vẫn phải huy động số lượng lớn (khoảng trên 10.000 người). Đặc biêt, phương án này dẫn đến lo ngại về hiện tượng không công bằng giữa các địa phương nếu địa phương không thực hiện hết trách nhiệm hoặc có ý đồ gian lận.

Ông Nguyễn Đức Cường, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, cho biết phương án thanh tra sẽ được chốt sau khi lấy ý kiến và quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được ban hành.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img