Sông Vực Hồng là một chi lưu của sông Phước Giang, lấy nước từ đập Tân Quang (xã Nghĩa Hà, H.Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) đổ qua thị tứ Thu Xà (nay thuộc xã Nghĩa Phú) lừng lững qua những căn nhà rêu phong mặt phố trước khi hợp nước cùng sông Vệ, thoát ra cửa Lở để về với biển.
Ở đó, một thời không xa lắm là phố cổ Thu Xà, gắn với ký ức về những người khách trú tận miền Nam Trung Hoa tha phương, lưu lạc, đời nối đời gắn bó cùng người Việt để làm nên một vùng quê dung hợp tinh hoa văn hóa Việt – Hoa.
Thu Xà vốn có tên Tiên Sà, một vạn chài của người Việt, thường gọi là xóm Vạn. Từ khi người Minh Hương bắt đầu xây dựng những ngôi nhà liên tiếp nhau có móng bằng đá ong, mái lợp ngói âm dương, nằm trên địa giới vạn Tiên Sà và làng Hà Khê, dân quanh vùng gọi đó là Thu Xà, để phân biệt với khu xóm làng của người Việt vốn đã hình thành từ trước đó rất lâu. Đến năm 1932, người Pháp thành lập đô thị cũng gọi là Thu Xa (Thu Xà). Thế nhưng, người Hoa lại gọi nơi cư trú của chính họ là Tân An Phố (Phố mới an bình), thể hiện mong ước cuộc sống thanh bình ở nơi mà họ vừa cho thuyền cập bến sau bao ngày xa quê, lênh đênh trên biển cả.
Đô thị Thu Xà nằm ở một vị trí rất đặc biệt về mặt địa lý: Phía nam giáp sông Vực Hồng, phía đông bắc, cách khoảng 1 km là cửa Cổ Lũy (cửa Đại, cửa Đại Cổ Lũy) là nơi sông Trà Khúc đổ ra biển, rất thuận tiện cho giao thông. Lợi thế đó góp phần đáng kể giúp Thu Xà trở thành thương cảng thịnh vượng trong vùng qua việc mở rộng giao thương với bên ngoài, đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế và giao lưu văn hóa của tỉnh Quảng Ngãi thời cận đại.
Trong chuyến tuần du miền Trung tháng 1 – 2.1933, vua Bảo Đại đã đến Thu Xà. Tháp tùng nhà vua có Đại thần Nguyễn Hữu Bài, Khâm sứ Trung kỳ Yves Chatel. Nhân dịp này, tuần phủ Quảng Ngãi là Nguyễn Bá Trác đã dâng lên nhà vua tập Quảng Ngãi tỉnh chí do ông chủ trương biên soạn, về sau in thành từng kỳ trên Nam Phong tạp chí. Quảng Ngãi tỉnh chí mô tả phố Thu Xà như sau: “Xưa nay sự buôn bán rất thịnh lợi là thành phố Thu Xà vì món đại tôn xuất cảng ở Quảng Ngãi là đường, bạn hàng buôn đường là bọn khách trú, lại ở tại Thu Xà phần nhiều nhà buôn là khách trú cả”.
Lững lờ trôi mặc thế sự thăng trầm
Người Việt bản địa và người Hoa lưu dân ở Thu Xà sống cùng nhau trên bờ sông Vực Hồng qua nhiều thế hệ, không chỉ xây dựng nên một thương cảng sầm uất, hình thành nhiều nghề thủ công độc đáo (đan chiếu cói, làm kẹo gương, đường phèn, nhang trầm…) mà còn tạo nên một vùng văn hóa dung hợp, phóng khoáng đậm chất hải hồ.
Do điều kiện về khí hậu thời tiết ở Quảng Ngãi và Biển Đông, mỗi năm các thương gia chỉ buôn bán sáu tháng. Sáu tháng còn lại họ nghỉ ngơi, cùng với người Việt tham gia sinh hoạt tinh thần (cúng bái, vui chơi, giải trí…). Thời gian này, ngoài những gánh hát nổi tiếng rước từ trong Nam ra, người ta còn thuê bao các gánh hát, đoàn xiếc từ Hương Cảng hay Quảng Đông sang trình diễn. Nhờ vậy mà khách bốn phương kéo về Thu Xà ngày một đông đảo hơn.
Trong số các trò vui chơi, giải trí có hai trò gắn với sông Vực Hồng là hội đua thuyền và thả hoa đăng. Hội đua thuyền đã mất hẳn trong những năm tháng chiến tranh, nhưng hội hoa đăng (thả đèn) vào ngày rằm tháng bảy ở lễ hội Dinh Bà bên bờ sông Vực Hồng thì vẫn còn cho đến ngày nay. Cả một khúc sông Vực Hồng trước Dinh Bà sáng rực ánh đèn.
Chùa Ông Thu Xà là một trong số những dấu tích hiếm hoi của phố cổ Thu Xà hiện còn tồn tại, sau những tàn phá do thiên nhiên và con người gây ra và đã được xếp hạng di tích quốc gia.
Phố Thu Xà – sông Vực Hồng cũng là quê hương nhiều văn nghệ sĩ, nhà báo nổi tiếng. Nhạc sư Trần Cang tức Trần Quang Cang, là tay vĩ cầm từng được các nhạc sĩ trứ danh ở Pháp ca tụng. Về văn chương, có các nhà thơ Bích Khê, Trúc Nam, Mộng Đài, Tùng Khê… Hoạt động báo chí có những tên tuổi uy tín như Lạc Nhân, Lê Ngọc Sương, Thinh Quang…
Mộng Đài (Trần Dũ Lương) có nhiều bài viết về sông Vực (Vực Hồng, Hồng Giang), xóm Vạn (vạn chài Thu Xà) nặng tình hoài cổ và man mác buồn, phảng phất đâu đó không gian tàn tạ của khu phố cổ từng sầm uất một thời:
Ai có về chơi chiều xóm Vạn
Nhớ trông khói xám ấp mây vàng
Hương cau thơm phức bên bờ giếng
Hàng liễu bơ phờ rũ lá xanh…
(Chiều xóm Vạn – Mộng Đài)
Vào thập niên 40 của thế kỷ trước, Thu Xà bắt đầu quá trình suy vi, mất dần vai trò kinh tế – thương mại, phố xá trở nên hiu hắt:
Nơi đây thành phố đời ngưng mạch
Mấy nàng lai khách vẫn buồn mơ
Đường lên hội quán sương khuya xuống
Đâu mấy chàng trai dõi nhớ hờ?
(Làng em – Bích Khê)
Năm 1972, phố cổ Thu Xà xảy ra một biến cố, khắc đậm vết hằn trong tâm khảm bao thế hệ người dân Hoa Việt từng sinh sống ở nơi này: Toàn bộ khu phố cổ bị quân đội Mỹ cho xe ủi san bằng.
Tháng năm lặng lẽ trôi. Chỉ có dòng sông Vực Hồng thì vẫn điềm nhiên, ngày đêm miệt mài trôi về với biển. (còn tiếp)
Nguồn: thanhnien.vn