Bên cạnh miệt mài học tập trên giảng đường Đại học (ĐH) Duy Tân với ngành Thiết kế Đồ họa, Rơ Lan Lê Trọng (Nghệ danh Lee Trọng) – chàng sinh viên là “dân vẽ vời” chính hiệu còn có một đam mê rất khác là sáng tác nhạc.
Mạnh dạn “bắt tay” với các nghệ sĩ Đà Nẵng ra mắt dự án âm nhạc về bão Yagi
Chàng trai Rơ Lan Lê Trọng, gốc là người dân tộc Gia Rai, sinh ra và lớn lên tại vùng đất cao nguyên đầy nắng và gió ở Chư Prông (Gia Lai). Tuy là “lính mới” trong hoạt động nghệ thuật tại Đà Nẵng nhưng Lê Trọng đã để lại một số dấu ấn, khẳng định tài viết nhạc cùng khả năng biểu diễn đầy tự tin của bản thân.
Niềm đam mê âm nhạc của Rơ Lan Lê Trọng đã được “khơi nguồn” ngay từ những năm tháng em còn là học sinh trung học. Em luôn tự mày mò học hỏi và chắp bút để viết nên những giai điệu đầu tiên. Đến khi trúng tuyển vào ĐH Duy Tân và chuyển đến học tập tại thành phố Đà Nẵng, Lê Trọng bắt đầu có nhiều kết nối cùng các thầy cô và bạn bè để tham gia sinh hoạt với các nghệ sĩ trẻ ở đây. Sau thời gian sáng tác và ấp ủ những tác phẩm âm nhạc mới, Lê Trọng đã phối hợp với các đơn vị đồng hành cùng tập thể nghệ sĩ Đà Nẵng để ra mắt MV phi lợi nhuận Việt Nam chung tay nhé.
“Em được biết cơn bão dữ Yagi kéo đến đã để lại nhiều mất mát, thiệt hại to lớn về người và của cho người dân các tỉnh phía Bắc. Cảm xúc xót xa dâng trào và đồng cảm sâu sắc với người dân và các chiến sĩ oằn mình chống chọi với cơn bão nên em đã nhanh chóng chắp bút viết bài hát Việt Nam chung tay nhé chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ.“, chàng nhạc sĩ trẻ Lê Trọng cho hay.
Việt Nam chung tay nhé là một sáng tác của Lê Trọng và Tôn Thất Vũ, được hòa âm phối khí bởi Phan Nhật Linh với sự đóng góp giọng ca của 15 nghệ sĩ đang hoạt động tại Đà Nẵng.
“Em tin rằng MV Việt Nam chung tay nhé chứa đựng nhiều tâm tư, tình cảm của các nghệ sĩ Đà Nẵng cùng lời kêu gọi đoàn kết, khẳng định sức mạnh và tinh thần kiên cường, lòng nhân ái của người Việt Nam. Thông qua bài hát này, em muốn gửi lời tri ân sâu sắc đến những những chiến sĩ đã dũng cảm xung trận để giúp đỡ người dân, đồng thời chân thành cảm ơn những đóng góp về vật chất và tinh thần của người dân Việt Nam trong công cuộc khắc phục hậu quả cơn bão số 3“, Lê Trọng khẳng định.
Luôn tự nhận mình là “tay ngang” trong hoạt động nghệ thuật, Lê Trọng vô cùng khiêm tốn và chăm chỉ học hỏi các “đàn anh” đi trước để nâng cao vốn kiến thức cũng như hiểu biết của bản thân trong lĩnh vực này. Bằng những cảm xúc và trải nghiệm cá nhân trong cuộc sống, cậu sinh viên tài năng luôn đặt hết sức tâm huyết và sự chỉnh chu trong từng sản phẩm âm nhạc để có thêm kinh nghiệm, bài học cho hành trình phía trước.
Tuy mới chính thức gia nhập con đường âm nhạc chưa lâu nhưng Lê Trọng đã chăm chỉ phát hành nhiều ca khúc như: Giá như anh được nghe em nói, Tháng 10 có em,… trên các nền tảng YouTube, Spotify, Zing Mp3, Apple Music,… và đã nhận được quan tâm ủng hộ từ đông đảo khán giả nghe nhạc.
Lê Trọng cho biết: “Đối với em, âm nhạc không chỉ là tình yêu mà còn như ‘vitamin’ cho tâm hồn. Khi đắm mình trong những giai điệu, em có cảm giác như được ‘chữa lành’, những khó khăn trong cuộc sống dường như dễ dàng vượt qua hơn. Em luôn muốn chia sẻ nhiều hơn nữa những suy nghĩ của mình thông qua âm nhạc và lan tỏa những cảm xúc tích cực đến với tất cả mọi người“.
Ấp ủ ước mơ trở thành một nhà thiết kế “đa-zi-năng” cho các dự án nghệ thuật
Theo học chuyên ngành Thiết kế Đồ họa tại Trường Công nghệ & Kỹ thuật (SET), ĐH Duy Tân, Lê Trọng luôn nỗ lực học tập và ấp ủ ước mơ trở thành một nhà thiết kế “đa-zi-năng” cho các dự án nghệ thuật khi cùng lúc có thể đảm nhiệm các công việc: sáng tác ca khúc, hòa âm, và thiết kế hình ảnh cho những dự án liên quan về nghệ thuật và âm nhạc.
Cậu bạn cho biết: “Nhiều người cho rằng em hơi tham lam khi ‘ôm đồm’ cùng lúc nhiều việc hay đảm nhiệm nhiều vai trò nhưng em nghĩ rằng tuổi trẻ là thời điểm tuyệt vời nhất mà mình có đủ can đảm để dám làm những gì mình mong ước. Em sẽ bắt đầu với những gì mình đang có, học hỏi thật nhiều từ thầy cô và các anh chị đi trước, kiên trì theo đuổi mơ ước của mình, rồi thì… mọi chuyện sẽ ổn thôi” (cười).
Niềm đam mê và ước mơ của Lê Trọng quả thực khá “hợp thời đại” bởi lẽ ngành Thiết kế Đồ họa mà em và nhiều bạn trẻ đang theo học tại ĐH Duy Tân đang ngày càng cần thiết và phổ biến trong nhiều lĩnh vực đời sống hiện đại.
Cảm thấy may mắn khi đã lựa chọn ngành học đúng sở trường và tại ngôi trường yêu thích, Lê Trọng hào hứng chia sẻ: “Tại ĐH Duy Tân, chúng em không chỉ được đào tạo toàn diện về kiến thức chuyên ngành và kỹ năng nghề nghiệp mà còn được tạo mọi điều kiện tốt nhất để phát triển các năng khiếu nghệ thuật thông qua các cuộc thi, sự kiện. Nhờ sự hướng dẫn tận tâm của các thầy cô của ĐH Duy Tân mà những thiết kế logo và nhận diện thương hiệu cá nhân của em đã có vinh dự được tham dự Triển lãm ‘Hướng đến Tương lai 2024’ do Hiệp hội Thiết kế TP.HCM (VDAS) tổ chức cùng rất nhiều các hoạt động khác để bước đầu giúp em định hình phong cách bản thân cũng như tự tin bước vào thế giới của một ‘designer’ chuyên nghiệp”.
Trong các ca sĩ góp giọng cho ca khúc Việt Nam chung tay nhé có Phạm Xuân Ly, cũng là một cán bộ đang công tác tại ĐH Duy Tân. Xuân Ly đã từng đạt được nhiều các giải thưởng âm nhạc nổi bật như:
- Huy chương Bạc Tình khúc vượt thời gian 2017
- Huy chương Bạc Tiếng hát mãi xanh Đà Nẵng
- Giải Ấn tượng Cuộc thi “Be your dream” 2017 Huấn luyện viên cho thí sinh đạt giải nhất Tuổi 20 hát DTU 2017
Các ca khúc của Xuân Ly được nhiều khán giả yêu thích và đón nghe rất nhiều trên các nền tảng gồm:
- Việt Nam trong tôi là
- Đối với anh em vẫn là cô bé
- Bình minh của đời con
Nguồn: thanhnien.vn