Monday, November 18, 2024

Học theo dự án liên môn, học sinh sáng tác nhạc rap về chất độc màu da cam

Đó là tiết mục “Dioxin” của học sinh 12A7 Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3) tại buổi báo cáo chuyên đề “1775 – Khát vọng thống nhất”, dự án liên môn giúp học sinh tìm hiểu cuộc kháng chiến chống Mỹ từ góc nhìn lịch sử, hóa học, sinh học và GDQP.

Học theo dự án liên môn, học sinh sáng tác nhạc rap về chất độc màu da cam

Từ trái qua: Minh Khôi, Tấn Kiệt, Minh Duy, Gia Bình và Đại Lộc, học sinh 12A7 Trường THPT Lê Quý Đôn là tác giả của bài nhạc rap “Dioxin” ấn tượng

ẢNH: UYÊN PHƯƠNG LÊ

Học lịch sử qua lăng kính mới

Sau gần 2 tháng chuẩn bị, lễ báo cáo dự án “1775 – Khát vọng thống nhất” diễn ra tại Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) vào ngày 16.11 với sự tham gia của học sinh 8 trường THPT trong quận 1, quận 3. Buổi báo cáo có các sản phẩm sáng tạo như mô hình, tranh vẽ, tiết mục sân khấu hóa… tái hiện sống động toàn cảnh cuộc chiến chống Mỹ.

Lê Ngọc Uyên Phương, học sinh lớp 11A3 Trường THPT Ernst Thälmann (Q.1), cho biết việc phân tích cấu trúc các chất độc hóa học giúp em có cái nhìn toàn diện về các sự kiện lịch sử. “Trước đây, em chỉ biết chất độc da cam gây hại cho đồng bào, nhưng khi nghiên cứu dưới góc độ hóa sinh, em hiểu rõ cấu trúc, phản ứng của các chất, vì sao nó để lại di chứng nặng nề cho thế hệ sau, từ đó càng thêm biết ơn sự hy sinh của ông cha ngày trước”, nữ sinh chia sẻ.

Học theo dự án liên môn, học sinh sáng tác nhạc rap về chất độc màu da cam

Uyên Phương bên mô hình trưng bày về vũ khí hóa học sau hơn 1 tháng nghiên cứu và chuẩn bị

ẢNH: UYÊN PHƯƠNG LÊ

Theo Nguyễn Ngọc Bảo Hoàng, học sinh lớp 12A6 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3), học lịch sử bằng chuyên đề giúp em chủ động hơn trong việc tiếp cận và xử lý kiến thức: “Thay vì học thuộc lòng, em tự tìm hiểu các sự kiện, chắt lọc thông tin và trình bày bài học bằng poster, mô hình, tranh ảnh. Những hoạt động thế này còn giúp em phát triển khả năng làm việc nhóm và tư duy sáng tạo”.

Nhận xét về sự kết hợp sử, sinh, hóa, cô Nguyễn Thị Tố Vân, tổ trưởng sinh học Trường THPT Lê Quý Đôn cho rằng cách học liên môn giúp học sinh nhận thức rõ hơn về tác động của vũ khí hóa học trong chiến tranh.

“Qua nghiên cứu cấu trúc hóa học và hoạt tính sinh học, các em hiểu sâu hơn về các trường hợp khuyết tật, suy giảm sức sống và khả năng sinh sản do biến đổi gen dưới tác động của chất độc dioxin. Nhờ đó, các em biết rung cảm trước nỗi đau đồng bào và thêm yêu quê hương, đất nước”, cô Vân chia sẻ.

Học theo dự án liên môn, học sinh sáng tác nhạc rap về chất độc màu da cam

Mô hình sinh học lý giải đột biến cấu trúc nhiễm sắc thể của hội chứng Turner do học sinh 12A14 THPT Lê Quý Đôn thực hiện

ẢNH: UYÊN PHƯƠNG LÊ

Không chỉ dạy và học một chiều

Chia sẻ với Thanh Niên, thầy Nguyễn Văn Gia Thụy, phó hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn đánh giá việc tích hợp liên môn phù hợp với xu thế hiện đại. “Thay vì cách dạy truyền thống là thầy cô giảng giải và học sinh lắng nghe thì các em tự nghiên cứu, tìm hiểu và trình bày lại cho thầy cô. Đây là cách học theo đúng định hướng của Chương trình GDPT 2018”, thầy Thụy nhận xét.

Thầy phó hiệu trưởng cho biết thêm, phương pháp học này không chỉ giúp các em nắm vững kiến thức mà còn rèn luyện kỹ năng trình bày qua việc dựng mô hình, thiết kế poster, sáng tác nhạc, trình diễn sân khấu… vốn là những kỹ năng thiết yếu trong thời buổi hiện nay.

Học theo dự án liên môn, học sinh sáng tác nhạc rap về chất độc màu da cam

Sa bàn tái hiện sự kiện xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập do học sinh THPT Nguyễn Thị Diệu (Q.3) thực hiện

ẢNH: UYÊN PHƯƠNG LÊ

Cô Nguyễn Thanh Quyên, giáo viên hóa Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm (Q.3) cũng cho rằng dự án liên môn giúp học sinh phát triển năng lực theo đúng định hướng chương trình mới. “Khi học sinh tự chủ động tiếp cận kiến thức, còn giáo viên chỉ đóng vai trò hỗ trợ, các em sẽ phát triển khả năng tư duy độc lập, sáng tạo với những kỹ năng mềm như làm việc nhóm, thuyết trình”, theo cô Quyên.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img