Friday, November 22, 2024

Việt Nam có trở thành trung tâm xuất khẩu ô tô lớn?

Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang theo đuổi mục tiêu xuất khẩu ô tô nguyên chiếc. Tuy nhiên, để trở thành quốc gia xuất khẩu ô tô, không phải chuyện dễ dàng.

Bước khởi đầu

Trong tháng 10/2024, Công ty CP Sản xuất Ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam (HTMV) đã xuất khẩu lô xe Palisade thứ 4 sang Thái Lan, nâng tổng số xe Palisade xuất khẩu lên 110 chiếc.

Palisade là mẫu SUV hạng D cao cấp của Hyundai, được sản xuất lắp ráp tại nhà máy của HTMV, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 40%, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, khi xuất khẩu sang các nước ASEAN được hưởng ưu đãi thuế quan 0%, theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Sự kiện này thêm một lần nữa khẳng định sự phát triển và năng lực sản xuất của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Đại diện của HTMV cho biết, để có thể đạt được những mục tiêu về tỷ lệ nội địa hóa trên 40%, đòi hỏi những nỗ lực và quyết tâm rất lớn. Chúng tôi đã liên kết với nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam, để đặt hàng cung cấp linh kiện tại chỗ.

Việt Nam có trở thành trung tâm xuất khẩu ô tô lớn?

Ô tô Hyundai Palisade chuẩn bị xuất khẩu tại Nhà máy Hyundai Thành Công, Gia Viễn, Ninh Bình.

Theo kế hoạch, HTMV sẽ xuất khẩu hơn 4.000 xe Hyundai sang các quốc gia trong khu vực từ năm 2024 đến 2025. Không chỉ dừng lại ở Hyundai Palisade, công ty còn đặt mục tiêu xuất khẩu các dòng xe khác thuộc phân khúc B, B-SUV, D-SUV và D-MPV sang các thị trường như Myanmar, Philippines, Indonesia và các quốc gia khác tại Đông Nam Á.

Trước HTMV, ô tô nguyên chiếc sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam đã được xuất khẩu. Từ cuối năm 2022, Công ty VinFast đã bắt đầu xuất khẩu ô tô điện sản xuất tại nhà máy ở Hải Phòng sang Mỹ, sau đó là Canada, Indonesia, Philippines… Còn từ năm 2019 Công ty ô tô Trường Hải (Thaco) đã xuất khẩu ô tô nguyên chiếc sang các nước Đông Nam Á. Ban đầu chỉ vài trăm xe, sau đó tăng dần, đến năm 2023 đạt con số 2.500 xe các loại, với kim ngạch hàng chục triệu USD. Ô tô của Thaco xuất khẩu đều đáp ứng tiêu chí hàm lượng giá trị khu vực (RVC), với tỷ lệ nội địa hóa 40%, được hưởng thuế suất ưu đãi 0%.

Mặc dù xuất khẩu ô tô của Việt Nam mới ở bước khởi đầu và còn khá nhỏ bé, nhưng điều này có ý nghĩa quan trọng. Mở thị trường xuất khẩu, nhất là tới những khu vực có nền sản xuất phát triển, có tính cạnh tranh cao, sẽ khẳng định năng lực của các doanh nghiệp và giúp ngành công nghiệp ô tô phát triển, gia tăng sản lượng.

Khát vọng có thành hiện thực?

Đánh giá trên phương diện tích cực, thị trường ô tô Việt Nam rất có tiềm năng, đủ để đầu tư sản xuất với quy mô lớn, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu. Hơn nữa, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Xuất khẩu ô tô sang các nước ASEAN đã được ưu đãi thuế quan 0%, sắp tới là các khu vực khác như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Bắc Mỹ… mở ra những cơ hội lớn.

Việt Nam có trở thành trung tâm xuất khẩu ô tô lớn?

Kia Grand Carnival xuất khẩu tại cảng Chu Lai, Quảng Nam.

Mặc dù vậy, để trở thành quốc gia xuất khẩu ô tô nguyên chiếc với số lượng lớn giống Thái Lan hay Indonesia, không phải là chuyện dễ dàng. Để có thể xuất khẩu ô tô, sản phẩm làm ra phải đạt chất lượng tốt và giá thành cạnh tranh. Điều này chưa phải là thế mạnh của Việt Nam.

Theo các doanh nghiệp, sản xuất ô tô trong nước chưa đáp ứng được yếu tố cạnh tranh về giá, do phần lớn linh kiện vẫn phải nhập khẩu. Những linh kiện sản xuất trong nước chưa có sản lượng đủ lớn để có mức giá tốt. Giá thành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đang cao hơn các nước trong khu vực khoảng 20%. Khoảng cách này phải thu hẹp lại mới có nhiều cơ hội xuất khẩu xe.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang theo đuổi mục tiêu xuất khẩu ô tô nguyên chiếc. Cả HTMV, VinFast, Thaco… đều có tham vọng biến Việt Nam thành công xưởng ô tô của khu vực Đông Nam Á.

Bộ Công Thương dự báo, đến năm 2030, thị trường ô tô đạt quy mô từ 1 – 1,1 triệu chiếc/năm; còn đến năm 2045 đạt từ 5 – 5,7 triệu chiếc/năm. Bộ Công Thương cũng đưa ra định hướng, đến năm 2030 tổng sản lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước đạt 600.000 – 700.000 chiếc, tỉ lệ nội địa hóa linh kiện, phụ tùng đạt 55% – 60%. Đến 2045 tổng sản lượng xe nội địa đạt từ 4 – 4,6 triệu chiếc/năm, tỉ lệ nội địa hóa linh kiện, phụ tùng đạt 80% – 85%. Nếu đạt mục tiêu này thì xuất khẩu ô tô nguyên chiếc Việt Nam sẽ có cơ hội.

Tuy nhiên, muốn đạt được khát vọng này, cần phải có chính sách khuyến khích mạnh mẽ để tăng sản lượng, thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ. Nhưng đến nay, chính sách này vẫn chưa hoàn thiện. Hơn nữa, môi trường pháp lý trong ngành công nghiệp ô tô liên tục thay đổi, tiềm ẩn những rủi ro cho doanh nghiệp. Dù doanh nghiệp ô tô có nỗ lực hết sức, nhưng nếu thiếu chính sách hỗ trợ từ Nhà nước thì khát vọng khó thành.

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img