Trước đề xuất ‘Bớt ngày nghỉ hè, tăng ngày nghỉ tết cho học sinh được không?’, nhiều bạn đọc Thanh Niên Onlineđồng ý. Một giáo viên chia sẻ ‘bài báo viết đúng tâm nguyện của tôi’.
Tăng ngày nghỉ tết: Hợp lý!
Bạn đọc Hoàng Điệp viết: “Tôi nghĩ nên rút ngắn nghỉ hè và tăng thời gian nghỉ tết, thậm chí có thêm đợt nghỉ đông. Thời trước do điều kiện cơ sở vật chất chưa có, thời tiết nóng vào mùa hè nên mới cho học sinh nghỉ hè 3 tháng nắng nóng nhất, nhưng nay hầu hết các trường đều được trang bị quạt, điều hòa nên việc nghỉ hè vào các tháng nắng nóng nhất là không cần thiết nữa. Mùa đông trời lạnh rét, học sinh đi học sẽ gặp nhiều vấn đề về sức khỏe hơn nên tôi nghĩ nên có đợt nghỉ đông và tăng nghỉ tết cho các cháu được trải nghiệm các hoạt động văn hóa quê hương hơn khi về quê”.
Phụ huynh có tài khoản cungmayva79 nêu quan điểm: “Theo ý kiến riêng của mình, mình ủng hộ việc này, nên tăng số ngày nghỉ tết, cho học sinh nghỉ từ 23 tháng chạp đến mùng 8-9 là hợp lý, nên để kéo dài khoảng từ 2 đến 2,5 tuần, và cũng nên kéo dài kỳ nghỉ tết dương lịch, nghỉ từ Noel, 24.12 đến hết 2.1, xem như là kỳ nghỉ đông. Còn học sinh toàn bộ lớp 1 đến 12 nên cùng nhau nghỉ hè từ 1.7 vì lúc đó lớp 9 và 12 cũng thi xong chuyển cấp, nếu để các khối còn lại nghỉ sớm hơn lớp 9, 12 sẽ có thể dẫn đến ghen tỵ khi mình phải ôn thi còn người khác được nghỉ. Tất cả đều nghỉ hè từ 1.7 sẽ hợp lý hơn, 3.9 bắt đầu đi học là vừa. Nhân tiện cũng đề xuất cho tất cả học sinh được nghỉ thứ bảy”.
Phụ huynh SG nêu thực tế: “Hầu hết các trường ở TP.HCM thi học kỳ 2, kết thúc trước 30.4. Sau đó bắt các em vào học gần cả tháng trong tháng 5. Mà thi rồi, bắt vào học thì có tinh thần gì học đâu, đa phần ngồi chơi trong cả tháng 5. Nghỉ lễ tết ít, rồi sau đó ngồi chơi cả tháng 5, thật là phi lý và nghịch lý”.
Bạn đọc, cũng là một giáo viên có tên tài khoản Thuận Thuận chia sẻ: “Đọc bài báo thấy viết đúng tâm nguyện của những giáo viên xa quê như tôi. Ước gì có thể chia thành 2 kỳ nghỉ như bài viết nói. Nghỉ đông (nghỉ tết) và nghỉ hè. Vì nghỉ tết ít ngày, vé tàu xe những ngày cận tết lại quá đắt nên nhiều giáo viên xa quê không có điều kiện kinh tế, cả 5 -10 năm không được đón tết ở quê”.
Tài khoản FpXCNWGL7xGWbQBQVraSnA bình luận: “Nghỉ tết cũng là khoảng thời gian nghỉ ngơi cho học sinh, có thời gian cho trẻ bên gia đình, cũng là kích cầu tiêu dùng mua sắm vui chơi giải trí. Chẳng mất thêm thời gian vì đã cắt bớt ngày nghỉ hè chuyển qua, sao phải tính toán để làm gì”.
Một số băn khoăn
Ở phương diện khác, một số bạn đọc cho rằng gốc rễ là giảm tải chương trình học để giảm áp lực cho học sinh, thầy cô. Bạn đọc Minh Đức nói: “Sao không hiến kế giảm tải chương trình cho học trò và áp lực cho thầy cô. Việc nghỉ hè 3 tháng thì bao năm qua vẫn thế, nghỉ hè khi đã hết năm học và qua năm học mới cũng là nhịp sinh học rất khoa học. Cha mẹ muốn đưa con về quê nghỉ tết cũng theo lịch của cơ quan chứ đâu theo lịch của nhà trường”.
Cùng quan điểm này, tài khoản sQkvUVCY7xGWbQBQVraSnA cho rằng nên giảm bớt môn học, giảm tiết môn học không thực tế, các môn năng khiếu thì tùy mỗi bé mà tự đi học bên ngoài, chất lượng. Hãy tập trung dạy thực hành, ứng dụng ngay. 1 ngày 4-5 môn học bài, làm bài tập mà không có thời gian nghiên cứu thêm bên ngoài thì kết quả ra “toàn là gà công nghiệp”.
Tài khoản Chongtham CAD băn khoăn: “Nghỉ tết dài mà bố mẹ không được nghỉ theo cùng thì không có ý nghĩa gì cả. Ai sẽ ở nhà trông các cháu ạ?”.
Còn bạn đọc oQ9UA52E7xGWbQBQVraSnA góp ý: “Tôi và đa số vẫn thấy, nên cứ tăng ngày tết, còn hè cứ vậy cũng được. Vì có cần thiết phải tăng ngày học chính khóa nữa không, hay tinh gọn và chất lượng hơn? Còn nếu chưa tính được thì lấy bên thời gian nghỉ hè cỡ (1-NV) tháng cũng được, cho học sinh và toàn ngành giáo dục nghỉ tết hơn chút so với chung thì cũng rất tốt và linh hoạt”.
Nguồn: thanhnien.vn