Hiện nay, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tại Đồng Nai đang có chiều hướng tăng cao và ghi nhận nhiều trường hợp nặng phải nhập viện điều trị.
Số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao so với cùng kỳ năm 2023
Tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, vài tuần trở lại đây, đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết có dấu hiệu nặng phải nhập viện theo dõi, điều trị. Theo đó, có ngày khoa tiếp nhận từ 10 đến 20 ca sốt xuất huyết, trong đó hơn 50% là bệnh nhân sốt xuất huyết tiểu cầu thấp, vào sốc, được xử lý ổn định.
Đơn cử trường hợp anh N.V.M. (ngụ xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc), đang đi làm tự nhiên anh cảm thấy người ớn lạnh, hết lạnh nóng toát mồ hôi. Mấy ngày sau đó, anh mệt hơn, không ăn uống được nên mới vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh kiểm tra thì mới biết mình bị sốt xuất huyết phải nhập viện theo dõi.
Bác sĩ Hoàng Thị Phương Trúc – Trưởng Khoa Truyền nhiễm cho hay, thường bệnh nhân khi vào viện bệnh đã nặng, mệt, không ăn uống được, vã mồ hôi nhiều, chi lạnh, mạch khó bắt… Hiện, khoa có khoảng 60-70 bệnh nhân đang nằm điều trị, thì có đến 45 bệnh nhân là sốt xuất huyết, trong đó khoảng 25 bệnh sốt xuất huyết nặng.
Còn tại Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, có thời điểm khoa tiếp nhận khoảng 2 đến 5 trẻ sốt xuất huyết nặng hoặc có dấu hiệu chuyển nặng mỗi tuần. So với năm 2023, số lượng bệnh nhi phải nằm điều trị do sốt xuất huyết nặng tại đây có giảm nhiều. Tuy nhiên, khoa vẫn ghi nhận các ca bệnh nặng phải thở máy, vào sốc. Hiện các trẻ sốt xuất huyết nặng, tổn thương cơ quan cũng đang được theo dõi điều trị tại khoa.
Theo báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC Đồng Nai), cộng dồn số ca mắc từ đầu năm đến nay là 6.233 ca, tăng 36,57% so với cùng kỳ năm 2023 (4.564 ca). Phát hiện 1.445 ổ dịch (OD), tăng 51,47% so với cùng kỳ (954 OD). Ghi nhận 1 ca tử vong, giảm 4 ca so với cùng kỳ (5 ca).
Lý giải nguyên nhân số ca mắc sốt xuất huyết tăng, BSCKI. Phan Văn Phúc – Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm CDC Đồng Nai cho hay, số ca mắc sốt xuất huyết tăng do các địa phương tập trung đông dân cư, các khu công nghiệp. Một vấn đề nữa là người dân đã tích cực và có ý thức cao trong việc diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường, tuy nhiên, các hoạt động này vẫn chưa được thực hiện thường xuyên và triệt để…
Từ đầu năm đến nay, những địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao là huyện Xuân Lộc 1.272 ca, TP Biên Hòa hơn 1.000 ca, Cẩm Mỹ 932 ca, TP Long Khánh 501 ca, Tân Phú 438 ca… Trước diễn biến phức tạp của bệnh sốt xuất huyết, nhiều địa phương trong tỉnh đã chủ động, tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực để phòng bệnh.
Cụ thể tại huyện Tân Phú, tính từ đầu năm đến ngày 3/11, trên địa bàn huyện ghi nhận 438 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 166 ca so với cùng kỳ năm 2023, phát hiện và xử lý 151 ổ dịch, tăng 79 ổ dịch so với cùng kỳ. Số ca mắc ghi nhận tăng mạnh từ tuần 20 trở đi, điển hình từ tuần 32 đến tuần 33 (5-18/8) ghi nhận 52 ca mắc. Các xã có số ca mắc tăng cao là thị trấn Tân Phú, xã Phú Xuân, Phú Lâm, Trà Cổ và Tà Lài.
Trước tình hình đó, Trung tâm Y tế huyện Tân Phú đã triển khai nhiều hoạt động hạn chế các ca mắc. Anh Hoàng Thái Linh, chuyên trách sốt xuất huyết, Trung tâm Y tế huyện Tân Phú cho biết, trung tâm đã chỉ đạo các xã, thị trấn cùng các tổ chức đoàn thể tại địa phương phối hợp với ngành Y tế tham gia công tác phòng, chống sốt xuất huyết. Đặc biệt, tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, tổ chức diệt lăng quăng hằng tuần, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi diện rộng và phun hóa chất diệt muỗi triệt để. Song song đó, thường xuyên giám sát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện để kịp thời xử lý những vướng mắc, khó khăn. Phát hiện, xử lý các ổ dịch nhỏ dứt điểm, đúng quy trình, đúng thời gian, khống chế không để dịch kéo dài bùng phát lây lan sang các địa bàn khác. Tăng cường huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội phát động và duy trì thường xuyên phong trào vệ sinh môi trường phòng chống sốt xuất huyết hằng tuần. Phối hợp với các trường học trên địa bàn, vào sáng thứ 2 chào cờ đầu tuần tổ chức truyền thông giáo dục cho các em học sinh cấp 1, 2 về các kỹ năng diệt lăng quăng. Tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng tại xung quanh trường và tại nhà. Sau đó, các em học sinh ghi kết quả và báo cáo lại cho giáo viên chủ nhiệm. Bên cạnh đó, khi phát hiện học sinh mắc sốt xuất huyết, nhân viên y tế các trường phải kịp thời báo cho các trạm y tế xã, thị trấn để xử lý kịp thời. Cơ quan y tế cũng tổ chức tuyên truyền cho các công đoàn viên, đặc biệt là đoàn viên công đoàn trong các khu công nghiệp về diệt muỗi, diệt lăng quăng để phòng bệnh. Huy động, vận động đoàn viên, tích cực tham gia các hoạt động giữ vệ sinh nơi ở và nơi làm việc…
Theo bác sĩ Phan Văn Phúc, sau khi ghi nhận các địa phương có số mắc cao, trung tâm đã cử các cán bộ xuống hỗ trợ điều tra, giám sát, phun hóa chất… Đồng thời, tìm hiểu các nguyên nhân để có biện pháp xử lý, tránh lây lan trong cộng đồng.
“Để hạn chế tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết, ngoài khuyến cáo của ngành Y tế và các biện pháp triển khai của các trạm y tế, trung tâm y tế thì việc chủ động, phòng bệnh từ người dân là rất quan trọng. Do đó, người dân cần tích cực và nâng cao hơn nữa ý thức trong việc dọn dẹp vệ sinh nhà ở và môi trường xung quanh. Mắc mùng khi đi ngủ tránh bị muỗi chích, khi có các dấu hiệu nghi ngờ sốt xuất huyết nên đến các cơ sở y tế thăm khám, để được chẩn đoán và điều trị kịp thời” – bác sĩ Phúc nói.
Nguồn: vtv.vn