Monday, November 25, 2024

Chính quyền Trump “soi” xuất xứ hàng hoá , doanh nghiệp gỗ cần làm gì?

Ngành gỗ Việt Nam có thể tiếp tục đối mặt với các biện pháp bảo hộ hàng hoá, áp thuế chống bán phá giá cao hơn tại Mỹ khi ông Trump đắc cử.

Trong 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ đạt mức tăng trưởng ấn tượng, riêng trong tháng 10 ước đạt 1,5 tỷ USD, tăng 20% so với tháng 9 và tăng 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chính quyền Trump "soi" xuất xứ hàng hoá , doanh nghiệp gỗ cần làm gì?

Thị trường Mỹ chiếm khoảng 50-55% kim ngạch xuất khẩu gỗ Việt.

Triển vọng tăng

Tính chung cả 10 tháng của năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ đã đạt 13,2 tỷ USD, tăng gần 21% so với năm 2023, tiến sát mục tiêu 14,2 tỷ USD của cả năm 2024.

Các sản phẩm gỗ của Việt Nam đã vươn tới 170 thị trường thế giới, trong đó 5 thị trường lớn là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU chiếm tới hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ. Đáng lưu ý trong đó, thị trường Mỹ là thị trường rất quan trọng khi chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam.

Ông Huỳnh Lê Đại Thắng, đại diện Công ty TNHH đồ gỗ Nghĩa Sơn cho rằng, sự quyết liệt trong việc áp thuế hàng hóa nhập khẩu của ông Trump, đặc biệt là mức thuế 60% đối với hàng từ Trung Quốc sẽ khiến cho các nhà nhập khẩu Mỹ tìm những nguồn cung cạnh tranh hơn về giá.

Do đó, ông Thắng tin rằng, với lợi thế ngành sản xuất đồ gỗ của Việt Nam như hiện nay thì nhiều nhà nhập khẩu xứ cờ hoa vẫn sẽ tiếp tục đến để tìm nguồn hàng. Vì vậy, tỷ lệ xuất khẩu của công ty vào Mỹ trong thời gian tới có thể sẽ tăng lên từ 50% hiện nay lên mức 70%, bù đắp cho thị trường EU, nơi ngày càng đòi hỏi cao về các tiêu chuẩn sản xuất và xanh hóa.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA), cho biết đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp đang thuận lợi. Trong đó, nhiều công ty đã có đơn hàng sản xuất đến giữa năm 2025. Đáng chú ý, thị trường Mỹ, nơi đóng góp hơn 55% tổng kim ngạch của ngành đang phục hồi rõ rệt.

“Với chính sách áp thuế cao hàng hóa từ Trung Quốc của tân Tổng thống thì có khả năng, xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam vào thị trường này sẽ tăng lên trong thời gian tới”, ông Phương nói.

Nguy cơ áp thuế phạt cao tương ứng

Tuy nhiên, các ý kiến cũng lưu ý áp lực về nguồn gốc gỗ và sản xuất bền vững khi chính quyền ông Trump “soi” xuất xứ hàng hoá rất chặt. Điều này buộc nhà xuất khẩu phải chứng minh nguồn gốc gỗ, gây khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về xuất xứ và bảo vệ môi trường.

Chính quyền Trump "soi" xuất xứ hàng hoá , doanh nghiệp gỗ cần làm gì?

Chính quyền ông Trump “soi” xuất xứ hàng hoá rất chặt. Điều này buộc nhà xuất khẩu phải chứng minh nguồn gốc gỗ.

Cùng với đó, ông Nguyễn Chánh Phương cho rằng, cần kiểm soát chặt chẽ dòng đầu tư, nhất là doanh nghiệp gỗ nước ngoài chuyển đến Việt Nam sản xuất xuất vào Mỹ. Khi nhập khẩu từ Việt Nam tăng mạnh thì Mỹ sẽ áp dụng biện pháp phòng vệ với đồ gỗ Việt Nam, dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp trong nước.

“Áp lực về đơn hàng giảm, chi phí logistics cao cộng thêm việc “soi” nguồn gốc gỗ sẽ khiến doanh nghiệp ngành gỗ “khó chồng khó”. Bởi trên thực tế, thời Tổng thống Trump Mỹ đã tiến hành điều tra nhiều vụ kiện chống bán phá giá đối với sản phẩm gỗ từ Việt Nam, đặc biệt là đồ gỗ xuất khẩu từ Việt Nam được cho là “đội lốt” và có nguồn gốc từ các quốc gia khác như Trung Quốc, sau đó xuất khẩu sang Mỹ. Điều này khiến các doanh nghiệp gỗ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt thuế suất cao nếu bị kết luận vi phạm”, một vị chuyên gia chia sẻ.

Nói như ông Nguyễn Trường Thi, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương: “Từ nhiệm kỳ trước, ông Donald Trump đã áp dụng nhiều biện pháp bảo hộ hàng hóa khi Việt Nam có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, bao gồm việc yêu cầu Việt Nam tăng nhập khẩu từ Mỹ để giảm xuất siêu và điều chỉnh chính sách tỉ giá. Do đó, việc ông Trump đắc cử tổng thống lần này, ngành gỗ Việt Nam có thể tiếp tục đối mặt với những thách thức tương tự nhưng đồng thời cũng có thể tận dụng các cơ hội đầu tư và phát triển mới”.

Ông Frederic Neumann, Kinh tế trưởng Khối Nghiên cứu kinh tế châu Á – Thái Bình Dương Ngân hàng HSBC nhận định, nếu Việt Nam bị coi là cửa ngõ để hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ, chính quyền Mỹ có thể cố gắng ngăn chặn lỗ hổng này và áp thuế lên hàng từ Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp Việt cần chú ý đến các chính sách định giá để tránh vi phạm quy tắc chống bán phá giá của Mỹ đồng thời tránh kinh doanh những sản phẩm bị áp đặt lệnh trừng phạt.

Bên cạnh đó, việc thúc đẩy các hoạt động giao lưu thương mại, tăng tương tác và thắt chặt quan hệ giao thương để hai bên hiểu nhau hơn là biện pháp giảm rủi ro cho Việt Nam trước chính quyền mới.

 
 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img