Phố đồ cũ ‘thượng vàng hạ cám’ ở gần chợ Nhật Tảo (Q.10, TP.HCM) chỉ bày bán sau 17 giờ 30 nhưng lúc nào cũng đông khách. Đây là điểm đến quen thuộc của những tín đồ thích săn đồ độc lạ và mang đậm dấu ấn thời gian.
Dưới ánh đèn vàng vọt, có chục người bày biện hàng hóa của mình trên mấy tấm bạt ở vỉa hè đường Nhật Tảo, Vĩnh Viễn (Q.10, TP.HCM). Vài phút sau, vài người nữa cũng chở đầy bao đồ cũ đổ xuống vỉa hè để bán. Chúng tôi tính nhẩm có khoảng 50 “cửa hàng” bán đồ cũ như vậy.
Tại đây, những món hàng độc đáo, được bày bán đa dạng: từ đồ nội thất cổ xưa, đồng hồ, tivi, tủ lạnh, đến đèn dầu, máy ảnh phim hay thậm chí là những bộ sưu tập đồng xu quý giá. Dù nhìn qua có vẻ đơn sơ, nhưng với những người sành sỏi, mỗi món đồ đều chứa đựng giá trị và câu chuyện riêng.
Giữa dòng người đông đúc “săn” những món hàng độc lạ theo cách riêng của mình, thật khó để phân biệt đâu là dân nghiệp dư, người chỉ đến để tham quan và đâu là những “thợ săn” sành điệu.
Phố “đồ cũ” đường Nhật Tảo lúc nào cũng nườm nượp khách
ẢNH: UYỂN NHI
Săn hàng “độc” khi trời chập choạng
Kim đồng hồ chỉ 18 giờ, người mua đông dần. Nhiều khách cầm điện thoại hoặc đèn phim săm soi đồ. Chúng tôi ghé một gian hàng trên vỉa hè giao lộ Lý Thường Kiệt – Nhật Tảo, nổi bật với những món hàng đã nhuốm màu thời gian như: khuyên, móc khóa, bật lửa zippo… Thậm chí còn có cả tờ vé số đã hết hạn sử dụng. Điều đặc biệt ở gian hàng này chỉ bán duy nhất chất liệu đồng. Không còn vẻ óng ả, những lớp đồng màu vàng có nhiều vết xước hoặc đã gỉ màu vì sự mài mòn của thời gian.
Một người đàn ông tên Tuấn (35 tuổi) xởi lởi mời chúng tôi mua hàng. Anh giới thiệu mẫu mã ở đây đa dạng nhưng độc nhất, “chốt liền anh để giá tốt”. Thấy chúng tôi còn phân vân, anh Tuấn nhanh nhẹn lấy ngay một chiếc móc khóa cũ, vừa lau chùi vừa giải thích: “Nhìn qua, mấy cái này người không rành cứ tưởng làm bằng sắt, nhưng thực ra đây là chất liệu đồng, hàng Mỹ, Pháp ngày xưa”.
Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề, anh Tuấn cho biết mình đã gắn bó với phố đồ cũ ngót nghét hơn chục năm nay. Trước đây, anh từng kinh doanh nhiều mặt hàng khác nhau, nhưng từ khi nhận thấy chất liệu dễ bán, nhiều người thích sưu tầm nên anh chuyển qua kinh doanh mặt hàng này.
Anh Tuấn nói, sau đợt dịch Covid-19, lượng khách mua đồ cũ hay “thợ săn” mạnh tay chi tiền không bằng lúc trước. Tuy nhiên, anh Tuấn cũng có một lượng khách trung thành của riêng mình.
Nói về nguồn gốc của các mặt hàng, anh Tuấn nói hay đi mua từ những người bán ve chai không biết giá trị của chúng hoặc đi các chợ sỉ những món đồ cũ, hiếm để mang về bán với giá chủ yếu dao động từ 200.000 – 600.000 đồng, có mặt hàng lên đến vài triệu đồng.
“Làm sao để phân biệt hàng thật, giả?”, chúng tôi thắc mắc. Anh Tuấn cười và trả lời ngay: “Những người đam mê người ta nhìn là biết hàng gì liền, mình không cần nói nhiều. Mấy tay săn ở đây toàn những người sưu tầm, dân chơi, đại gia hay giám đốc… đều có kinh nghiệm mấy chục năm, đâu dễ lừa được người ta”.
Phố đồ cũ Nhật Tảo có đa dạng các mặt hàng
ẢNH: UYỂN NHI
Lẫn trong dòng người tấp nập, một người đàn ông trung niên mặc giày da, áo quần sơ vin cẩn thận mân mê từng chiếc hộp quẹt, tỉ mỉ nhìn từng con số, dòng chữ được khắc phía sau lưng. Anh nói mình đang tìm chiếc Zippo độc nhất và có tuổi đời lâu nhất ở đây.
Đó là anh Phong (ở Q.8, TP.HCM), năm nay 43 tuổi và có kinh nghiệm hơn 1 thập kỷ mua đồ cũ. Anh nói mình làm ở công ty máy lạnh công nghiệp, cứ mỗi chiều tan ca, anh Phong lại ghé phố đồ cũ Nhật Tảo để “săn”, anh cũng cho rằng đó là sở thích và thói quen không thể bỏ của mình.
Anh lắc nhẹ chiếc Zippo, bật thử để kiểm tra lượng ga còn lại, rồi chỉ vào chữ số La Mã “IX” khắc trên thân. Anh chia sẻ với chúng tôi vài kinh nghiệm chọn hàng: “Thực ra ai có đam mê nhìn cái là biết rồi. Nhưng nếu chưa biết chọn cái nào thì mình cần nhìn thật chi tiết từ chất liệu, nơi sản xuất, các con số được khắc trên thân đến màu sắc của chúng. Đồ dùng nào có thời gian sản xuất càng lâu thì càng có giá trị”.
Bới đồ cũ, tìm đồ xịn
Ngồi ở góc đường Nhật Tảo, cửa hàng đồng hồ của ông Hùng (74 tuổi) nổi bật với những món hàng “thượng vàng hạ cám”. Ông Hùng có dáng người gầy, mái tóc lấm tấm muối tiêu và tính cách vui vẻ. Hai tay ông đeo tới bốn chiếc đồng hồ, được cho là sang nhất trong số 100 chiếc đang bày bán tại gian hàng.
Ông Hùng cẩn thận mang một túi đồng hồ cũ ra, tỉ mỉ sắp xếp từng chiếc lên tấm bạt nhựa, với đủ kiểu dáng, màu sắc; bên cạnh là chiếc đèn pin màu trắng. Vừa trưng bày xong, ông khoe với khách rằng hôm nay có nhiều đồng hồ mới, bao xịn mà giá cả lại mềm. Nghe vậy, cả chục khách vội vàng ngồi xổm xuống, lọc lựa và kỳ kèo hỏi giá om sòm.
Một người đàn ông tầm tuổi lục tuần, cầm chiếc đồng hồ màu bạc hỏi: “Cái này nhiêu?”. Ông Hùng không trả lời ngay mà khen ông khách có con mắt chọn đồ, rồi nói: “Cái này hàng Nhật xịn, bao xài luôn. Hồi xưa 1 chỉ vàng một cái, nay tui lấy ông 200.000 đồng.” Nghe vậy, vị khách liền trả giá: “150.000 đồng, kim đồng hồ này chạy sai giờ, tôi phải tốn thêm tiền sửa lại”. Ông Hùng liền đáp: “Tôi sửa đồng hồ từ lúc mười mấy tuổi, để tui chỉnh lại cho. Bán giá đó tui lỗ chết”.
Thấy khách chưa hài lòng, ông Hùng nói thêm: “Trăm chín, bớt ông 10.000 đồng”. Khách mỗi lúc một đông, cuối cùng người đàn ông đành lặng lẽ đưa tiền, nhưng ánh mắt vẫn toát lên sự hài lòng khi mua được món hời.
Ông Hùng nói không biết phố đồ cũ hay “chợ trời” này thành lập từ bao giờ, chỉ nhớ cách đây 15 năm; từ ngày ông qua khu vực chợ Nhật Tảo này bán thì đã có nhiều người bày bán từ trước đó. Hồi trước, ông làm nghề buôn bán và sửa đồng hồ ở Q.1, nhưng sau khi thấy phố này đông vui, ông quyết định chuyển hẳn qua đây.
Gần 2 thập kỷ “nhập môn” bán đồng hồ cũ ở vỉa hè đường Nhật Tảo, ông Hùng chủ yếu bán cho khách quen. Nhờ đa dạng mẫu mã và bán hàng uy tín, ông được mọi người đặt biệt danh là Hùng “đồng hồ”. Ông cho biết, bán đồng hồ là niềm đam mê và niềm vui mỗi ngày của ông. “Tôi biết rất rõ giá trị của từng món hàng, chỉ cần nhỉnh hơn giá gốc 20.000 – 30.000 đồng, tôi sẵn sàng đẩy ngay”, ông cười nói.
Ông Hùng chia sẻ thêm: “Tôi làm nghề này hơn 50 năm, bán từ khi tôi mới mười mấy tuổi. Cầm chiếc đồng hồ lên tay là tôi có thể ngay lập tức biết nó thuộc thương hiệu nào, sản xuất ở đâu, thậm chí là xác định được tuổi đời của nó chỉ trong vài giây”.
Phố đồ cũ Nhật Tảo không chỉ là “chợ trời” buôn bán, mà còn là nơi lưu giữ ký ức và là một điểm dừng chân quen thuộc cho những tâm hồn hoài cổ giữa thành phố sôi động.
Nguồn: thanhnien.vn