Viện kiểm sát cho rằng Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) dù có nhiều tình tiết mới như đã nộp khoảng 3.000 tỉ đồng, nhưng không đủ điều kiện được giảm nhẹ án tử hình tội tham ô tài sản.
Theo Viện kiểm sát, bị cáo Trương Mỹ Lan bị TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm vào tháng 4.2024, tuyên phạt mức án tử hình cho 3 tội danh: tội tham ô tài sản (tử hình), tội đưa hối lộ (20 năm tù) và tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (20 năm tù) là đúng người, đúng tội không oan sai cho bị cáo.
Bị cáo được tặng nhiều bằng khen, thừa nhận hành vi phạm tội, tỏ ra ăn năn hối cả, tự nguyện đưa ra phương án khắc phục hậu quả toàn bộ vụ án, bị cáo có nộp thêm tiền tới nay gần 3.000 tỉ đồng…
“Tuy nhiên, với kháng cáo về tội tham ô tài sản và tội đưa hối lộ, bị cáo cùng lúc thực hiện nhiều hành vi đặc biệt nghiêm trọng, dùng thủ đoạn tinh vi để phạm tội. Mặc dù bị cáo có thêm tình tiết giảm nhẹ như trên, nhưng chưa đủ điều kiện giảm nhẹ hình phạt đối với hai tội danh này”, Viện kiểm sát nêu.
Theo Viện kiểm sát, đối với bị cáo Đỗ Thị Nhàn (58 tuổi, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, bị TAND TP.HCM xử phạt tù chung thân về tội nhận hối lộ) là Trưởng đoàn thanh tra tại SCB, bị cáo đã 4 lần nhận tiền của bị cáo Trương Mỹ Lan thông qua bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn. Tổng số tiền bị cáo Nhàn đã nhận là 5,2 triệu USD.
Theo kết quả điều tra, bị cáo đã chỉ đạo cấp dưới đưa ra kết quả thanh tra không khách quan, chính xác, gây thiệt hại 514.000 tỉ đồng, dư nợ gốc là 395.000 tỉ đồng, lãi phát sinh 118.000 tỉ đồng. Do đó, bị cáo Nhàn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với mức hình phạt nghiêm khắc. Hành vi tham nhũng với số tiền đặc biệt lớn, gây hậu quả nghiêm trọng, tạo điều kiện cho bị cáo Trương Mỹ Lan và các bị cáo khác tiếp tục hành vi sai phạm, gây mất an ninh trật tự xã hội, ảnh hưởng lớn đến đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. “Phải xử phạt bị cáo Đỗ Thị Nhàn hình phạt thật nghiêm khắc để răn đe”, Viện kiểm sát nêu.
Cũng theo Viện kiểm sát, tòa án sơ thẩm quy kết bị cáo tội nhận hối lộ, có cân nhắc tăng nặng trách nhiệm hình sự. Hành vi phạm tội này lẽ ra phải áp dụng mức hình phạt cao nhất là tử hình, nhưng do trước sơ thẩm bị cáo đã chủ động nộp lại 2/3 tài sản nên được giảm còn mức án chung thân. Song sau phiên tòa phúc thẩm, xét thấy chưa đủ cơ sở để giảm nhẹ thêm hình phạt nên đề nghị tòa giữ nguyên mức án chung thân.
Trước đó, trong phần xét hỏi, bị cáo Lan không kêu oan, chỉ xin tòa xem xét giảm hình phạt đối với mức án tử hình. Gia đình bị cáo Lan đã nộp hơn 500 tỉ đồng để giúp bị cáo khắc phục hậu quả cho SCB. Đồng thời, bị cáo Lan yêu cầu SCB trả lại 5.000 tỉ đồng mà trước đó bị cáo đưa vào SCB để tăng vốn điều lệ, để bồi thường cho chính ngân hàng này. Bị cáo cũng đề nghị tòa xem xét lại nhiều tài sản bị kê biên để trả lại cho cháu gái là bị cáo Trương Huệ Vân (Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), con gái và mẹ của bị cáo.
Bị cáo còn có khoảng 21.400 tỉ đồng là số tiền mà các cá nhân, tổ chức phải trả cho bị cáo (trong đó có bị cáo Nguyễn Cao Trí, Dương Tấn Trước, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai, Công ty CP T&H Hạ Long và Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh…) và 172 tỉ đồng trong tài khoản phong tỏa để đảm bảo nghĩa vụ cho bị cáo Lan.
Số tiền mà Công ty Hoàng Quân định giá 726/1.166 mã tài sản đảm bảo cùng với tài sản cố định của SCB và các khoản nợ đã bán cho Công ty VAMC là 295.000 tỉ đồng. Như vậy, theo bị cáo tổng cộng số tiền đã khắc phục, nộp lại là hơn 323.000 tỉ đồng.
Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Lan là chủ của hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Bị cáo sở hữu và chi phối hơn 91,5% cổ phần SCB, là người thực tế có quyền lực chỉ đạo, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của SCB; tuyển chọn, bố trí nhân sự chủ chốt tại SCB. Từ đó, trong 10 năm (từ 2011 – 2022), bị cáo Lan đã chỉ đạo các cựu lãnh đạo chủ chốt tại SCB giải ngân cho nhóm bị cáo hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1 triệu tỉ đồng, chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng.
Đến năm 2022, nhóm bị cáo Lan còn 1.284 khoản vay, dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỉ đồng (gần 484.000 tỉ đồng dư nợ gốc, hơn 193.000 tỉ đồng tiền lãi), nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi.
Khi ngân hàng SCB bị thanh tra, bị cáo Trương Mỹ Lan gặp gỡ bàn bạc, trao đổi với bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II), trưởng đoàn thanh tra. Đồng thời, bị cáo Lan chỉ đạo Tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn đưa 5,2 triệu USD hối lộ cho Nhàn.
Ngoài ra, phía SCB còn đưa tiền, quà bồi dưỡng các thành viên trong đoàn thanh tra, cao nhất là 390.000 USD, thấp nhất là 40 triệu đồng. Mục đích là để bưng bít các sai phạm của SCB.
Ngoài bản án trên, hôm 17.10, bị cáo Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm còn bị TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm xảy ra tại Tập Đoàn Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2.
Tòa phạt bị cáo Lan tổng hợp hình phạt chung là tù chung thân về 3 tội danh: tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (tù chung thân); tội rửa tiền (12 năm tù); tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới (8 năm tù).
Tòa buộc bị cáo Lan bồi thường toàn bộ hơn 30.800 tỉ đồng cho hơn 35.800 người bị hại. Lý do là bị cáo Lan và 33 đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 30.000 tỉ đồng của trái chủ, rửa tiền hơn 445.000 tỉ đồng, và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới khoảng 106.730 tỉ đồng.
Nguồn: thanhnien.vn