Saturday, November 16, 2024

Định hướng ôn tập từ đề thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM

Từ cấu trúc và đề thi mẫu kỳ thi đánh giá năng lực mà ĐH Quốc gia TP.HCM vừa công bố, giáo viên đưa ra những định hướng cho học sinh để có thể đáp ứng được yêu cầu kiến thức cũng như kỹ năng của đề thi này.

ÔN TẬP THEO 3 GIAI ĐOẠN

Giáo viên (GV) Trần Tuấn Anh, Trường THPT Thủ Đức (TP.Thủ Đức, TP.HCM), cho hay cấu trúc đề thi đánh giá năng lực (ĐGNL) gồm 120 câu, với các môn tiếng Việt, tiếng Anh, toán học chiếm tỷ lệ về số câu lớn nhất (với 30 câu môn tiếng Việt, 30 câu môn tiếng Anh, 30 câu môn toán học). Do đó dễ dàng nhận thấy lợi thế đối với học sinh (HS) học theo tổ hợp toán, ngữ văn, tiếng Anh (chiếm 75% điểm của bài thi).

Định hướng ôn tập từ đề thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM

Học sinh lớp 12 đã tiếp cận với các đề thi minh họa thi tốt nghiệp THPT, đánh giá năng lực… để có kế hoạch ôn thi phù hợp

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Những HS có định hướng tổ hợp môn từ các môn tự nhiên có vẻ bất lợi hơn khi số câu hỏi liên quan các môn tự nhiên (toán, vật lý, hóa học, sinh học) chiếm từ 40 tới 48 câu trong tổng số 120 câu. Trong đó, môn toán với yêu cầu chủ yếu là thông hiểu và là môn chính chung của nhiều tổ hợp môn khác nhau lại không phải là trở ngại với HS nói chung (kể cả HS học theo ban xã hội). Còn những HS học theo các tổ hợp môn khác nhau mà học tốt môn tiếng Anh là một lợi thế.

Riêng về nội dung yêu cầu của phần toán học, thầy Tuấn Anh cho hay chứa hầu hết các đơn vị kiến thức từ lớp 10 tới lớp 12. Tuy nhiên, các câu hỏi chủ yếu ở mức thông hiểu và vận dụng; câu khó có khoảng vài câu. Để đạt được nhiều điểm phần này, HS cần ôn tập hầu hết các nội dung toán bậc THPT (khá rộng). Tuy nhiên, chỉ nên ôn tập với mức yêu cầu kiến thức thông hiểu và vận dụng là chính.

Thầy Trần Tuấn Anh hướng dẫn thêm, để tối đa điểm thi, HS nên ôn tập kỹ phần 1 và phần 2 của đề thi vì 2 phần này chiếm 50 câu. Nên phân chia thời gian ôn tập theo 3 giai đoạn: Giai đoạn một là ôn tập kiến thức, làm các bài dễ mà mình làm được để nhớ lại kiến thức; giai đoạn hai luyện giải đề ôn tập; giai đoạn ba kiểm tra lại những phần, bài mình chưa làm được hay làm sai. HS cần rèn luyện kỹ năng đọc hiểu, đọc nhanh mà vẫn nắm được nội dung, yêu cần câu hỏi. Bên cạnh đó, GV cũng cần dạy thêm một số kiến thức về logic và nhắc lại các kiến thức về phân tích số liệu…

TÍCH HỢP NHIỀU KIẾN THỨC LIÊN MÔN

Còn thầy Trần Văn Toàn, nguyên tổ trưởng tổ toán Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM), thống kê trong đề minh họa, từ câu 61 – 90 yêu cầu liên quan tới kiến thức toán học thuần túy trải đều chương trình 3 khối lớp. Từ câu 91 – 120 thuộc phần tư duy khoa học, phân tích dữ liệu, logic và các bài toán ứng dụng khoa học tự nhiên. Tích hợp nhiều kiến thức liên môn vật lý, hóa học, sinh học, kinh tế và kiến thức xã hội.

Vì vậy, theo thầy Toàn, để có sự chuẩn bị tốt nhất cho đề thi dạng này, GV cùng HS rà soát tất cả các kiến thức cơ bản của chương trình THPT để giải quyết 30 câu đầu tiên trong thời gian ngắn nhất có thể. Ngoài kiến thức toán học cần phải tích hợp nhiều kiến thức liên môn, hiểu rõ các định luật vật lý, hóa học, sinh học và các vấn đề liên quan đến kinh tế, xã hội… Tăng cường kỹ năng đọc đề, đọc bảng, đọc đồ thị để trả lời chính xác các câu hỏi thuộc dạng phân tích số liệu.

HỌC HÀI HÒA TẤT CẢ CÁC MÔN CẤP THPT

Cũng từ những thông tin công bố về bài thi ĐGNL năm 2025 của ĐH Quốc gia TP.HCM, thầy Phạm Lê Thanh, Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11, TP.HCM), lưu ý HS phải học hài hòa tất cả các môn học cấp THPT, tự bản thân trang bị những kỹ năng đọc hiểu và tư duy logic, nhạy bén với các vấn đề mang tính thời sự, khoa học, thực tiễn cuộc sống thông qua thói quen khi học phải phân tích các vấn đề khoa học, công nghệ, và xã hội qua các tài liệu và bài tập thực tế. Các câu hỏi không còn chỉ yêu cầu ghi nhớ kiến thức mà cần áp dụng vào thực tiễn.

Định hướng ôn tập từ đề thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM

Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2024

ẢNH: NHẬT THỊNH

Theo thầy Thanh, các phần tư duy logic trong đề thi yêu cầu HS có kỹ năng suy luận và phân tích. HS nên luyện tập qua các bài toán đố vui, câu hỏi suy luận, và các hoạt động phát triển trí thông minh logic. Tăng cường tính tự chủ và tự học, tự nghiên cứu theo nhiều lĩnh vực như công nghệ, kinh tế và xã hội nhằm xây dựng vốn kiến thức nền đa dạng. HS cần luyện tập để quản lý thời gian làm bài hiệu quả, đảm bảo hoàn thành các phần của bài thi.

“Điều quan trọng là cả GV và HS đều phải linh hoạt trong việc cập nhật và áp dụng các phương pháp học tập hiệu quả, để đảm bảo thích nghi tốt với yêu cầu mới của kỳ thi ĐGNL từ năm 2025. Thay vì chỉ dạy lý thuyết, GV cần hướng HS vào các hoạt động phát triển tư duy logic. Tăng cường dạy kỹ năng đọc hiểu và ngôn ngữ vì phần ngôn ngữ trong bài thi sẽ có nhiều câu hỏi hơn. Soạn đề kiểm tra theo chuẩn quốc tế để HS quen với dạng câu hỏi và mức độ phân hóa của bài thi”, thầy Phạm Lê Thanh chia sẻ.

Là một trong những trường hầu như 100% HS tham dự kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TP.HCM từ nhiều năm qua, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), cho hay nhà trường sẽ lên kế hoạch chuẩn bị cho HS. Trước hết, tổ chuyên môn họp lại để GV cùng phân tích kỹ cấu trúc đề thi mới, sau đó chia sẻ thông tin cấu trúc đề thi mới cho HS và phụ huynh, giúp nắm rõ các phần nội dung cần chuẩn bị. Dựa vào cấu trúc đề thi, GV sẽ điều chỉnh chương trình dạy học phù hợp.

Ông Phú cũng cho biết sẽ có kế hoạch, mời các chuyên gia hoặc GV có kinh nghiệm về kỳ thi ĐGNL đến chia sẻ, hướng dẫn cho HS. Tập trung rèn luyện các kỹ năng tư duy, giải quyết vấn đề, đọc hiểu nhanh, vì đây là những phần quan trọng trong bài thi ĐGNL.

Đề thi đánh giá năng lực mới khiến HS thấy bất công ?

Lo lắng về tính công bằng nhưng không vì thế mà mất động lực là cảm nhận chung của không ít thí sinh (TS) sau khi ĐH Quốc gia TP.HCM công bố cấu trúc mới ở đề thi ĐGNL năm 2025.

Phạm Minh Dũng, HS lớp 12 Trường THPT Phan Bội Châu (Gia Lai), nhận định đề thi ĐGNL cấu trúc mới giúp các bạn khối D có “lợi thế lớn”, bởi cả 3 phần thi toán, tiếng Việt, tiếng Anh đều tăng số lượng câu hỏi, tổng cộng chiếm 3/4 nội dung đề (90 trong tổng số 120 câu). Chưa kể, câu hỏi về tư duy logic, phân tích số liệu cũng liên quan đến môn toán.

Ngoài ra, theo Dũng, cấu trúc mới tạo thuận lợi nhiều hơn cho những bạn thiên về các môn khoa học xã hội. Tuy nhiên, Dũng cũng nói sự thay đổi trong cấu trúc không ảnh hưởng quá nhiều tới em vì nam sinh đã chọn học hết tất cả các môn ngay từ đầu hè năm nay.

Mặt khác, Nguyễn Văn Chính, TS tự do hiện học ở một trường ĐH tư thục tại TP.HCM, cho rằng đề ĐGNL mới gây bất lợi cho nhiều TS tự do. Ví dụ ở môn hóa, đề ĐGNL mới ghi tên các chất bằng tiếng Anh, buộc anh phải tìm hiểu lại từ đầu. Hay ở môn tiếng Việt, Chính cũng chưa quen với việc đề chỉ ra những tác phẩm ngoài sách giáo khoa và yêu cầu phải phân tích.

“Tuy nhiên, tôi thấy có một điểm tích cực là các câu khoa học nhẹ nhàng hơn chứ không khó chẳng làm nổi như xưa”, Chính phân tích.

Nguyễn Hoàng Gia Bảo, HS lớp 12 Trường THPT Thanh Đa (TP.HCM), cho biết dù chọn học tổ hợp toán – hóa – sinh, song Bảo không lo lắng với cấu trúc mới của đề ĐGNL , bởi em luôn học dàn trải và đặt mục tiêu học tập từ sớm, ngay khi vừa kết thúc năm lớp 11.

Cũng không lo lắng nhiều về cấu trúc mới, Đồng Minh Khánh, HS lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM), cho hay việc đề tăng số câu hỏi ở phần ngôn ngữ và toán cùng với việc thi cả 11 môn “sốc nhưng không bất ngờ” vì em đã dự đoán điều này từ trước. “Em thấy cấu trúc mới khá hợp lý vì mục đích của bài thi là đánh giá toàn diện khả năng giải quyết vấn đề và tư duy của người học. Vì thế, nếu chọn tổ hợp sẽ gây mất cân xứng điểm thi và khó xét tuyển ĐH vì không khác gì kỳ thi tốt nghiệp THPT, khiến TS áp lực ở việc chọn môn tự chọn”, Khánh nhận xét.

Ngọc Long

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img