Thời gian gần đây, trào lưu singer-songwriter (tự hát – tự sáng tác) ngày càng phổ biến trong làng nhạc Việt, hứa hẹn mang đến những sản phẩm đậm tính nghệ sĩ và cũng từ đó, những vụ tranh chấp bản quyền sẽ được giảm bớt.
Nếu như trước đây ca sĩ thường phải đặt hàng nhạc sĩ sáng tác ca khúc hoặc sản xuất cho mình album riêng, thì ngày nay mô hình “trọn gói” ngày càng phổ biến và quen thuộc hơn. Đây cũng là hình thức phổ biến trong làng nhạc thế giới khi các nghệ sĩ cùng cộng tác với nhạc sĩ, nhà sản xuất để cho ra mắt những sản phẩm bộc lộ được nội dung và thông điệp riêng. Ở VN, đang xuất hiện một thế hệ nghệ sĩ trẻ đa năng, tự hát, tự viết, tự hòa âm phối khí hoặc thậm chí là tự lên ý tưởng cho MV, phần trình diễn của mình.
Mới đây, ở vòng đầu tiên của chương trình Chị đẹp đạp gió 2024, khán giả vô cùng bất ngờ khi phần credit của bài hát chào sân How to love you? cho thấy TUIMI tự đảm nhận từ A đến Z. Được biết á quân King of Rap đã thực hiện gần như mọi khâu trong ca khúc này, từ sáng tác, trình bày, hòa âm, phối khí cho đến hậu kỳ, thu âm tại chính studio của mình. Trước đó ở Anh trai vượt ngàn chông gai, Rhymastic trong ca khúc Lặng cũng là một trường hợp như thế. Đứng trước hai “quái kiệt” này, các chị đẹp và anh trai khác nhanh chóng nhắm họ vào đội, dù trước đó đã có những lựa chọn riêng. Điều này cũng được nhìn thấy ở Anh trai say hi vừa mới kết thúc, khi các nam nghệ sĩ chỉ được nhận một bản demo chưa hoàn thiện, từ đó phải tự phát huy khả năng sáng tạo để khiến sản phẩm thêm phong phú hơn…
Ngoài các chương trình truyền hình thực tế thì các album theo mô típ singer-songwriter cũng đang xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Gần đây, khán giả liên tục được lắng nghe những đĩa nhạc đặc biệt theo hình thức này như Khu vườn tình (Tăng Duy Tân), Chuyển cảnh (Pink Frog), May you smile (Lê Cát Trọng Lý), Bảo tàng của nuối tiếc (Vũ.), Buộc vào cơn gió (Vy Vy)… Trong đó điểm ấn tượng nhất của các album này là do tự sáng tác nên chủ đề đĩa nhạc rất rõ ràng và cho thấy được cá tính của người nghệ sĩ. Chẳng hạn trong dự án mới, một Lê Cát Trọng Lý an yên, bình dị với những thông điệp tích cực đã hiện ra, trong khi Vy Vy – người đứng sau các bản hit “giấu mặt” – phần nào khẳng định được tài năng và con người mình…
Xu hướng này cũng xuất hiện trong những album của các ban nhạc, có thể kể đến Di sản (Ngũ Cung), M∞N (Da Lab), Vũ trụ nhỏ (Raditori), Giấc mơ của loài người – 2nd Album (Dấu Vân Tay), Những Đứa Trẻ với album cùng tên… ra mắt gần đây. Hoạt động theo nhóm cũng có nghĩa là các nghệ sĩ có khả năng cùng nhau sáng tạo, từ đó cho ra những sản phẩm thu hút, khác biệt. Đơn cử ở chương trình Our Song Vietnam – Bài hát của chúng ta, các ca khúc được chọn tuy là vàng son một thuở nhưng bằng cách thêm lời hát mới hay thay đổi giai điệu mà trở nên khác biệt. Mới đây, dự án Space Jam Volume 02 của hơn 40 nghệ sĩ từ Anh trai vượt ngàn chông gai, nhóm SpaceSpeakers và các khách mời khác với những sáng tạo trong vòng 48 giờ tại Đà Lạt cũng mang đến những phút giây ngẫu hứng đáng nhớ.
Giảm đi những tranh cãi
Từ những điều trên có thể thấy rằng mô hình singer-songwriter ngày càng phổ biến và hứa hẹn sẽ còn phát triển hơn nữa trong thời gian tới. Tuy vậy không thể phủ nhận xu hướng truyền thống là nghệ sĩ cộng tác với các nhà sản xuất hoặc nhạc sĩ quen thuộc cũng có những thế mạnh riêng. Như Văn Mai Hương chia sẻ gần đây trong một chương trình thì mô hình cũ vừa có điểm yếu cũng vừa có điểm mạnh. Với singer-songwriter người nghệ sĩ sẽ có cảm xúc nhiều hơn nhưng cũng đôi khi sẽ bị “một màu”, trong khi mô hình truyền thống sẽ có đến 2 “cái đầu” vừa là của mình vừa là mượn để suy nghĩ, do đó việc được làm việc cùng nhiều nhà sản xuất và nhiều nhạc sĩ cũng có những thú vị riêng.
Nhưng dễ thấy rằng, để duy trì được mối quan hệ cũng tốn rất nhiều công sức, hơn nữa cần phải có được sự phù hợp. Văn Mai Hương cho biết từng có thời gian Hứa Kim Tuyền khuyên cô nên tìm người đồng hành khác để âm nhạc được phong phú hơn, nhưng cuối cùng lại không có ai khiến tâm hồn nữ ca sĩ thấy đồng điệu, dẫn đến cặp nghệ sĩ này vẫn tiếp tục đồng hành. Với những nghệ sĩ tìm được “một nửa” đã khá khó khăn để duy trì, thì với những nghệ sĩ hoạt động độc lập hoặc mới vào nghề thì còn thách thức hơn, ít nhiều dẫn đến những vụ ồn ào như thời gian vừa qua, liên quan đến tác quyền, xin phép trình diễn… các ca khúc của đồng nghiệp.
Đó là sự vụ ê kíp của Vũ Cát Tường “tố” Lâm Bảo Ngọc hát chưa xin phép nhiều lần các ca khúc If, Có người, Góc ban công ở các tụ điểm ca nhạc. Ngoài 2 lần xin phép trong chương trình Giọng hát Việt và liveshow cá nhân thì phía sở hữu bản quyền cho biết đại diện của nữ ca sĩ Lâm Bảo Ngọc chưa hề có động thái xin phép VCPMC – Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN – để trình diễn các ca khúc nói trên, vốn được Vũ Cát Tường ủy quyền cho cơ quan này thu hộ tác quyền. Vụ việc bị đẩy đi xa bởi những giải thích của cả hai bên, và dù có đúng hay sai thì qua đó có thể thấy việc thiếu tự chủ trong sáng tác cũng dẫn đến nhiều bất tiện và hiểu lầm không đáng có.
Từ những điều trên, có thể thấy rằng xu hướng singer-songwriter có rất nhiều ưu điểm nếu nghệ sĩ biết cách khai thác tận cùng khả năng của mình. Nó không chỉ khẳng định dấu ấn cá nhân, giúp họ tự do thể hiện nghệ sĩ tính mà còn tránh được nhiều ồn ào không hay đến từ việc trình diễn những sản phẩm không do mình đóng góp hoặc góp mặt vào sáng tạo, sản xuất.
Nguồn: thanhnien.vn