Thursday, November 14, 2024

Kể chuyện dòng sông xứ Quảng: Con sông được khắc trên Dụ đỉnh

Sông Vệ (Vệ Giang 衞 江) được tạc hình trên Dụ đỉnh (một trong 9 đỉnh đúc vào thời Minh Mạng, triều Nguyễn) và là hình thể thiên nhiên duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi thể hiện trên Cửu đỉnh.

Ngày nay, khi nhắc đến Quảng Ngãi, người ta liên tưởng đến sông Trà Khúc và núi Thiên Ấn. Song có vẻ từ thế kỷ 19 về trước, ít nhất là dưới thời nhà Nguyễn, lại không hẳn như vậy. Trong Tứ nhân truyện (Ngọa Du Sào văn tập), Nguyễn Thông (1827 – 1884), từng là Bố Chánh Quảng Ngãi, kể về 4 con người sống “nơi hang xa đồng vắng” đã không tiếc thân mình, ra tay cứu giúp khi ông lâm nạn. Kết truyện, ông viết: “Bốn người ấy đã giúp tôi trong cơn nguy khốn mà chẳng muốn nêu rõ tên tuổi; cho nên tôi thuật lại việc làm của họ, truyền trong một đôi người có cùng sở thích, để biết rằng trong khoảng núi Ấn sông Vệ vốn có nhiều bậc kỳ sĩ không thể đánh giá theo bề ngoài” (bản dịch của Cao Tự Thanh và Đoàn Lê Giang).
Kể chuyện dòng sông xứ Quảng: Con sông được khắc trên Dụ đỉnh

Hình ảnh sông Vệ trên Dụ đỉnh (Huế)

Ảnh: Lê Hồng Khánh

Sông Vệ (Vệ Giang 衞 江) được tạc hình trên Dụ đỉnh, mặc dù theo phong cách ước lệ, nhưng cũng cho thấy những nét cơ bản. Theo đó, sông bắt nguồn từ vùng núi rừng phía tây, uốn khúc chảy về đông rồi đổ ra biển. Ở đầu nguồn, bên tả ngạn, có dòng nước hòa vào dòng chính, đó là sông Tô, một hợp lưu của Vệ Giang. Đến trung lưu, bên hữu ngạn có dòng nước rẽ hướng nam, đây chính là sông Thoa, phân lưu của sông Vệ, chảy qua các huyện Mộ Đức, Đức Phổ. Gần cửa biển, bên tả ngạn, có dòng nước theo hướng tây nam – đông bắc, đó là sông Vực Hồng, đưa một phần nước sông Vệ, hòa vào sông Trà Khúc, đổ ra cửa Cổ Lũy.

Sông Vệ có tổng độ dài 90 km, trong đó có khoảng 60 km chảy qua vùng núi đồi. Ở thượng nguồn, dòng sông có tên sông Liên, dài chừng 30 km, khởi từ vùng rừng núi phía tây nam Quảng Ngãi (các xã Ba Nam, Ba Lế), chảy theo hướng tây nam – đông bắc, giáp với các huyện K’Bang (Gia Lai) và An Lão (Bình Định). Đầu nguồn, lòng sông hẹp, rộng dần khi chảy qua địa phận các xã Ba Nam, Ba Lế, Ba Bích, đến gần TT.Ba Tơ hợp với sông Tô, tiếp tục qua các xã Ba Chùa, Ba Thành, Ba Động rồi mang tên sông Vệ khi qua đất H.Nghĩa Hành.

Kể chuyện dòng sông xứ Quảng: Con sông được khắc trên Dụ đỉnh

Lễ Tà reo Bìn me (cúng Cầu mưa) của bà con dân tộc Hrê tại suối Lũng Ồ (plây Gò Ôn, xã Ba Thành, H.Ba Tơ) ngày 15.6.2024

Ảnh: Lê Hồng Khánh

Dòng sông Liên gắn với một sự kiện lịch sử nổi bật trong Cách mạng Việt Nam, đó là Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, ngày 11.3.1945, cuộc khởi nghĩa từng phần thành công đầu tiên trong thời kỳ Tiền Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Quần thể các địa điểm về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 8), bao gồm 11 điểm di tích, trong đó có 2 điểm nằm trên dòng sông Liên, đó là:

Khúc sông Liên (TT.Ba Tơ), phía sau đồn Ba Tơ, nơi các chiến sĩ cách mạng in ấn truyền đơn, tài liệu tuyên truyền trên những chiếc ghe câu.

Bến Buôn (xã Ba Thành), nơi tiếp nhận lương thực, vũ khí do nhân dân miền xuôi quyên góp, chuyên chở bằng đường sông tiếp tế cho Đội du kích Ba Tơ.

Thượng nguồn sông Vệ, vùng Ba Nam, Ba Chùa có rượu cà rỏ, nức tiếng thơm ngon. Plây Teng (xã Ba Thành) có nghề dệt thổ cẩm và các lễ hội của đồng bào Hrê, đặc sắc nhất là lễ Tà reo Bìn me (Cầu mưa). Làng Teng ở H.Ba Tơ, suối Chí ở H.Nghĩa Hành đã trở thành những khu du lịch thu hút khá đông du khách trong và ngoài tỉnh.

Vùng trung du lưu vực sông Vệ có TT.Chợ Chùa, được xem như thủ phủ của miền Nam Trung bộ trong kháng chiến chống Pháp, nơi từng có mặt nhiều tên tuổi lớn của Việt Nam và Đông Dương (Huỳnh Thúc Kháng, Xu Pha Nu Vông, Phạm Văn Đồng…), nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng (Nguyễn Viết Lãm, Trinh Đường, Phạm Hổ, Đường Ngọc Cảnh, Thuận Yến…).

Kể chuyện dòng sông xứ Quảng: Con sông được khắc trên Dụ đỉnh

Cầu sông Vệ, TT.Sông Vệ, H.Tư Nghĩa

Ảnh: Lê Hồng Khánh

Về hạ lưu, xã Đức Tân, H.Mộ Đức có Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng nằm giữa làng Cây Gạo lặng lẽ, hiền hòa, chung quanh là đồng lúa thẳng cánh cò bay. Xa xa, về phía bắc là Văn miếu Mộ Đức, được ông Phó bảng Nguyễn Bá Nghi (1807 – 1870) xướng xuất xây dựng từ giữa thế kỷ 19 để vinh danh những người đỗ đạt trong hạt và trong tỉnh.

Chếch về đông Văn miếu Mộ Đức là mộ Quảng Nham hầu Trần Cẩm – một di tích lịch sử văn hóa quốc gia, nằm giữa cánh đồng Bàu Súng. Người mở đất yên nghỉ trên cánh đồng do chính ông tổ chức khai khẩn.

Cư dân vùng sông Vệ – Mộ Đức vốn có truyền thống làm thủy lợi từ thời kỳ mở đất. Sông Thoa, một chi lưu của sông Vệ ở vùng trung du – đồng bằng chính là con sông đào mà không nhiều người biết.

Đất đai màu mỡ, các công trình thủy nông được vun vén, chăm lo qua nhiều thế hệ là những yếu tố quan trọng khiến đồng bằng sông Vệ được mệnh danh là “vựa lúa” của tỉnh Quảng Ngãi, cho dù lưu vực con sông này chỉ vào khoảng hơn 1/3 lưu vực sông Trà Khúc, con sông lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi. 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img