Friday, November 22, 2024

“Thư viện trên bản” lan tỏa văn hóa đọc sách tới học sinh vùng cao

“Thư viện trên bản” được xây dựng để giúp các em nhỏ tại huyện Quản Bạ, Hà Giang tiếp cận với nguồn kiến thức phong phú, phát triển tư duy và kỹ năng ngôn ngữ, lan tỏa văn hóa đọc.

Trong những năm gần đây, việc xây dựng văn hóa đọc cho trẻ em ở các vùng cao đang trở thành một vấn đề cấp bách cần phát triển. Hiện, toàn huyện Quản Bạ có 37 trường học, trong đó có 13 trường mầm non, 11 trường tiểu học, 11 trường THCS, 2 trường PTDTBT TH&THCS với tổng số 683 lớp, 17.211 học sinh. Các em học sinh chủ yếu là người dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế khó khăn nên gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận sách và đọc sách, thiếu nguồn tư liệu hay về con người, vùng miền, văn hóa và cuộc sống,…

“Thư viện trên bản” lan tỏa văn hóa đọc sách tới học sinh vùng cao - Ảnh 1.

Các em học sinh nơi đây gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận sách và các nguồn tư liệu mang tính giáo dục hiệu quả

Muốn xây dựng xã hội học tập, cần phải chú trọng khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi, hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức. Thấu hiểu được điều này, ban giám hiệu các trường tại huyện Quản Bạ đã tạo điều kiện cho các em tiếp cận với sách, giúp xây dựng văn hóa đọc sách cho học sinh.

 Điểm trường PTDTBT Tiểu học Thanh Vân là địa điểm đầu tiên thực hiện dự án “Bản trí – thư viện trên bản”, thông qua hệ thống thư viện trường, phối hợp với các đơn vị, các tình nguyện viên để cung cấp các đầu sách tới các em.

“Thư viện trên bản” lan tỏa văn hóa đọc sách tới học sinh vùng cao - Ảnh 2.

Nhà trường phối hợp cùng các tổ chức xã hội hướng dẫn học sinh đọc sách hiệu quả

Những đầu sách bổ ích, phù hợp sẽ được các tình nguyện viên tập kết dưới miền xuôi, sau đó vận chuyển lên điểm trường. Sách được tài trợ bởi các đơn vị, các cá nhân, các em nhỏ cùng trang lứa dưới miền xuôi muốn dành tình cảm và niềm yêu sách tới các bạn trên bản.

“Các hoạt động quảng bá về sách và đọc sách cũng được các trường tổ chức thường xuyên, như đọc truyện, thi viết giới thiệu sách, hay trao đổi kinh nghiệm đọc sách. Năm học 2024-2025, nhà trường đã triển khai kết hợp việc học tập trên lớp và thực hiện văn hóa đọc tại các thư viện ở trường như Thư viện lớp học, thư viện xanh, thư viện lưu động. Mỗi tuần, học sinh có 3 buổi học và dành 15 phút truy bài để đọc sách. Câu lạc bộ Bạn đọc của trường cũng được quan tâm, với 32 thành viên thành viên tới từ các lớp.”, cô Nguyễn Thị Hương Giang – Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng trường PTDTBT Tiểu học Thanh Vân chia sẻ.

“Thư viện trên bản” lan tỏa văn hóa đọc sách tới học sinh vùng cao - Ảnh 3.

Học sinh tại trường PTDTBT Tiểu học Thanh Vân chia sẻ ước mơ của mình trong Ngày hội đọc sách

Bên cạnh đó, nhà trường cũng khuyến khích các em viết lên những mong muốn, suy nghĩ và cảm xúc của mình trong học tập, cuộc sống, giúp các em cải thiện chữ viết và khả năng viết tay, đồng thời tạo thói quen viết song hành cùng thói quen đọc sách. Đặc biệt, hoạt động này cũng tạo nhiều động lực, giúp trẻ phát triển tư duy độc lập và tự do phát biểu ý kiến của bản thân – con đường đúng đắn để bồi dưỡng thế hệ trẻ khả năng sáng tạo và kỹ năng sống, bảo vệ quan điểm cá nhân.

“Thư viện trên bản” lan tỏa văn hóa đọc sách tới học sinh vùng cao - Ảnh 4.

Nhà trường khuyến khích phụ huynh tham gia Ngày hội đọc sách cùng các con nhằm tạo thói quen đọc sách ngay trong gia đình

Chuyên gia Đào Thị Thu Hương – Giám đốc khối Viết & Phát hành sách VM chia sẻ: “Gia đình là môi trường đầu tiên mà trẻ em tiếp xúc với sách và văn hóa đọc. Để xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong mỗi gia đình, cha mẹ cần làm gương, bằng cách tự mình đọc sách và thể hiện sự đam mê với việc học hỏi. Hành động này sẽ tạo động lực tích cực cho con noi theo. Từ đó, trẻ em dần học được những giá trị, kỹ năng và kiến thức quan trọng không chỉ về ngôn ngữ mà còn về tư duy, trí tuệ và tinh thần sáng tạo. Đọc sách không chỉ tạo ra niềm đam mê và thú vị trong việc khám phá thế giới, mà còn tạo ra một cộng đồng văn hóa trong gia đình, thúc đẩy sự gắn kết và sự hiểu biết sâu sắc về vạn vật xung quanh. Góp phần tích cực đến sự phát triển cá nhân và xây dựng một xã hội văn minh, tri thức, bền vững”.

Phát biểu tại Ngày hội, cô Nguyễn Thị Hương Giang hy vọng: “Nhà trường có thể trở thành “người chắp cánh ước mơ” cho các em học sinh nơi đây và mong muốn đồng hành, phát triển thêm nhiều tủ sách, truyện để duy trì văn hóa đọc tại trường, góp phần phát triển ngôn ngữ cho học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục tại trường PTDTBT Tiểu học Thanh Vân nói riêng và huyện Quản Bạ nói chung”.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Nguồn: vtv.vn

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img