Theo Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản, chỉ có 15% trong toàn bộ các cơ sở trọng yếu tại nước này, bao gồm trụ sở chính quyền các địa phương, đồn cảnh sát, trạm cứu hỏa, trung tâm sơ tán, bệnh viện…, có hệ thống đường ống dẫn nước dẫn tới các cơ sở này đủ khả năng chống chịu được động đất lớn.
Để xây dựng các giải pháp hiệu quả và giảm thiểu tối đa những thiệt hại đối với hệ thống đường ống nước do động đất có thể gây ra, đặc biệt là sau thảm họa Động đất trên Bán đảo Noto, tỉnh Ishikawa, xảy ra vào hồi đầu năm nay, dẫn đến tình trạng mất nước kéo dài và trên diện rộng, Bộ Đất đai – Hạ tầng – Giao thông và Du lịch Nhật Bản đã tiến hành một cuộc khảo sát về khả năng chống chịu động đất tại các cơ sở hạ tầng trọng yếu.
Kết quả cho thấy, chỉ có 15% các cơ sở này, bao gồm trụ sở chính quyền các địa phương, đồn cảnh sát, trạm cứu hỏa, trung tâm sơ tán, bệnh viện…, có hệ thống đường ống dẫn nước đủ khả năng chống chịu được những trận động đất lớn.
Theo kết quả cuộc khảo sát này, trong số khoảng 25.000 cơ sở trọng yếu trên toàn quốc nằm trong khu vực có hệ thống cấp nước và xử lý nước thải, chỉ có 15%, tức hơn 3.600 cơ sở, có cả hệ thống đường ống nước và đường ống nước thải có khả năng chống chịu được động đất. Tỷ lệ chống chịu động đất của hệ thống đường ống nước kết nối với các công trình quan trọng, như trung tâm sơ tán là 39% đối với nguồn cung cấp nước, 51% đối với hệ thống cống nước thải và 44% đối với các trạm bơm.
Đối với những khu vực hệ thống đường ống dẫn nước không kết nối trực tiếp với các cơ sở trọng yếu, tỷ lệ chống chịu động đất của hệ thống này thay đổi từ 34 – 72%, tùy từng cơ sở nhất định, trong đó 46% cơ sở lấy nước từ sông, 43% cơ sở từ lọc nước, 67% cơ sở lấy nước từ các hồ phân phối.
Theo cấp độ địa phương, hệ thống đường ống dẫn nước kết nối trực tiếp với các cơ sở trọng yếu tại Tokyo có tỷ lệ chống chịu động đất ở mức cao nhất là 52%, Tokushima 30%, Aomori và Saga 27%, Kumamoto 26%, Yamanashi 25%… Địa phương có tỷ lệ cơ sở trọng yếu chống chịu động đất thấp nhất là tỉnh Kagawa với mức 0%, tỉnh Okama 0,5%, tỉnh Yamaguchi và Ibaraki 1%, các tỉnh Mie, Hiroshima, Wakayama và Oita ở mức 2%, tỉnh Akita 4%…
Trong cuộc khảo sát này, sáu đô thị ở bán đảo Noto, bao gồm thành phố Nanao, thành phố Wajima, thành phố Suzu, thị trấn Shiga, thị trấn Anamizu và thị trấn Noto, không được đưa vào cuộc khảo sát.
Phát biểu trong một cuộc họp báo sau cuộc họp Nội các ngày 1/11, Bộ trưởng Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch – ông Saito Tetsuo, nhấn mạnh rằng, kết quả của cuộc khảo sát một lần nữa cho thấy khả năng chống chịu động đất của các cơ sở cấp nước và xử lý nước thải tại Nhật Bản là “cực kỳ chậm trễ”, khẳng định sẽ “nâng cao một cách có hệ thống và mạnh mẽ về khả năng chống chịu động đất của hệ thống nước và nước thải, đồng thời hướng tới xây dựng một hệ thống nước và nước thải có khả năng phục hồi và bền vững”.
Liên quan thảm họa Động đất trên Bán đảo Noto xảy ra ngày 1/1 năm nay, một ủy ban đánh giá về mức độ thiệt hại của tỉnh Ishikawa cho biết, trận động đất này đã khiến 445 người thiệt mạng (bao gồm những người thiệt mạng trực tiếp hoặc gián tiếp), khoảng 91.000 ngôi nhà bị hư hại, trong đó hơn 25.000 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn hoặc một phần. Trận động đất cũng gây hư hại hệ thống đường ống dẫn nước, dẫn đến mất nước cho tới 140.000 ngôi nhà và nhiều trung tâm sơ tán.
Nguồn: vov.vn