Wednesday, November 13, 2024

Hấp dẫn vốn ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam

VTV.vn – Theo các chuyên gia, thị trường chứng khoán Việt Nam có lối đi riêng, hấp dẫn lại dòng vốn của khối ngoại với sự thay đổi chính sách và nâng hạng từ cận biên lên mới nổi.

Tuần qua các nhà đầu tư ngoại bán ròng ở hầu hết các thị trường châu Á, đặc biệt thị trường chứng khoán Ấn Độ bị bán ròng gần 2,3 tỷ USD. Điểm đến của dòng tiền rời thị trường chứng khoán châu Á không đâu khác chính là thị trường chứng khoán Mỹ. Tuần qua dòng tiền vào các quỹ ETF Mỹ tiếp tục ghi nhận chuỗi hút ròng với 21,9 tỷ USD trong đó dòng tiền vào ròng mạnh ở các quỹ đầu tư cổ phiếu Mỹ với 18,5 tỷ USD được bơm ròng thêm, tăng 81% theo tuần.

Với những cổ phiếu hàng đầu về công nghệ, những câu chuyện mới hậu bầu cử Tổng thống Mỹ tiếp tục khẳng định vị thế thị trường chứng khoán hấp dẫn dòng vốn hàng đầu thế giới trong năm nay và theo thống kê, chỉ số chứng khoán Mỹ cũng đã lập đỉnh hơn 40 lần trong năm 2024. Việc nhà đầu tư ngoại bán ròng ở thị trường chứng khoán Việt Nam cũng là 1 chuyện không có gì bất ngờ, khi gần như ở thị trường chứng khoán nào ngoài Mỹ đều đang bị bán ròng.

Nút thắt yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài khi đặt lệnh giao dịch chứng khoán phải ký quỹ 100%, hay pre-funding, đã được dỡ bở từ đầu tháng này theo quy định Thông tư 68 – Bộ Tài chính. Theo quan sát của các thành viên thị trường, số lượng giao dịch sử dụng pre funding dù chưa nhiều, nhưng đang tăng lên từng ngày và ghi nhận phản hồi ban đầu khá tích cực và cũng là một bước tiến lớn, giúp thu hẹp khoảng cách trong tiến trình nâng hạng thị trường Việt Nam từ cận biên lên mới nổi.

Hơn 10 ngày sau khi quy định nhà đầu tư nước ngoài phải có đủ 100% tiền ký quỹ trước giao dịch được gỡ bỏ. Từ một vài giao dịch sử dụng pre-funding trong những ngày đầu tiên, số lượng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đang tăng lên gấp bằng lần dù vẫn mang tính chất thăm dò.

Ông Nguyễn Quang Hưng – Chuyên gia kinh tế, Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital cho biết: “Có thể những ngày đầu nhà đầu tư nước ngoài còn đang e dè và họ thử giao dịch với khối lượng và giá trị nhỏ, nhưng những ngày gần đây, khối lượng và giá trị có dấu hiệu tăng dần. Tôi kỳ vọng đến giữa tháng 12 khối lượng và giao dịch còn tăng lên nữa vì giữa tháng 12 còn một đợt cơ cấu danh mục lớn trong năm của các quỹ đầu tư theo danh mục của FTSE”.

Theo quy định trước đây, thì dù giao dịch thành công hay không, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải chuyển đủ tiền trước khi đặt lệnh tạo rủi ro do chênh lệch tỷ giá cũng như không tối ưu trong sử dụng vốn. Việc bỏ quy định này tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư ngoại, giúp quá trình đầu tư hiệu quả hơn về mặt chi phí. Nhưng số nhà đầu tư hưởng lợi từ quy định này, trước mắt là không quá lớn trong bối cảnh khối ngoại hiện chỉ đóng góp khoảng 9-10% lượng giao dịch bình quân trên thị trường.

Ông Barry Weisblatt – Giám đốc Phân tích công ty chứng khoán VnDirect cho biết: “Phạm vi tác động là khá nhỏ, chủ yếu tới các quỹ trong khu vực ASEAN chẳng hạn, hay những quỹ chuyên các thị trường cận biên và mới nổi. Họ có thể cân nhắc, với quy định mới, việc đầu tư vào Việt Nam sẽ hiệu quả hơn do đó có thể cân nhắc phân bổ thêm danh mục. Việc dỡ bỏ yêu cầu ký quỹ, theo tôi, là có tác động tới thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng sẽ không tạo ra những thay đổi quá lớn”.

“Tôi cảm nhận những nhà đầu tư dòng vốn của họ chưa ở Việt Nam mà ngồi chờ cơ hội thì sẽ là những người tận dụng được nhiều nhất. Còn những nhà đầu tư đã all in rồi, đã có full portfolio trong thị trường chứng khoán Việt Nam rồi thì cũng chưa chắc đã được hưởng lợi nhiều đến như vậy”, bà Nguyễn Hoài Thu – Tổng Giám đốc VinaCapital cho hay.

Việc gỡ bở quy định pre-funding giống như việc gỡ một nút thắt quan trọng trong quá trình xem xét nâng hạng của Việt Nam theo một số đánh giá của khối ngoại, là yếu tố chiếm tỷ trọng tới 70% – 80% việc ra quyết định đầu tư. Kỳ vọng với những trải nghiệm ban đầu được đánh giá là tích cực của các nhà đầu tư ngoại, thì Việt Nam sẽ sớm đủ điều kiện để được FTSE xem xét nâng hạng trong năm sau.

Giải pháp hấp dẫn vốn ngoại trên thị trường chứng khoán

Hấp dẫn vốn ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam - Ảnh 1.

Để đáp ứng 1 cách tiêu chuẩn và bền vững, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ cần 1 mô hình thanh toán gồm sự có mặt của các ngân hàng thương mại trong và ngoài nước, công ty chứng khoán, đơn vị lưu ký.

Thông tư 68 dù được khối ngoại đánh giá tích cực nhưng đây vẫn được xem là giải pháp tình thế cho câu chuyện đáp ứng tiêu chuẩn thanh toán quốc tế của nhà đầu tư tại Việt Nam. Để đáp ứng một cách tiêu chuẩn và bền vững, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ cần một mô hình thanh toán gồm sự có mặt của các ngân hàng thương mại trong và ngoài nước, công ty chứng khoán, đơn vị lưu ký. Đây được gọi là mô hình Đối tác bù trừ trung tâm (CCP), nội dung được các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm và cũng là một đề xuất sửa đổi đáng chú ý thuộc Dự án Luật Chứng khoán sửa đổi trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Ông Young Lee, Giám đốc Điều hành Hoạt động Kinh doanh Cổ phiếu khu vực Châu Á, Morgan Stanley cho biết: “Bản chất của CCP là để giảm thiểu đi rủi ro của thị trường và các giao dịch chứng khoán, nhìn ra quốc tế có thể thấy hầu khắp các thị trường chứng khoán đều đang áp dụng. Giải pháp thanh toán không cần ký quỹ mà Thông tư 68 đang cung cấp đang đặt nhiều áp lực vốn lên các công ty chứng khoán như SSI, HCM, VCI trong khi nếu có CCP gánh nặng sẽ được chia sẻ thêm cho các bên ngân hàng, đơn vị lưu ký. Vì lúc đó thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có một Trung tâm bù trừ thanh toán rồi, làm nhiệm vụ thu thập khoản vay ký quỹ, giám sát và giảm thiểu rủi ro. Ở các thị trường đã áp dụng CCP rủi ro đều được giảm thiểu kể cả với những thị trường cực kỳ nhiều biến động, kể cả khi có công ty chứng khoán bị tạm dừng hoạt động, hay thậm chí phá sản, các sự kiện đó không ảnh hưởng đến hoạt động ổn định của thị trường. Một thị trường có sự bền vững như vậy sẽ có được lòng tin rất lớn của cộng đồng đầu tư quốc tế và đồng nghĩa với dòng vốn chảy về đó sẽ càng dồi dào. Tôi thực sự muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của CCP gắn với mục tiêu nâng hạng thành công thị trường chứng khoán Việt Nam một cách bền vững”.

Ông Đỗ Đức Hiển, Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh cho hay: “Hiện nay đã có 80% các cơ chế đối tác bù trừ trên thế giới đã cho phép các ngân hàng làm thành viên bù trừ, với mục tiêu Chính phủ đề ra về việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên mới nổi vào năm 2025. Việc cho phép các ngân hàng được làm thành viên bù trừ của cơ chế đối tác bù trừ trung tâm theo thông lệ quốc tế là cấp thiết để tổ chức xếp hạng, xem xét trong kỳ xếp hạng gần nhất, dự kiến là tháng 3/2025”.

Ông Ryuji Takai, Trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH Chứng khoán Nhật Bản cho rằng: “Khi thị trường chứng khoán Việt Nam nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi, chúng ta có thể kỳ vọng một dòng tiền lớn khoảng 1,7 tỷ đô la Mỹ chảy vào các quỹ ETF. Ngoài ra còn có dòng tiền đến từ các quỹ chủ động, các quỹ phòng hộ, và từ các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài”.

Ngoài ra câu chuyện mở tài khoản chứng khoán cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng cần được cải thiện. 1 số tổ chức quốc tế cho biết, họ chỉ cần 1 tháng để 1 tài khoản đầu tư ở nước ngoài, trong khi ở Việt Nam hiện nay thời gian này lại lên từ 6-9 tháng.

Cởi bỏ các nút thắt, đôi khi không chỉ vì câu chuyện thu hút dòng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán mà nhìn rộng ra còn là sự cải tiến và nâng cấp chất lượng của nhiều cấu phần trên thị trường tài chính Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Nguồn: vtv.vn

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img