Monday, November 25, 2024

Ai đẩy giá bất động sản?

Trong thông cáo báo chí phát đi gần đây, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) khẳng định, môi giới bất động sản không phải là nguyên nhân chính khiến giá nhà đất bị đẩy lên cao trong thời gian qua.

Môi giới chỉ muốn chốt hàng nhanh

Thời gian gần đây, dư luận đang xôn xao thông tin liên quan đến việc cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản (BĐS) có hành vi cấu kết, đẩy giá, gây nhiễu loạn thị trường. Tuy nhiên, TS Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Chủ tịch VARS, khẳng định môi giới BĐS không phải là nguyên nhân chính khiến bất động sản bị đẩy giá trong thời gian qua. Trong khi đó, môi giới đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối cung – cầu trên thị trường, giúp kết nối giữa chủ đầu tư, nhà phát triển dự án với khách hàng/nhà đầu tư. Hàng năm, lực lượng này giúp thị trường kết nối thành công hàng trăm ngàn sản phẩm với giá trị giao dịch ước đạt hàng triệu tỉ đồng.

Ai đẩy giá bất động sản?

Các sàn giao dịch bất động sản trở lại nhộn nhịp sau thời gian đóng băng

ẢNH: ĐÌNH SƠN

Không chỉ góp phần đẩy nhanh tốc độ giao dịch, lực lượng này còn đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối, phản ánh thông tin giữa hai chiều cung – cầu, nhằm nâng cao chất lượng, sự đa dạng và tính phù hợp của các sản phẩm BĐS. Từ đó, thúc đẩy thị trường phát triển một cách bền vững. Không chỉ vậy, môi giới còn đóng vai trò kết nối các thị trường với nhau, từ thị trường vùng này với vùng khác, liên vùng, thị trường trong nước với quốc tế và ngược lại; thị trường BĐS với thị trường xây dựng, thị trường vốn, thị trường tài chính… Qua đó, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển thị trường nói riêng và nền kinh tế quốc dân nói chung.

Trong khi đó, quyết định giá bán là quyền của chủ đầu tư, nhà phát triển dự án, môi giới không được phép tham gia. Họ được tiếp cận bảng giá của chủ đầu tư gần như cùng lúc với khách hàng. Bán giá cao hay thấp, là tùy vào chiến lược kinh doanh của từng doanh nghiệp, tại từng thời điểm nhằm đạt được mục tiêu kinh doanh. Hơn ai hết, môi giới chính là người mong muốn giá bán được xác định ở mức phù hợp nhất. Có như vậy, việc môi giới bán hàng mới thuận lợi, người làm nghề môi giới mới có cơ hội nhận hoa hồng.

Ai đẩy giá bất động sản?

Lễ ra quân mở bán một dự án của môi giới bất động sản tại TP.HCM

ẢNH: ĐÌNH SƠN

Ai đầu cơ, găm hàng?

Cũng theo ông Nguyễn Văn Đính, trong câu chuyện tăng giá, không loại trừ những trường hợp đầu cơ, trục lợi, lợi dụng sự mất cân bằng của cung – cầu để ôm hàng, thổi giá nhằm “lướt sóng”, kiếm chênh lệch. Vậy nhưng cần xác định rất rõ, đây là hành vi của những “tay đầu cơ”, có tài chính. Hành vi của họ là quan sát, lắng nghe, theo dõi từng biến động của thị trường. Và ngay khi nhận thấy cơ hội, họ “liều lĩnh chốt deal”, để rồi găm hàng, tìm “mồi ngon” và sang tên, hưởng chênh lệch. Những đối tượng này hoàn toàn khác với môi giới. Bởi môi giới làm nghề và hưởng thù lao từ hoạt động tư vấn, giới thiệu và chốt khách. Họ không đủ tài chính để ôm hàng, chờ tăng giá. Nếu có, thì số lượng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, không đủ để điểm mặt, đặt tên, chứ chưa nói đến nguy cơ “tạo sóng” hay “lũng đoạn thị trường”.

“Nói tóm lại, môi giới BĐS có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của thị trường BĐS nói riêng và nền kinh tế quốc dân nói chung. Để đảm bảo hoạt động này phát triển theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, công khai và minh bạch, hành lang pháp lý mới đã bổ sung rất nhiều quy định chi tiết, cụ thể đối với điều kiện hành nghề của các cá nhân, tổ chức cũng như các quy định liên quan khác. Tuy nhiên, cần xác định rõ môi giới chỉ đóng vai trò trung gian kết nối. Họ không phải bên bán cũng không phải bên mua. Nên không có quyền quyết định giá, cũng không có đủ khả năng tài chính để quyết định xuống tiền ôm hàng gây lũng đoạn thị trường”, ông Đính cho hay.

Cũng theo VARS, luật Kinh doanh BĐS, luật Nhà ở và luật Đất đai đã có hiệu lực, góp phần giúp hành lang pháp lý liên quan đến thị trường trở nên hoàn thiện hơn. Trong đó, có các quy định tương đối chặt chẽ đối với hoạt động môi giới. Cụ thể, cá nhân hành nghề môi giới phải đáp ứng các điều kiện: Có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản và phải hành nghề trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản hoặc một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản. Điều này đồng nghĩa với việc, muốn hành nghề môi giới BĐS, các cá nhân phải trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng. Được kiểm chứng bởi “chứng chỉ hành nghề” thông qua các kỳ thi sát hạch.

Như vậy, giống như các ngành nghề khác như bác sỹ, giáo viên, luật sư… môi giới BĐS cũng đòi hỏi trình độ và năng lực đủ để có thể hành nghề một cách nghiêm túc, chuyên nghiệp. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS, luật cũng quy định rất chặt chẽ, quy định rất rõ về các biện pháp xử phạt đối với các nhân, doanh nghiệp hoạt động môi giới không đạt chuẩn, cung cấp thông tin sai lệnh, thiếu chính xác, gây ảnh hưởng tới khách hàng…

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img