Friday, November 22, 2024

Hậu họa phá rừng tự nhiên: Lũ ngập tràn, hạn khô khốc

Rừng tự nhiên ở xã Phổ Cường (TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi) bị chặt phá để trồng keo và bạch đàn. Những chu kỳ từ 4 – 5 năm với việc phát dọn – đốt trụi – trồng mới – khai thác cứ thế tiếp diễn khiến rừng bị ‘tổn thương’ nghiêm trọng.

Nước lũ vào nhà

Bão số 6 (Trà Mi) đã tan nhưng người dân Phổ Cường vẫn còn lo lắng bởi chưa hết mùa mưa. Họ lo mưa lớn nước lũ tràn vào nhà gây nhiều thiệt hại. Trong tâm trí của họ vẫn còn ám ảnh đêm mưa vào tiết cuối thu 4 năm trước. Đêm đó, mưa như trút nước. Nửa đêm, nước tràn vào nhà khiến chị Nguyễn Thị Tươi và người thân phải kê cao đồ đạc bởi nền nhà bị ngập sâu hơn 20 cm.

“Mấy đợt trước, nước chỉ ngập ngoài sân rồi vô nhà bếp. Đêm đó ngập cả nhà trên lẫn nhà dưới luôn. Nước ngập là do mưa lớn, rừng phía sau nhà không còn giữ nước như xưa và cả việc làm đường nữa. Tuyến đường trước nhà (đường liên xã từ thôn Mỹ Trang, xã Phổ Cường đi thôn Vĩnh An, xã Phổ Khánh, TX.Đức Phổ) như đê ngăn nước nên rất nhiều nhà bị ngập”, chị Tươi cho biết.

Hậu họa phá rừng tự nhiên: Lũ ngập tràn, hạn khô khốc

Không có sông suối nhưng nhà của người dân ở thôn Mỹ Trang vẫn bị ngập

ẢNH: TRANG THY

Sau nhà chị Tươi chừng trăm mét có tuyến kênh mương đưa nước từ hồ chứa Liệt Sơn về tưới cho ruộng đồng ở xã Phổ Cường. Tuyến kênh này cũng biến thành đê chắn nước khi mưa lớn, gây ngập nhiều nhà cửa của người dân thôn Mỹ Trang.

Phổ Cường không có sông, chỉ vài con suối nhỏ chảy qua những cánh đồng. Thuở rừng chưa bị tàn phá để trồng keo và bạch đàn, nước mưa ngấm vào đất và chảy theo suối rồi đổ vào đầm Lâm Bình. Nước lũ vào nhà khi đó là chuyện lạ đối với người dân nơi này.

Thế nhưng, chuyện lạ giờ đã thành quen. Những năm gần đây, nhiều người đứng ngồi không yên vì lo nước tràn vào nhà mỗi khi mưa lớn. Bởi vì rừng nguyên sinh bị tàn phá, phần lớn nước mưa chảy xuống chân núi, ào ra ruộng đồng và tràn vào xóm làng.

Hậu họa phá rừng tự nhiên: Lũ ngập tràn, hạn khô khốc

Rừng bị lửa thiêu trụi

ẢNH: TRANG THY

Giếng cạn, đồng khô, rừng xanh thanh ‘da báo’

Những năm gần đây, cứ đến mùa khô là nhiều giếng nước ở Phổ Cường cạn trơ đáy. Đỉnh điểm là vào mùa hạ năm 2020, toàn xã có hơn 400 hộ dân thiếu nước sinh hoạt bởi giếng cạn khô. Nhiều người thuê thợ khoan giếng với giá hàng chục triệu đồng. Xóm 8, thôn Mỹ Trang, được xem là “rốn hạn” ở Phổ Cường.

Chính quyền xã đầu tư 35 triệu đồng khoan giếng nước. Người làng chung sức đóng góp kinh phí lắp đặt giá đỡ và mua bồn chứa gắn trên cao để thuận tiện lấy nước. Nhờ vậy, họ đỡ phải đi xa như trước.

Cũng trong năm này, Phổ Cường có 774 ha ruộng bỏ hoang trong vụ hè – thu vì không có nước tưới. Hàng nghìn gia đình lâm vào cảnh khó khăn vì không thể sản xuất.

Phổ Cường có tổng diện tích tự nhiên hơn 4.800 ha. Trong đó, đất có rừng hơn 2.200 ha, chiếm tỷ lệ trên 47%. Nhưng rừng không còn “bình yên” khi thực hiện chủ trương giao rừng cho tổ chức, cá nhân sản xuất hơn 2 thập niên trước. Người dân được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất rừng với thời hạn 50 năm.

Hậu họa phá rừng tự nhiên: Lũ ngập tràn, hạn khô khốc

Đốt dọn rừng để trồng mới sau khai thác

ẢNH: TRANG THY

Theo số liệu thống kê, toàn xã có hơn 1.600 ha rừng sản xuất (gần 1.500 ha keo nguyên liệu và hơn 100 ha bạch đàn), chưa kể diện tích bị người dân lấn chiếm trồng keo nguyên liệu trái phép. Để trồng keo và bạch đàn, chủ rừng chặt cây và đốt sạch. Cây nguyên liệu (keo và bạch đàn) trồng trên những cánh rừng vừa bị thiêu trụi trơ sỏi đá.

Sau 4 – 5 năm, họ khai thác cây và dọn thực bì theo kiểu đốt sạch để trồng lứa mới. Nhiều vụ đốt dọn gây cháy lan sang rừng bên cạnh khiến chính quyền phải huy động người dân tham gia dập lửa. Những cánh rừng trông như da báo bởi màu xanh của cây lá cạnh khu đất trống bạc màu phơi mình dưới nắng chói chang.

Những chu kỳ thu hoạch rồi trồng mới cứ thế tiếp diễn, mặc cho đất rừng bị rửa trôi, bào mòn. Nước ngầm suy kiệt nên canh tác hoa màu trên đất gò đồi hay trồng lúa ở những cánh đồng phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên hết sức khó khăn, thường bị khô hạn dẫn đến mất trắng. Vậy nên nhiều người chuyển sang trồng keo trên đất trồng cây hằng năm với tổng diện tích khoảng 200 ha.

“Theo quy định thì không được trồng keo trên đất lúa và hoa màu. Nhưng bây giờ không còn nước ngầm như trước, hết mưa là đất khô liền, lúa và các loại hoa màu chết héo nên nhiều người đành phải trồng keo”, anh Trần Văn Chung, một cư dân, cho biết.

Việc phá rừng tự nhiên trồng keo và bạch đàn đem lại lợi ích ngắn hạn nhưng để lại hậu quả lâu dài.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img