Sau khi đồn Kỳ Hòa thất thủ, đô đốc Charner cho mở các cuộc hành quân lấn chiếm ra vùng lân cận, trong đó có Mỹ Tho. Họ tới Mỹ Tho qua ngã kinh Bưu Điện (Arroyo de La Poste) và sông cửa Tiểu.
Ngày 26.3.1861, Charner cử trung tá Bourdais đem tàu chiến, pháo hạm, cùng một số sà lan chở 3 đại đội thủy quân lục chiến và một phân đội lính Tây Ban Nha ngược sông Vàm Cỏ Tây đến Tân An rồi theo kinh Bưu Điện tiến về Mỹ Tho, nhưng bị quân ta chặn đánh quyết liệt. Sau nhiều lần được tăng viện, họ phá được 9 đập chướng ngại cùng 6 đồn của quân ta ở hai bên bờ kinh và chịu tổn thất nặng nề: trung tá Bourdais bị giết. Ngày 12.4.1861, giặc Pháp chiếm thành Định Tường.
Theo tác giả Nguyễn Khắc Ngữ (100 năm ngày Pháp chiếm Nam Kỳ, 1967), bấy giờ Tổng đốc Nguyễn Công Nhàn đưa thơ qua lại làm kế hoãn binh. Giặc đưa thêm tàu tới uy hiếp. Nhàn xuất binh dũng đóng đồn ở Tân Hương cản giặc. Quân Pháp kéo đến ngoài lũy bắn luôn mấy ngày. Quân ta phải lui về đồn Tịnh Giang. Cuối cùng ta không giữ nổi Tịnh Giang nên giặc uy hiếp thành Định Tường.
Chiếm được thành Định Tường, tàu giặc án ngữ tại vàm kinh Bảo Định. Họ làm cầu tàu gần cây đa cổ thụ nên gọi là “cây đa tiền đồn”. Đầu tiên họ lấy đình Bình Tạo làm sở chỉ huy (sau là khám đường Mỹ Tho).
Theo Định Tường địa dư chí của tác giả Trác Quan Đồ, từ chỗ cây đa tiền đồn, lính Pháp đóng trại dọc theo bờ sông đến cây đa thứ hai cách đó vài trăm thước, gọi là “cây đa tiền dinh” vì nó đứng trước dinh tham biện Pháp. Đối diện với dinh tham biện, phía bên kia sông là cồn Tân Long (còn gọi cù lao Rồng).
Sách Gia Định thành thông chí chép, trước đây cửa sông Mỹ Tho sâu, rộng, thuyền buôn qua lại phải đậu nghỉ, xem trăng hóng mát, đợi nước lớn thuận dòng mới đi. Từ năm 1788, phù sa bồi đắp ngày càng lớn, hình dạng như rồng nằm, làm thế thủ hộ chắn giữa cửa sông, che kín trấn sở, ngăn sóng dữ, rõ là một nơi thắng địa. Vì vậy, vua Gia Long đặt tên là Long Châu. Còn nhà địa lý thì nói rằng cửa sông mà có cồn nổi thì đất ấy sẽ thịnh.
Nhà hàng ông Bang Chì
Sau khi phá thành Định Tường, người Pháp cho đào con kinh mới khởi đầu gần chùa Bửu Lâm chạy thẳng ra sông Mỹ Tho. Con kinh này cắt ngang thôn Bình Tạo và tạo ra một cù lao mới làm trái độn ngăn cách quân viễn chinh với thôn Minh Hương phía Chợ Cũ. Cù lao mới còn gọi là cù lao Cầu Dài vì người dân phải đi lại trên các cây cầu dài lót bằng ván.
Đến năm 1935, Pháp cho đào kinh Xáng Cụt và dùng xáng thổi lấp các vùng đất thấp ở cù lao Cầu Dài, xóa nhiều dấu tích xưa như vàm Bảo Định, rạch Cầu Kè, cùng hào lũy thành Định Tường. Cù lao Cầu Dài sau đó thành đất liền với Chợ Cũ. Đào kinh xong, họ xây thành mới chỗ “cây đa tiền dinh” rồi dời bộ chỉ huy quân viễn chinh về đây. Trước đó, 2 hồ nước ngọt lớn được đào năm 1934 (Định Tường địa dư chí).
Để thu hút dân cư về phía thành mới Mỹ Tho, Pháp chú ý đến thế lực người Hoa ở thôn Minh Hương cũ. Theo Định Tường địa dư chí, bấy giờ giặc thường bị phá rối từ hướng Bình Cách (giáp tỉnh Long An). Nhiều lần họ cho lính triệt hạ không xong vì nghĩa quân lẫn trong các vuông tre gai. Cuối cùng họ nghĩ ra kế gọi một tay thợ bạc ở thôn Minh Hương tới, cho nhiều tiền rồi ra lịnh y đúc bạc con cò giả bằng chì. Họ đem bạc giả trộn với bạc thật, cho vào nòng với thuốc súng rồi bắn vãi vào các vuông tre.
Vậy là một số người dân tự chặt phá để tìm bạc nên vườn tre gai thưa dần, nghĩa quân cũng rút đi nơi khác. Nhờ công đó mà kẻ đúc bạc giả được đưa lên làm bang trưởng của người Hoa. Không ai biết tên thật ông ta là gì, chỉ nghe người Pháp gọi là Monsieur de Plomb, còn người Việt thì gọi là “Bang Chì”!
Để trả công, Pháp cất cho Bang Chì một ngôi biệt thự tại vàm Bảo Định. Ngôi nhà chia 3 phần, một làm quán rượu cho lính Pháp (góc đường Gia Long – Huyện Toại), một làm tiệm bán hàng nhập cảng và cũng là nơi ở của Bang Chì (góc Gia Long – Trưng Trắc). Phần trên lầu thì làm phòng trọ cho quan binh từ xa đến. Nơi đó gọi là nhà hàng Bang Chì (Bungalow de Plomb).
Lần đầu tiên biểu diễn máy bay
Sau khi chiếm Mỹ Tho, Pháp cho đắp hai con đường ở phía tây dùng vào việc tuần tra, đề phòng nghĩa quân tập kích. Dần dần con đường được mở rộng, trải đá, hai bên trồng dừa. Cuối tuần, các thầy chú cỡi xe đạp dạo mát, ngày lễ lớn thì tổ chức đua ngựa. Đường đua thứ nhứt gọi là Vòng Nhỏ. Đường đua thứ hai là Vòng Lớn. Họ cũng thiết lập tại thôn Bình Tạo một mô súng cho lính tập bắn, đồng thời phá rừng làm đường ray cho xe lửa từ Sài Gòn chạy về trở đầu. Ngày 29.3.1913, mô súng được chọn làm địa điểm để máy bay tới biểu diễn cho dân chúng coi chơi.
Sự kiện này được ghi lại như sau: Theo yết thị thì lúc 7 giờ ngày thứ bảy, máy bay từ Sài Gòn xuống tới. Sáng hôm đó nội châu thành các quan lớn nhỏ tề tựu đủ, chờ xem máy bay đáp. Nhưng phi công Vermink đáp lạc chỗ, làm gãy một bánh xe phải lấy bánh khác thay.
Thấy viên phi công khó nhọc, quan sở tại bèn mở tiệc khoản đãi, rượu sâm banh rót mời. Rượu vào, phi công cao hứng, rồ máy phóng vút lên cao, lượn ngang dọc. Lần đầu tiên thấy máy bay, thiên hạ trố mắt nhìn thán phục. Bỗng từ trên cao máy bay cắm xuống. Mọi người đạp bừa nhau té chạy. Nhưng máy bay lại vút lên cao, tiếng hoan hô vang dậy. Đảo quanh một vòng, máy bay lại chúi xuống, nhưng lần này cắm luôn xuống đất.
Nguồn: thanhnien.vn