Đó là một trong những đề nghị của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng đối với cộng đồng doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên địa bàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định địa phương ghi nhận và đánh giá cao kết quả việc thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm đối với nhà nước của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Đồng thời, Quảng Nam cũng chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp hiện nay, những khó khăn này cũng chính là các vướng mắc mà UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo tháo gỡ, giải quyết.
“Để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo và văn bản hướng dẫn hỗ trợ, tháo gỡ cụ thể đối với từng dự án, từng chủ đầu tư trong thời gian qua. UBND tỉnh cam kết sẽ tiếp tục có trách nhiệm đồng hành cùng với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (trong đó có các doanh nghiệp FDI), tập trung giải quyết thủ tục hành chính; xử lý nghiêm các trường hợp đặt thêm những thủ tục hành chính mà pháp luật không quy định, trường hợp sách nhiễu gây khó khăn cho doanh nghiệp nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch”, ông Lê Văn Dũng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng lưu ý việc đầu tư phát triển kinh tế của doanh nghiệp FDI phải đảm bảo môi trường sinh thái cho người lao động và người dân trong vùng dự án. Cùng với đó, phát triển kinh tế của doanh nghiệp FDI phải gắn với việc chăm lo cho đời sống cho người lao động, người dân trong vùng dự án để tạo môi trường làm việc hài hòa, thân thiện giữa doanh nghiệp, người lao động và địa phuơng.
“Phấn đấu thực hiện theo phương châm “lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ”. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp FDI phải đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương; phấn đấu doanh nghiệp không có tệ nạn xã hội, không có tội phạm để người dân và doanh nghiệp yên tâm phát triển kinh tế – xã hội”, ông Dũng đề nghị.
Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp FDI, ông Lê Văn Dũng cũng yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt và chịu trách nhiệm về kết quả triển khai thực hiện đối với những nhiệm vụ, giải pháp về tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Đặc biệt, kịp thời giải quyết các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, bảo đảm hoạt động của các doanh nghiệp được thuận lợi.
Tại buổi gặp mặt trước đó, ông Bàng Hạo Văn – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện khí Quốc Quang Việt Nam thông tin hiện nay đơn vị đang có lực lượng lao động và chuyên gia gần 10.000 người. Vì vậy, phải doanh nghiệp kiến nghị tỉnh Quảng Nam hỗ trợ trong công việc xây dựng nhà ở công nhân, chuyên gia gần khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc nhằm thu hút lực lượng lao động cần thiết cho hoạt động sản xuất của nhà máy.
“Đồng thời, cơ quan Nhà nước có thể cung cấp thêm nhiều chính sách thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài phát triển mạnh mẽ tại tỉnh”, ông Văn đề xuất.
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện dự án Đường trục chính vào Khu công nghiệp Tam Thăng, hoàn thiện hạ tầng Khu tái định cư Tam Thăng giai đoạn 2 để bố tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng . Cùng với đó, hướng dẫn cụ thể trình tự, cách thức thực hiện, thành phần hồ sơ, thời hạn giải quyết đối với từng thủ tục hành chính liên quan đến cấp phép cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam để tạo điều kiện cho người lao động nước ngoài vào làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt là triển khai thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Theo các doanh nghiệp, nhu cầu của người lao động về vấn đề này là vô cùng lớn, vì vậy cần có giải pháp thúc đẩy các dự án nhà ở xã hội triển khai, hoàn thiện đưa vào sử dụng.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn