Thursday, November 14, 2024

Hai “ngã rẽ” của nước Mỹ khi ông Trump có nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai

Liệu nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump sẽ tăng cường tham gia vào vai trò lãnh đạo thế giới hay tiếp tục rút lui khỏi các vai trò quốc tế như nhiệm kỳ trước? – đó là câu hỏi được nhiều nhà lãnh đạo thế giới đặt ra lúc này.

Tám năm trước, ông Donald Trump – một chính trị gia “tay ngang” lần đầu tiên tham gia vào đường đua Tổng thống, đã đắc cử trong sự ngỡ ngàng của các nhà lập pháp và hoạch định chính sách châu Âu. Ông Trump cũng ghi dấu ấn với nhiều quyết định gây tranh cãi trong thời gian tại nhiệm, bao gồm hàng loạt lệnh sa thải các quan chức chính phủ, rút Washington khỏi các tổ chức quốc tế và xây dựng bức tường biên giới cao gần 3m nhằm ngăn chặn nạn nhập cư bất hợp pháp từ Mexico vào Mỹ.

Giới quan sát lập luận, mục tiêu “đặt nước Mỹ lên trên hết” đã trở thành kim chỉ nam của chính quyền Tổng thống Trump, khiến Washington gần như thoái lui khỏi các vị trí lãnh đạo trên trường quốc tế và tập trung phát triển nền kinh tế nội địa. Điều này khiến sự trở lại của ông chủ cũ Nhà Trắng không còn gây sốc nhưng vẫn buộc thế giới phải “nín thở” chờ đợi cách Tổng thống đắc cử sẽ thay đổi tương lai của nước Mỹ ít nhất trong vòng 4 năm tới.

Liệu nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump sẽ tăng cường tham gia vào vai trò lãnh đạo thế giới hay tiếp tục rút lui khỏi các vai trò quốc tế như nhiệm kỳ trước? – đó là câu hỏi được nhiều nhà lãnh đạo thế giới đặt ra lúc này. Nhà sử học kinh tế và chuyên gia bình luận người Anh Niall Ferguson đã so sánh chương trình nghị sự của ông Trump với chính sách đối nội của nước Mỹ dưới thời người tiền nhiệm Ronald Reagan và chỉ ra sự tương đồng.

Nếu ông Trump nổi tiếng với khẩu hiệu “Make America Great Again” (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) thì tên tuổi cựu Tổng thống Reagan gắn liền với câu nói “Peace Through Strength” (Hòa bình thông qua sức mạnh) – được coi là nền tảng cho quá trình hiện đại hóa sức mạnh quân sự Mỹ.

Hai nhiệm kỳ Tổng thống của ông Reagan chứng kiến sự phát triển vượt bậc của sức mạnh Mỹ, khi quy mô của quân đội đã tăng thêm hai sự đoàn và các nhà máy công nghiệp quốc phòng của xứ cờ hoa cho ra đời hàng loạt vũ khí mới. Sáng kiến ​​Phòng thủ Chiến lược hay “Chiến tranh giữa các vì sao” được kỳ vọng là “tấm khiên” vững chắc của nước Mỹ trước mọi cuộc tấn công hạt nhân có khả năng xảy đến, trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh đang đẩy Xô-Mỹ về phía hai cực trong mối quan hệ.

Với ông Trump, thế mạnh điều hành Nhà Trắng nằm ở lĩnh vực kinh tế. Những lời hứa trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống đắc cử tập trung vào hai vấn đề chính: cắt giảm thuế doanh nghiệp từ 21% xuống 15% cho các nhà sản xuất tại Mỹ và áp đặt thuế quan mới đối với hàng nhập khẩu. Chính sách này được kỳ vọng sẽ giúp nền kinh tế Mỹ đạt mức tăng trưởng kỷ lục tương tự thời kỳ trước đại dịch và giải quyết lạm phát leo thang hiện nay, bất chấp những rủi ro về khởi đầu một cuộc “chiến tranh thương mại” mới với Trung Quốc.

Cuộc chạy đua vũ trang dưới thời cựu Tổng thống Reagan và nỗ lực tập trung phát triển nền kinh tế của Tổng thống đắc cử Donald Trump có một điểm chung dễ nhận thấy: tập trung vào lợi ích của riêng nước Mỹ. Ngoài ra, việc ông Trump có quyết định rút lui khỏi các vai trò quốc tế không sẽ phụ thuộc một phần vào lựa chọn nhân sự cho chính quyền mới và không may, những lựa chọn này có tính phân hóa.

Trong khi các chính trị gia giàu kinh nghiệm như cựu cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien và Thượng nghị sĩ Florida Marco Rubio muốn nước Mỹ tham gia nhiều hơn vào các điểm nóng quốc tế, Phó Tổng thống đắc cử JD Vance lại được nhận xét là một chính trị gia theo “chủ nghĩa dân tộc”.

Chánh Văn phòng mới của ông Trump – bà Susie Wiles cũng có vẻ là một người khép kín. Trong đêm tuyên bố chiến thắng của ông Trump, khi được yêu cầu phát biểu trước những người ủng hộ, bà Wiles đã từ chối và nhường sân khấu cho ông Chris LaCivita, cố vấn cấp cao trong chiến dịch tranh cử của ông Trump. Theo giới quan sát, điều này nói lên tính cách “đứng sau hậu trường” của bà Wiles, và sẽ gợi ý cách bà vận hành bộ máy Nhà Trắng trong bốn năm tới như một người đầy quyền lực nhưng thích tránh xa tầm nhìn của công chúng.  

Nếu ông Trump tiếp tục đưa nước Mỹ theo hướng này trong nhiệm kỳ mới, các đồng minh của Mỹ chắc chắn không thể ngồi yên.

Tổng thống Volodymyr Zelensky mới đây đã khéo léo lồng ghép thông điệp “hòa bình thông qua sức mạnh” vào bài tweet chúc mừng chiến thắng của ông Trump ngày 5/11, bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của Mỹ trong thời gian tới. Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson – người từng lên tiếng ủng hộ dự luật viện trợ 60 tỷ USD dành cho Kiev cũng đề cập đến cụm từ này khi xuất hiện tại sự kiện tuyên bố chiến thắng của ông Trump ở Mar-a-Lago (Florida) tối 5/11. Tổng thư ký NATO Mark Rutte thì dành lời ca ngợi phong cách lãnh đạo “mạnh mẽ” của Tổng thống đắc cử Mỹ ngay sau khi có kết quả bỏ phiếu, bởi viễn cảnh Washington quyết định rút lui khỏi NATO sẽ gia tăng áp lực tài chính cho các quốc gia thành viên và làm suy giảm vị thế của chính liên minh quân sự này.

Các đồng minh vẫn đang trông chờ vào Washington với vai trò dẫn dắt. Tuy nhiên, phong cách lãnh đạo nổi tiếng ngẫu hứng của ông chủ mới Nhà Trắng khiến mọi dự đoán về tương lai nước Mỹ trong 4 năm tới đều có những sai số nhất định.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img