Ngay năm đầu tiên sau khi trúng tuyển ĐH, nhiều sinh viên đã dừng học sớm. Tỷ lệ này được ghi nhận ở mức khá cao ở nhiều trường và trở thành vấn đề ‘đau đầu’ của hội đồng xử lý học vụ các trường ĐH.
Số liệu thống kê từ kết quả xử lý học vụ của nhiều trường ĐH cho thấy tỷ lệ lớn người học chủ động dừng việc học không lâu sau khi trúng tuyển.
Số liệu 1 năm học tại một trường ĐH tư thục ở TP.HCM cho thấy tỷ lệ sinh viên (SV) bị cảnh báo kết quả học tập theo học kỳ lên tới trên dưới 20%. Tỷ lệ này khác nhau tùy theo ngành học, trong đó những ngành liên quan lĩnh vực công nghệ kỹ thuật, số lượng SV bị cảnh báo học tập lên tới 30 – 40%. Trong số các lý do cảnh báo, kết quả khảo sát của trường cho thấy nguyên nhân đến từ việc SV chủ động dừng học và không đăng ký học phần ở học kỳ tiếp theo chiếm tới trên 75%.
Dù số lượng không nhiều nhưng kết quả khảo sát từ một số trường ĐH công lập lớn cũng cho thấy tình trạng tương tự. Trong số các SV thuộc diện bị buộc thôi học, đa phần là trường hợp chủ động không tham gia học tập. Nguyên nhân chủ yếu là trúng tuyển và chuyển sang học ngành khác, trường khác.
Theo quy chế đào tạo tín chỉ, SV bị cảnh báo học vụ sau một học kỳ không đăng ký môn học. Tình trạng này nếu tiếp tục, SV bị cảnh báo học vụ lần 2 trước khi bị đưa vào danh sách buộc thôi học.
Một tỷ lệ không nhỏ SV bảo lưu kết quả học tập nhưng không trở lại sau đó. Ví dụ mới đây Trường ĐH Công nghệ thông tin và truyền thông Việt – Hàn (ĐH Đà Nẵng) xem xét buộc thôi học gần 80 SV các khóa từ 2020 đến 2023 do không đăng ký tín chỉ học kỳ 1 năm học 2024 – 2025, trong đó nhiều SV không trở lại học sau khi hết thời hạn nghỉ học tạm thời. Học viện Ngân hàng cũng dự kiến buộc thôi học 241 SV sau học kỳ 2 năm học 2023 – 2024, trong đó gần 200 trường hợp vượt quá thời gian đào tạo tối đa 6 năm.
Năm ngoái, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM công bố danh sách hơn 150 SV không tham gia học tập học kỳ 1 năm học 2023 – 2024. Kết quả dữ liệu đăng ký học phần của trường cho thấy tổng số tín chỉ đăng ký của tất cả trường hợp này đều là 0.
CÁCH NÀO “GIỮ CHÂN” NGƯỜI HỌC ?
Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết tỷ lệ SV bị xử lý học vụ sau năm đầu tiên ở trường không cao nhưng đa số các trường hợp có ý định năm sau thi lại. Các trường hợp này đều có nguyên nhân chung là lựa chọn nguyện vọng chưa phù hợp. Trường có nhiều giải pháp cho từng trường hợp được phát hiện, trong đó đội ngũ cố vấn học tập có vai trò quan trọng.
“Nếu trước đây cố vấn học tập là nơi SV tìm đến để được giải thông tin và hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, thì nay cố vấn học tập cần quan tâm ngược lại tới người học, theo sát để kịp thời hỗ trợ các em. Thực tế có những SV trúng tuyển nhưng chưa có nhiều thông tin về ngành học. Ở năm đầu tiên tiếp cận với các môn chung, SV cảm thấy bối rối. Những trường hợp này cần thiết có sự tham gia hỗ trợ của cố vấn học tập giúp người học hiểu rõ lộ trình đào tạo”, thạc sĩ Quốc chia sẻ.
Về phía trường ĐH, thạc sĩ Quốc cho rằng việc rà soát, điều chỉnh chương trình đào tạo để khớp với chuẩn đầu vào, tạo sự mới mẻ và động lực học tập cho người học rất cần thiết. “Chỉ trong trường hợp không thể khác, nhà trường mới đưa ra giải pháp để người học cân nhắc: chuyển ngành sau năm thứ nhất, học song ngành nếu năng lực học tập tốt, chuyển sang hệ vừa làm vừa học. Bởi thực tế, quyết định dừng học ĐH để bắt đầu xét tuyển lại năm sau không phải là việc đơn giản”, thạc sĩ Quốc nhìn nhận.
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Phó trưởng phòng Đào tạo, quản lý khoa học và hợp tác quốc tế Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, cho biết: “Tình trạng “di dân” của SV từ trường này sang trường khác đang xảy ra ở tất cả trường ĐH. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố bản thân người học khi đăng ký nguyện vọng chưa thực sự hiểu rõ sở trường và mong muốn bản thân”.
Các trường cảnh báo học vụ với sinh viên
ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
Thạc sĩ Tùng cho biết tỷ lệ SV dừng học sớm ở trường trước đây có thời điểm hàng trăm SV, nhưng trong 3 năm trở lại đây tỷ lệ này giảm mạnh, chỉ còn vài chục trường hợp mỗi năm. “Kết quả này đạt được nhờ vào giải pháp chăm sóc người học, xem các em là khách hàng của nhà trường và tạo cho người học môi trường tốt nhất yên tâm học tập. Bởi thực sự, bên cạnh trường hợp chọn lựa sai mục tiêu, chọn trong khi chưa hiểu hết nơi đang học thì có những trường hợp muốn bỏ học do tác động của môi trường học tập. Quan trọng hơn cả, công tác hướng nghiệp cho SV cần được thực hiện ngay khi vào sinh hoạt đầu khóa để giúp người học thêm hiểu biết và vững vàng hơn với lựa chọn của mình”, ông Tùng nhấn mạnh.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng nhìn nhận hằng năm tại các trường ĐH có một số SV năm nhất chủ động xin chuyển ngành, dừng việc học để xét tuyển lại do không phù hợp với ngành.
Thạc sĩ Dung cho rằng để giảm tỷ lệ SV muốn xin chuyển ngành, bỏ học cần có sự nỗ lực từ cả SV cũng như các trường ĐH. Về phía SV, thạc sĩ Dung nói: “Các em cần phải xác định đúng đam mê, sở trường của mình, tìm hiểu kỹ càng ngành nghề, trường học, điều kiện gia đình và đưa ra sự lựa chọn phù hợp với bản thân. Khi bước vào ĐH, môi trường có nhiều thay đổi so với những năm tháng học phổ thông, các em cần thời gian để thích nghi và làm quen với môi trường mới. Nếu trường hợp thực sự muốn chuyển ngành thì cần có suy nghĩ thật cẩn trọng, đánh giá và nhận định rõ những được – mất, trao đổi kỹ với gia đình để đưa ra quyết định”.
Nguồn: thanhnien.vn