Phát triển trạm sạc xe điện là nhu cầu cần thiết để thực hiện mục tiêu giảm phát thải trong ngành giao thông vận tải, tuy nhiên thúc đẩy lĩnh vực này cần có các chính sách phù hợp.
Thưa ông, được biết EN Technologies đã phối hợp cùng PV Power thực hiện thí điểm trạm sạc xe điện đầu tiên ở Hà Nội, vậy ông có thể chia sẻ về những hợp tác của doanh nghiệp khi triển khai lĩnh vực này tại Việt Nam?
Chúng tôi đã hợp tác cùng Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) với vai trò là đơn vị cung cấp thiết bị và công nghệ trong vận hành trạm sạc, đó là công nghệ Plasma được đánh giá tiên tiến nhất trên thế giới. Với lĩnh vực này, chúng tôi đã bắt đầu thực hiện từ hệ thống lưu trữ năng lượng (BESS) gần 10 năm trước và vận hành một cách an toàn, ổn định từ đó đến nay. Chúng tôi cũng là công ty đầu tiên phát triển bộ sạc EV khi nhận được chứng chỉ xanh từ Chính phủ Hàn Quốc vào năm 2010. Dựa trên nghiên cứu kỹ thuật này, EN Technologies đã đầu tư để phát triển các bộ sạc EV cho thị trường Việt Nam từ thiết kế ban đầu. Không chỉ dừng lại ở đó, mà chúng tôi còn áp dụng công nghệ tương thích hơn với điều kiện thị trường tại Việt Nam.
Sau khi thử nghiệm các loại xe điện tại Hàn Quốc, chúng tôi đã gửi chúng sang Việt Nam để lắp đặt. Tôi khẳng định các bộ sạc được triển khai cùng với PV Power là những bộ sạc đầu tiên và hiếm hoi của mô hình này trên thế giới. Chúng tôi đã thử nghiệm trên các loại xe điện như Vinfast, Ionic 5, Hongqi, BYD và điều chỉnh các thiết lập điện và phần mềm được tương thích với công nghệ đã cung cấp.
Chúng tôi rất may mắn khi được hợp tác với PV Power, để thực hiện được trạm sạc đầu tiên này, kết quả này đã trải qua quá trình trong hơn hai năm nghiên cứu, kể từ khi bắt đầu thảo luận về cách thức hợp tác. Bước đầu tiên là nghiên cứu khả thi về mặt kỹ thuật, bao gồm đánh giá công nghệ và tiêu chuẩn, quy định, môi trường khi thực hiện trạm sạc xe điện tại thị trường Việt Nam.
Số lượng xe điện tại thị trường Việt Nam đã tăng nhanh trong 3 năm nay, tuy nhiên phát triển trạm sạc xe điện bao gồm những quy trình phức tạp và tốn nhiều nguồn lực. Vậy ông nhận định như thế nào về tiềm năng phát triển, cũng như kỳ vọng của ông về lĩnh vực này tại Việt Nam?
Việt Nam quyết tâm với cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào 2050 với sự đồng hành, hỗ trợ đầy đủ của cộng đồng quốc tế, phấn đấu giảm nhanh lượng phát thải khí nhà kính đến 43,5% vào năm 2030. Trong đó ngành giao thông đặt mục tiêu giảm 5,9% lượng phát thải khí nhà kính trong 5 năm tới. Đến năm 2030, tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính theo “Đóng góp không điều kiện” trong giao thông vận tải (GTVT) sẽ giảm 5,9% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường (BAU), tương ứng giảm 45,62 triệu tấn CO2tđ trong toàn giai đoạn.
Để thực hiện mục tiêu đó Tại Việt Nam, nhiều thành phố đã và đang triển khai các dự án xe buýt điện như Vinbus tại Hà Nội và TP.HCM, những nỗ lực này không chỉ giảm lượng khí thải mà còn nâng cao nhận thức cộng đồng về giao thông xanh.
Ngày 22/7/2024 Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải. Tôi tin chắc rằng Chính phủ Việt Nam sẽ có những chủ trương khuyến khích người dân tham gia vào quá trình chuyển dịch phương tiện giao thông từ xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch sang xe điện.
Bên cạnh đó, tôi nhận thấy Việt Nam là thị trường tiềm năng phát triển thị trường xe điện, với dân số 100 triệu dân và chỉ có 5 triệu phương tiện tham gia giao thông ở thời điểm hiện tại. Mặt khác, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trên 6%, là quốc gia phát triển nhanh ở các lĩnh vực, điều này có nghĩa số lượng xe tham gia giao thông là rất lớn. Như vậy có thể hiểu rằng dự kiến tỷ lệ ô nhiễm không khí cũng sẽ tăng gần 20% tại Việt Nam. Do đó tôi cho rằng người dân nên mua xe điện thay vì xe chạy xăng, bao gồm cả xe máy điện.
Bên cạnh những thuận lợi, ông có gặp những vướng, khó khăn nào khi đầu tư phát triển lĩnh vực này tại Việt Nam không?
Như đã trao đổi ở trên, chúng tôi mất gần 2 năm để có được trạm sạc đầu tiên ở Việt Nam. Cũng rất thuận lợi khi ở thị trường Việt Nam có thương hiệu Vinfast chứng minh về thực tiễn các hoạt động của điểm sạc xe điện. Chúng tôi có công nghệ sạc EV, nhưng chưa có quy định cụ thể về xây dựng và vận hành cơ sở hạ tầng sạc EV. Vì vậy, chúng tôi đã gặp gỡ nhiều bên liên quan tại Việt Nam, bao gồm các văn phòng thuộc Bộ, ban ngành, các Công ty gồm Nhà nước, tư nhân và các tổ chức khác.
Một lần nữa phải khẳng định, nếu không có đối tác thiện chí như PV Power – Công ty thuộc sở hữu Nhà nước với hiểu biết về thị trường, quy định và các giấy phép cần thiết thì Công ty của tôi cũng không thể thực hiện được.
Được biết đơn vị đã có bảng giá tính theo giờ sạc cho các loại xe, vậy doanh nghiệp đã tính toán trên những yếu tố nào đưa ra mức giá này?
Yếu tố quan trọng nhất cho giá sạc EV là giá bán lẻ của điện, vì kinh doanh sạc EV về cơ bản là bán lại điện. Giá sạc của chúng tôi cũng thay đổi theo giờ: giờ cao điểm, giờ thấp điểm và giờ bình thường. Chúng tôi đã tham khảo giá của các nhà khai thác khác, và các trường hợp ở các quốc gia khác như Hàn Quốc. Ngoài ra, cũng có một số hướng dẫn về giá bán lẻ ưu đãi cho các trạm sạc EV tại Việt Nam.
Để tạo giá trị hơn trong việc thanh toán, chúng tôi cho khách hàng thông qua các chương trình khuyến mãi và hợp tác với các dịch vụ khác như công ty thẻ tín dụng. Ngoài ra chúng tôi còn định hướng đến việc tạo ra giá trị từ tín chỉ carbon để chia sẻ với khách hàng.
Để góp ý cho thị trường trạm sạc xe điện được phát triển bền vững ở Việt Nam ông có những ý kiến nào cần đề xuất?
Tôi tin rằng sự phát triển bền vững của hạ tầng giao thông xanh cần có sự nỗ lực tổng hợp từ nhiều cơ quan ban ngành, đặc biệt từ Chính phủ. Bởi điều này không chỉ có các hướng dẫn quy định, mà một số chính sách tài chính sẽ thúc đẩy sự phát triển cạnh tranh của hạ tầng tham gia vào lĩnh vực này, bao gồm các ưu đãi cho người lái xe EV, cơ sở hạ tầng sạc và nhà sản xuất thiết bị….
Thứ hai, cần nâng cao nhận thức của người dân. Tôi đã trò chuyện với nhiều người và họ nghĩ rằng chúng ta cần giáo dục và giúp người dân hiểu tại sao cần phương tiện giao thông xanh. Đó là lý do tại sao tôi thường tham gia các sự kiện để chia sẻ về giá trị của giao thông xanh tại Việt Nam.
Chúng tôi đã chọn Việt Nam làm căn cứ chiến lược cho việc mở rộng kinh doanh vì đây là một quốc gia phát triển nhanh và là thành viên dẫn đầu ASEAN về phát triển năng lượng tái tạo. Chúng tôi sẽ thiết lập trung tâm R&D tại Việt Nam sớm và sẽ chuyển giao công nghệ để sản xuất thiết bị tại chỗ. Với các sản phẩm có công nghệ và giá thành tốt, chúng tôi tin rằng mình có thể cạnh tranh ở thị trường Việt Nam.
EN Technologies đã đồng ý với PV Power để thành lập trung tâm nghiên cứu và mong muốn cung cấp các bộ sạc xe điện (EV) từ nhà máy sản xuất. Mục tiêu đầu tiên là lắp đặt 1.000 bộ sạc EV trên toàn quốc. Ngoài ra, EN Technologies đang hợp tác với Petrolimex để phát triển các trạm sạc EV tại các trạm xăng trên các điểm dừng nghỉ. EN Technologies cũng đang phối hợp với một dự án hạ tầng giao thông xanh cùng Trường Đại học Bách Khoa – Đại học quốc gia TP HCM và một dự án khác là hạ tầng năng lượng và giao thông xanh tại khu công nghiệp. Công ty EN Technologies đang thực hiện các nghiên cứu khả thi tích hợp về tài chính và kỹ thuật. Sau khi hoàn thành các nghiên cứu khả thi này, EN Technologies sẽ triển khai cung cấp các bộ sạc EV và phát triển cơ sở hạ tầng sạc, bao gồm các điểm sạc tích hợp, cung nguồn năng lượng tái tạo từ hệ thống điện mặt trời trên mái nhà và hệ thống lưu trữ (BESS), điều này sẽ tạo ra tín chỉ carbon trong tương lai.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn