Tuesday, November 5, 2024

Người cao tuổi có được hiến tạng?

Hiện chỉ có 10% người hiến tạng từ người cho chết não, đây là con số khá khiêm tốn tại Việt Nam so với các nước.

Ngày 2.11, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) ra mắt Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người. Việc vận động hiến tạng, ghép tạng tại Bệnh viện Thống Nhất kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội cứu sống cho các bệnh nhân đang cần sự giúp đỡ.

Tại buổi lễ, ông Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, cho biết hiện toàn quốc có 29 trung tâm ghép tạng và mỗi năm ghép hơn 1.000 ca. Việt Nam đứng đầu khu vực Đông Nam Á về ghép tạng.

Nhưng theo ông Hệ, chúng ta thường quan tâm đến ghép tạng nhưng rất ít khi quan tâm đến hiến tạng, mặc dù biết đều rằng không có tạng hiến sẽ không có ghép tạng.

Người cao tuổi có được hiến tạng?

Ca ghép thận đầu tiên tại Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM

ẢNH: BỆNH VIỆN CUNG CẤP

Đặc biệt, đến thời điểm này Việt Nam đã có hơn 10% tạng hiến là người chết não, tỷ lệ này trước đây là dưới 5%. Nhưng tỷ lệ hiến tạng từ người từ người chết não ở Việt Nam còn rất thấp. một trong những lý do chủ yếu là ngành y còn rất ít quan tâm đến việc hiến mô tạng của người chết. Tỷ lệ bác sĩ, điều dưỡng hiểu đúng về chết não, hiến mô tạng từ người chết não là rất thấp.

Nghiên cứu từ năm 2013 – 2023 cho thấy tỷ lệ này tại các bệnh viện là dưới 20%, riêng Bệnh viện Việt Đức là trên 80%.

Ông Hệ đặt vấn đề: Người cao tuổi có hiến được tạng không? Người cao tuổi có ghép tạng được không? Theo ông, người cao tuổi nhất trên thế giới hiến tạng là 92 tuổi; người cao tuổi nhất hiến giác mạc là 107 tuổi.

“Riêng năm 2023, hơn 40% những người hiến tạng tại Mỹ là trên 50 tuổi. Tại Tây Ban Nha, hơn 50% người hiến tạng trên 65 tuổi. Như vậy, người cao tuổi vẫn hiến được tạng. Không phải là tuổi cao 50, 80 hay 90 có hiến được không mà là tạng của người đó có phù hợp không mới là điều quan trọng”, ông Hệ nói.

Về ghép tạng, theo ông Hệ, hơn 64% những người được ghép tạng là trên 50 tuổi. Cứ 4 người được ghép tạng thì có 1 người trên 65 tuổi. Như vậy, tuổi cao cũng không phải là vấn đề ghép hay vấn đề hiến tạng.

“Người châu Á có ủng hộ hiến mô tạng người chết hay không? Tại Hàn Quốc từ 50 – 60% tạng hiến từ người chết; tỷ lệ này ở Thái Lan trên 60% và Trung Quốc là 80%”, ông Hệ chia sẻ.

Để tăng việc hiến mô tạng từ người chết, theo ông Hệ, bên cạnh pháp luật, sự hiểu biết của người dân, vấn đề chính vẫn là tại các bệnh viện quan tâm và hiểu vấn đề hiến tạng, ghép tạng từ người chết não. Và ghép tạng từ người cho chết não phải có mạng lướng, hệ thống và nhiều người cùng chung tay. Như vậy thì tỷ lệ hiến mô tạng từ người chết sẽ tăng.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện là Chủ tịch Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người cũng cho rằng, ghép tạng là giải pháp duy nhất, là cứu cánh cho người suy tạng. Nhưng việc hiến tạng ở Việt Nam để cứu những người này không phải là dễ.

“Việt Nam ghép tạng từ năm 1992 nhưng sau đó ghép không được nhiều, đặc biệt là người cho chết não. Nhận thức là quá trình dài, do đó cần thay đổi nhận thức cộng đồng, vận động tạo sự đồng thuận hiến tạng, đồng thời xây dựng thể chế về hiến, ghép tạng là rất quan trọng”, bà Kim Tiến nói.

Điều 5 về quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác của luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, quy định: Người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác.

Khoản 5, điều 11 của luật này cấm lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sống dưới 18 tuổi.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img