VTV.vn – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng các tổ chức tín dụng đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bơm mạnh nguồn vốn thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhiều gói tín dụng ưu đãi cho vựa nông sản Đồng bằng sông Cửu Long
Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng các tổ chức tín dụng đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bơm mạnh nguồn vốn thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt là vào hai tháng cuối năm, nhu cầu vốn của bà con nông dân và các doanh nghiệp nông sản trong vùng tăng mạnh.
Để chuẩn bị cho vụ lúa mới, anh Thanh cùng nhiều hội viên Hội Nông dân tỉnh An Giang tìm đến ngân hàng này vay vốn. Anh khá vui vì chỉ trong buổi sáng đã nhận được tiền vay mà không phải thế chấp tài sản.
Anh Nguyễn Văn Thanh – Xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, An Giang cho biết: “Tôi vay 40 triệu, thủ tục rất thuận lợi, chỉ cần căn cước công dân là ngân hàng làm thủ tục cho vay”.
Ông Lê Hữu Đức – Giám đốc Kienlongbank An Giang cho biết: “Phối hợp với Hội Nông dân, triển khai đối với hội viên, mức cho vay tối thiểu là 20 triệu và tối đa là 100 triệu và hoàn toàn là tín chấp, không có tài sản đảm bảo. Thời gian cho vay linh động, từ trên 13 tháng đến 60 tháng, mục đích vay vốn để sản xuất nông nghiệp”.
Ngoài gói ưu đãi cho vay tín chấp, tại Đồng bằng sông Cửu Long, các tổ chức tín dụng còn bơm thêm từ 300 – 2.000 tỷ đồng phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh cuối năm. Cùng với đó, các đơn vị còn tích cực khoanh giãn nợ, giảm lãi vay và tăng hạn mức.
Bà Đoàn Thị Mỹ Lan – Phó Giám đốc Vietinbank An Giang nêu ý kiến: “Đối với hai tháng cuối năm, tại chi nhánh đang có kế hoạch cố gắng tăng trưởng ở mức tối thiểu là 300 tỷ. Trong đó, tập trung vốn cho phân khúc khách hàng doanh nghiệp 50%, 150 tỷ đồng và phân khúc khách hàng cá nhân”.
Ông Võ Minh Dũng – Giám đốc BIDV Long An nhận định: “Chính sách để giảm lãi suất từ 1-2% đối với khách hàng hiện hữu để giúp cho khách hàng giảm bớt áp lực tài chính, có điều kiện khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh”.
Thủ tướng Chính phủ cũng vừa chỉ đạo tiếp tục tăng gói cho vay nông – lâm – thủy sản lên mức 60.000 tỷ đồng, tức gấp 4 lần so với hiện nay. Với hạn mức này cùng nhiều gói vay ưu đãi khác sẽ là nguồn lực dồi dào, thúc đẩy có hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo tiếp tục tăng gói cho vay nông – lâm – thủy sản lên mức 60.000 tỷ đồng
Hiệu quả từ tăng trưởng tín dụng
Ba quý của năm 2024, tổng dư nợ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 8% so với cuối năm 2023. Đây là khu vực có tín dụng tăng trưởng khá tốt so với cả nước. Khi nguồn vốn bơm mạnh, bà con nông dân và các doanh nghiệp tại vựa nông sản tiếp cận kịp thời đã phát huy được hiệu quả, tạo sự chuyển động tích cực cho nền kinh tế.
Mỗi ngày, nhà máy của ông Bình chế biến khoảng 1.000 tấn gạo. Nhờ làm ăn uy tín, được vay vốn kịp thời, nên ông có đủ điều kiện thu mua lúa và ký hợp đồng xuất khẩu gạo quanh năm.
Ông Phạm Thái Bình – Chủ tịch Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết: “Đặc biệt nhất là thời gian vừa qua, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của Ngân hàng Nhà nước, hiện nay, tiếp cận vốn của các doanh nghiệp trong ngành hàng lúa gạo đã được cải thiện”.
Nhờ tiếp cận nguồn vốn dồi dào và kịp thời nên hoạt động sản xuất của các nhà máy nông sản ở Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra khá sôi động. Điều này tiếp tục khẳng định hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, các tổ chức tín dụng về việc bơm mạnh nguồn vốn để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong hơn 1 triệu tỷ đồng tổng dư nợ tại Đồng bằng sông Cửu Long ba quý vừa qua, lĩnh vực nông nghiệp chiếm tới 54%. Để khai thác hiệu quả nguồn vốn, các tổ chức tín dụng tăng cường đi tìm kiếm khách hàng thay vì chờ khách hàng tìm đến.
Ông Nguyễn Chí Linh – Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long chia sẻ: “Tư vấn, hướng dẫn cho các khách hàng để đảm bảo không có doanh nghiệp có nhu cầu phát triển chính đáng, hợp pháp mà lại vướng mắc, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng”.
Ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận định: “Kết nối giữa ngân hàng doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp để cùng ngồi với nhau tìm ra những khó khăn, chia sẻ những khó khăn và giải quyết tận gốc những khó khăn của các doanh nghiệp, nhất là các dự án lớn”.
10 tháng qua, xuất khẩu hàng hóa vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt khoảng 23 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, giá trị xuất siêu đạt hơn 12 tỷ USD. Ngoài những cố gắng của nông dân, doanh nghiệp, có được kết quả này phải kể đến nỗ lực của các tổ chức tín dụng trong việc bơm mạnh nguồn vốn thúc đẩy tăng trưởng chung cho nền kinh tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!