Monday, November 25, 2024

Nhóm Liêm chính khoa học trở lại trên Facebook cũng bất ngờ như khi biến mất

Trả lời phỏng vấn trang tin Retraction Watch của Mỹ, người sáng lập trang nhóm Liêm chính khoa học cho biết nhóm này xuất hiện lại trên Facebook cũng theo cách bất ngờ như khi biến mất. Tập đoàn Meta vẫn chưa giải thích về việc này.

Mới đây, trang tin Retraction Watch, một blog thuộc Trung tâm Liêm chính khoa học (Center for Scientific Integrity) ở Mỹ chuyên báo cáo về việc rút lại các bài báo khoa học và các chủ đề liên quan, đã phỏng vấn TS Dương Tú, người sáng lập trang nhóm Liêm chính khoa học trên mạng xã hội Facebook, về việc nhóm bị tạm xóa khỏi Facebook. Trả lời Retraction Watch, TS Dương Tú cho biế, cho đến nay các thành viên ban quản trị Liêm chính khoa học không hề biết vì sao nhóm bị xóa khỏi Facebook ngày 23.10 cũng như tại sao nhóm được xuất hiện trở lại vào chiều 27.10 (giờ Việt Nam).
Nhóm Liêm chính khoa học trở lại trên Facebook cũng bất ngờ như khi biến mất

Bài phỏng vấn TS Dương Tú trên trang tin trang tin Retraction Watch

ẢNH: QUÝ HIÊN

Theo TS Dương Tú, ngày 23.10, nhóm Liêm chính khoa học bất ngờ biến mất trên Facebook mà ban quản trị không nhận được bất kỳ cảnh báo nào từ Facebook. Theo phỏng đoán của TS Dương Tú thì Facebook đã ẩn hoặc xóa diễn đàn Liêm chính khoa học do nhóm bị tấn công quy mô lớn. Hành động đột ngột này của Facebook cực kỳ khó hiểu, do nhóm Liêm chính khoa học đã hoạt động hơn 4 năm với rất ít cảnh báo vi phạm.

TS Dương Tú nói: “Ban quản trị nhóm đã liên lạc với đại diện Facebook để tìm hiểu sự việc và tìm kiếm khả năng khôi phục nhóm, do diễn đàn Liêm chính khoa học đóng vai trò quan trọng trong cộng đồng khoa học Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi nào. Một số tờ báo hàng đầu Việt Nam cũng đã đưa tin về sự biến mất của nhóm.

May mắn thay, vào sáng ngày 27.10, diễn đàn Liêm chính khoa học đã được khôi phục mà không kèm theo bất kỳ thông báo nào từ Facebook. Chúng tôi sẽ tiếp tục liên hệ với họ để tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra và làm thế nào để tránh lặp lại sự cố đáng tiếc này”.

“Chúng tôi cam kết duy trì sự độc lập của diễn đàn Liêm chính khoa học cũng như tránh hành chính hóa và triệt tiêu sức sống của nhóm”, TS Dương Tú chia sẻ.

Báo Thanh Niên cũng đã liên lạc với Tập đoàn Meta để hỏi về sự biến mất rồi xuất hiện trở lại đầy bí ẩn của nhóm Liêm chính khoa học trên Facebook nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm.

Lịch sử ra đời nhóm Liêm chính khoa học liên quan tới Báo Thanh Niên

Trả lời Retraction Watch, TS Dương Tú cho biết, nhóm Liêm chính khoa học được thành lập vào ngày 1.9.2020 sau loạt bài điều tra của Báo Thanh Niên. Loạt bài này đã vạch trần hành vi gian lận tại một số trường ĐH ở Việt Nam, nơi các tác giả nước ngoài được trả một khoản tiền lớn để khai man địa chỉ các trường này trong công bố của họ.

Chiêu trò này vốn đã xuất hiện hơn một thập niên trước, đã giúp những trường ĐH đó có được thành tích ảo về năng suất nghiên cứu và xếp hạng, khiến hai đơn vị này vượt qua các trường ĐH danh tiếng nhất của Việt Nam.

Nhóm Liêm chính khoa học trở lại trên Facebook cũng bất ngờ như khi biến mất

Nhóm Liêm chính khoa học xuất hiện trở lại trên Facebook theo cách bí ẩn như khi nó biến mất (ảnh chụp màn hình ngày 1.11)

ẢNH: QUÝ HIÊN

TS Dương Tú nói: “Kết quả điều tra của Báo Thanh Niên đã gây ra cuộc tranh luận sôi nổi giữa các nhà khoa học, lãnh đạo trường ĐH và trong công chúng. Tuy nhiên, Báo Thanh Niên đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội vì bị cáo buộc làm mất uy tín hai trường mà nhiều người xem là niềm tự hào dân tộc do thành tích xếp hạng cao của họ. Là một nhà nghiên cứu gắn bó với cộng đồng khoa học Việt Nam, tôi cảm thấy cần truy tìm sự thật, vì không bên nào trong cuộc tranh luận đưa ra được những lập luận có căn cứ rõ ràng”.

Kết quả của công cuộc “truy tìm sự thật” là TS Dương Tú phát hiện những bằng chứng cho thấy sự vi phạm liêm chính trong môi trường khoa học ở Việt Nam còn trầm trọng hơn những gì mà Báo Thanh Niên chỉ ra. Ông đã viết bài gửi Báo Thanh Niên, trong đó trình bày dữ liệu cho thấy mức độ nghiêm trọng của hành vi gian lận địa chỉ, gọi những đầu nậu gom bài là “giặc ngoại xâm khoa học”, nhấn mạnh vai trò của họ trong việc làm tha hóa nền khoa học Việt Nam.

Nhận ra sự cần thiết của hành động tập thể, TS Dương Tú đã kêu gọi hỗ trợ từ cộng đồng khoa học Việt Nam để cùng điều tra và bóc tách mạng lưới mafia khoa học. Nhóm Liêm chính khoa học ra đời vào ngày bài viết của TS Dương Tú được Báo Thanh Niên đăng tải. Nhóm do một số tình nguyện viên, trong đó có TS Dương Tú quản lý.

Nhóm hoạt động mà không có bất kỳ nguồn tài trợ nào. “Chi phí lớn nhất đối với chúng tôi không phải về mặt tài chính mà là thời gian, công sức và cơ hội mà chúng tôi đã bỏ ra để duy trì hoạt động của nhóm. Hơn 4 năm qua, chúng tôi đã đầu tư nhiều nguồn lực để giữ cho nhóm vận hành. Mặc dù công sức này có thể dùng vào việc tư vấn để kiếm tiền, chúng tôi hài lòng với mục tiêu của mình và những thay đổi tích cực mà chúng tôi đã góp phần tạo ra”, TS Dương Tú nói.

TS Dương Tú là nhà nghiên cứu tại Khoa Dược, ĐH Purdue, Mỹ. Công việc hàng ngày của ông là tập trung phát triển các dạng bào chế tiên tiến nhằm tăng cường độ ổn định, sinh khả dụng và khả năng sản xuất của các chế phẩm thuốc.

“Là một nhà khoa học, tôi thường xuyên đối mặt với các vấn đề liên quan đến liêm chính và đạo đức nghiên cứu, công bố khoa học và đánh giá nghiên cứu – những chủ đề được thảo luận liên tục trong nhóm Liêm chính khoa học. Để luôn cập nhật thông tin, tôi thường xuyên đọc tài liệu, nghiên cứu các vấn đề về liêm chính khoa học, rồi chia sẻ những gì tôi biết với cộng đồng. Đổi lại, tôi học hỏi được rất nhiều điều từ các thành viên khác. Hoạt động trao đổi hai chiều này đã làm phong phú thêm hiểu biết của tôi. Tôi cảm thấy mình đã thu nhận được rất nhiều kiến thức về liêm chính khoa học trong hơn 4 năm qua”, TS Dương Tú chia sẻ.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img