Monday, November 25, 2024

Bị cáo Trương Mỹ Lan mong tòa cho cơ hội được sống

Ngày 5.11, TAND cấp cao tại TP.HCM tiếp tục phần xét hỏi đối với các bị cáo trong vụ án Trương Mỹ Lan và 47 đồng phạm về các sai phạm tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ở giai đoạn 1.

Tại phiên tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày về nguyên nhân, bối cảnh phạm tội, mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt, cho mình cơ hội được sống. Bị cáo phân trần, từ trước đến nay bị cáo không hiểu biết về pháp luật, chỉ biết làm ăn và xúc tiến đầu tư. Khi nhận được bản án sơ thẩm, bị cáo rất buồn và bức xúc. Bởi vì bị cáo chưa bao giờ sử dụng tiền cho riêng cá nhân, mà khi SCB cần, bị cáo luôn sẵn sàng góp vào. Bị cáo không hề chiếm đoạt gì của SCB.
Bị cáo Trương Mỹ Lan mong tòa cho cơ hội được sống

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa phúc thẩm

ẢNH: NHẬT THỊNH

“Bị cáo xin tòa xem xét thấu đáo, kỹ càng lại toàn bộ vụ việc xem bị cáo xứng đáng với tội danh gì. Bị cáo là người làm kinh tế, không hiểu biết về pháp lý, nên tin tưởng hoàn toàn vào HĐXX, mong tòa xem xét lại cho bị cáo và các anh em (bị cáo khác trong vụ án – PV)”, bị cáo Lan nói.

Bản án sơ thẩm tuyên bị cáo Lan nắm hơn 90% cổ phần tại SCB và nắm quyền chi phối các hoạt động tại ngân hàng này. Trả lời câu hỏi của tòa về số cổ phần thực tế tại SCB, bị cáo Lan khẳng định chỉ có 5% cổ phần. Hai con gái của bị cáo là Chu Duyệt Phấn và Chu Duyệt Hằng mỗi người có 5% cổ phần. Tổng số cổ phần của cả ba mẹ con bị cáo chỉ có 15%.

Ngoài ra, bị cáo Lan mong muốn tòa xem xét lại tội danh tham ô tài sản. “Theo sự hiểu biết của bị cáo thì tham ô phải lấy tiền người khác bỏ vào túi mình, trong khi bị cáo lấy chính tài sản của mình để bỏ vào SCB. Vậy không hiểu vì sao bị cáo bị quy tội tham ô, tội danh đó là quá khủng khiếp. Xin HĐXX xem xét lại tội danh này cho bị cáo, có đường lối xử lý phù hợp”, bị cáo Lan trình bày.

Bị cáo Lan khẳng định mình chịu trách nhiệm bồi thường 91,5% cổ phần chứ không phải là nhận 91,5% cổ phần đó là của bị cáo. Đồng thời bị cáo xin tòa giải tỏa tòa nhà Time Square (Q.1, TP.HCM) của bị cáo Chu Lập Cơ.

Về vấn đề định giá tài sản, bị cáo Lan cho rằng Công ty thẩm định giá Hoàng Quân định giá không chính xác đối với 1.121 mã tài sản. Bởi công ty này định giá có 295.000 tỉ đồng, chỉ được 60% giá trị tài sản. Theo bị cáo Lan, với tài sản là bất động sản chỉ cần bán 10% thì đã được 500.000 tỉ đồng. Riêng đối với tài sản là cổ phần, cổ phiếu chỉ cần bán chưa đến 10% đã được 100.000 – 200.000 tỉ đồng.

Bị cáo Trương Mỹ Lan mong tòa cho cơ hội được sống

Bị cáo Chu Lập Cơ, chồng của bị cáo Trương Mỹ Lan, tại phiên tòa phúc thẩm

ẢNH: NHẬT THỊNH

Bị cáo Lan cũng cho rằng đã có đơn xin được tham gia vào việc xử lý tài sản để thu hồi tài sản tối ưu nhất. Bị cáo không đồng ý để SCB xử lý tài sản vì cho rằng SCB không có kinh nghiệm, sẽ gây lãng phí tài sản quốc gia.

Cũng trong phần xét hỏi, chồng của bị cáo Lan là bị cáo Chu Lập Cơ (Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Times Square) cho rằng tòa sơ thẩm phạt bị cáo 9 năm tù về tội vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng là quá nặng. Bị cáo Cơ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và đưa ra các tình tiết mới để tòa xem xét là gia đình đã khắc phục thêm 2,5 tỉ đồng…

Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Cơ giúp sức cho vợ bằng cách 2 lần ký biên bản HĐQT, đồng ý thế chấp tài sản của Công ty CP đầu tư Times Square để bảo lãnh 73 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB hơn 9.110 tỉ đồng.

Cháu của bị cáo Lan là bị cáo Trương Huệ Vân (Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bị TAND TP.HCM tuyên án 17 năm tù về tội tham ô tài sản. Bị cáo tiếp tục xin được giảm nhẹ hình phạt bởi theo bị cáo, cấp sơ thẩm chưa ghi nhận những công sức mà bị cáo đóng góp cho cộng đồng nên mong tòa phúc thẩm xem xét.

Hai vợ chồng bị cáo Trương Mỹ Lan được gặp nhau

Trong suốt quá trình xét xử, hai vợ chồng bị cáo Trương Mỹ Lan và bị cáo Chu Lập Cơ chưa từng được gặp gỡ, tiếp xúc với nhau. Do đó, trong giờ giải lao, tòa cho phép hai vợ chồng bị cáo được tiếp xúc với nhau dưới sự giám sát của cán bộ tư pháp. Theo khoản 4 điều 256 bộ luật Tố tụng Hình sự quy định, tại phiên tòa, bị cáo đang bị tạm giam chỉ được tiếp xúc với người bào chữa cho mình. Việc tiếp xúc với những người khác phải được chủ tọa phiên tòa cho phép.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img