Monday, November 25, 2024

Đề xuất những việc không được làm với nhà giáo

Cho rằng hiện chỉ có quy định những việc nhà giáo không được làm mà thiếu những việc tổ chức, cá nhân không được làm với nhà giáo, dự thảo luật Nhà giáo sẽ bổ sung những quy định nhằm bảo vệ nhà giáo.

Vì sao không công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận?

Bộ GD-ĐT cho biết, dự thảo luật Nhà giáo quy định về quyền, nghĩa vụ của nhà giáo, những việc không được làm theo hướng tăng tính bảo vệ đối với nhà giáo.

Đề xuất những việc không được làm với nhà giáo

Bộ GD-ĐT dự kiến quy định không công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền

ẢNH: CẮT CLIP

Ngoài quy định rõ hơn những việc nhà giáo không được làm, dự thảo luật Nhà giáo quy định những việc tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo, bao gồm: không thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách của nhà giáo theo quy định; không công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo; các việc khác không được làm theo quy định của pháp luật.

Có ý kiến băn khoăn về quy định không được “công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo” vì cho rằng, quy định này sẽ vướng các quy định về thông tin, phát ngôn và “bênh vực” nhà giáo.

Tuy nhiên, quy định này là cần thiết để bảo vệ nhà giáo, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội, các phương tiện thông tin truyền thông trực tuyến phát triển mạnh như hiện nay. Nhà giáo nếu có sai phạm đã có các chế tài xử lý theo quy định.

Đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo có tính chất đặc biệt, nếu không có phương án bảo vệ nhà giáo thì đối tượng chịu ảnh hưởng không chỉ là nhà giáo mà còn là người học.

Bộ GD-ĐT cũng cho rằng quy định hiện hành chỉ tập trung vào việc cấm nhà giáo thực hiện các hành vi trong hoạt động nghề nghiệp mà chưa có quy định cụ thể, chi tiết đối với việc các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong và ngoài nhà trường không được làm đối với nhà giáo. Thiếu các quy định để bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp, thiếu các chính sách để xây dựng một môi trường làm việc an toàn để nhà giáo an tâm công tác, cống hiến và hoạt động nghề nghiệp hiệu quả.

Do đó, đã xảy ra tình trạng nhà giáo bị cản trở hoạt động giảng dạy, giáo dục, bị xúc phạm về danh dự, thậm chí bị xâm hại về thân thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý cũng như hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo và ảnh hưởng tới tôn nghiêm của nghề nghiệp. Thực trạng trên dẫn đến tình trạng nhiều giáo viên né tránh, ngại xử lý vi phạm của học sinh, hạn chế trao đổi thông tin với gia đình học sinh…

Nhà giáo cũng cần chịu sự giám sát của xã hội?

Dự thảo quy định này cũng đang nhận được những ý kiến trái chiều. Chia sẻ với PV Thanh Niên, tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt, giảng viên chính bộ môn Chính sách công, Phó viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), dẫn lại câu chuyện một trường cao đẳng mới đây vội vàng chấm dứt hợp đồng với giảng viên vì phê bình sinh viên “thiếu tế nhị”. Dù sau đó quyết định này đã được rút lại nhưng theo tiến sĩ Việt, nó cho thấy vị thế của nhà giáo đang bị “lung lay” khi các trường học xử lý sự việc mang tính xoa dịu khách hàng (người học) và dư luận xã hội trong khi chưa tìm hiểu kỹ sự việc, bảo vệ nhà giáo như lẽ ra phải thế.

“Tôi quan tâm đến việc nhà giáo được tự chủ nhất định ra sao trong lớp học, trường học của mình về hoạt động chuyên môn. Cách xử lý như vậy dù sau này đã sửa sai, nhưng cũng cho thấy tính độc lập, tự chủ của nhà giáo chưa được coi trọng”, tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt nói.

Trong khi đó, nhiều ý kiến lại cho rằng nhà giáo càng cần phải chịu sự giám sát của xã hội vì đặc thù nghề nghiệp của mình. Theo nhà nghiên cứu, dịch giả Nguyễn Quốc Vương, công luận bao gồm báo chí, người dân, công dân có quyền giám sát, phê bình và thực hiện các phương pháp khác được pháp luật coi là hợp pháp khi phát hiện sai phạm của giáo viên.

Theo ông Vương, nếu đặt ra một quy định như trên sẽ tạo cho người dân có cảm giác giáo viên là tầng lớp được miễn trừ và các cơ sở giáo dục có cớ để che giấu thông tin, có hại cho sự phát triển của giáo dục và xâm phạm quyền lợi của học sinh, người dân.

Một số ý kiến cũng cho rằng, nhiều vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo nếu dư luận không lên tiếng và giám sát thì sẽ bị “chìm xuồng”, không xử lý đủ nghiêm. Do vậy, cần có quy định để xử lý nghiêm những hành vi vu khống, bịa đặt, xúc phạm nhà giáo nhưng vẫn cần công khai theo các hành vi vi phạm và hình thức xử lý để xã hội cùng giám sát.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img