Friday, November 22, 2024

Hải Dương: Kỳ vọng trở thành trung tâm công nghiệp

Hải Dương phấn đấu đến năm 2030 là trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng.

Bám sát mục tiêu

Xác định, công nghiệp luôn có vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế của Hải Dương. Là ngành chủ đạo nên công nghiệp luôn chiếm tỷ trọng lớn trong GRDP của tỉnh.

Theo Cục Thống kê tỉnh Hải Dương, sản xuất công nghiệp tháng 10 của tỉnh tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do ảnh hưởng tiêu cực của bão lũ trong tháng 9 đã được khắc phục xong nên hoạt động sản xuất trong tháng 10 đã ổn định. Để bảo đảm tiến độ giao hàng, nhiều doanh nghiệp đã bố trí tăng ca, tăng giờ làm để bù đắp sản lượng cho khoảng thời gian bị ảnh hưởng bởi bão lũ.

Hải Dương: Kỳ vọng trở thành trung tâm công nghiệp

Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 hoạch định rõ nét khát vọng của tỉnh trong phát triển công nghiệp (Ảnh minh họa)

Nhu cầu xây dựng dân dụng và dự án đầu tư công có tín hiệu tăng dần nên sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Hòa Phát ở cả 3 miền đều tăng. Một số doanh nghiệp mở rộng nhà xưởng như Công ty CP Nhôm Đông Á, Công ty TNHH Shinyang Metal Việt Nam… cũng góp phần tác động đến tăng trưởng của ngành.

Nhà đầu tư CE LINK Limited (Trung Quốc) cho biết: “Trong quá trình làm thủ tục đầu tư, doanh nghiệp đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ các ban, ngành chức năng của tỉnh. Việc xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả. Chúng tôi tin rằng với môi trường đầu tư luôn có sự hỗ trợ, chỉ đạo quyết liệt từ phía chính quyền, CE LINK sẽ có những bước phát triển bền vững tại Hải Dương. Chúng tôi cam kết sẽ sớm triển khai các giai đoạn của dự án theo đúng quy định để đưa nhà máy sớm đi vào vận hành.”

Tính chung 10 tháng năm 2024, sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành chiếm tỷ trọng lớn, tăng cao như: sản xuất thiết bị điện tăng 40,5% (trong đó sản phẩm máy phát điện tăng 127,8%); dệt, may mặc tăng lần lượt 25% và 13,2%; kim loại tăng 14%; xe có động cơ tăng 13% (tăng chủ yếu là sản xuất bộ phận phụ trợ); các sản phẩm điện tử tăng 11,7%; sản xuất và phân phối điện tăng 9,5%…

Tuy nhiên, cũng có một số ngành gặp khó khăn do nhu cầu thị trường phục hồi chậm, nguồn cung dư thừa, thị trường xuất khẩu khó khăn nên nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng, gạch, ngói trên địa bàn tỉnh phải ngừng lò, giảm công suất, cắt giảm lao động… Trong đó, sản lượng 10 tháng từ khoáng phi kim loại (xi măng, gạch, ngói) giảm 7,2%; khai khoáng giảm 1%…

Theo Sở Công thương Hải Dương: Tới năm 2050, Hải Dương đặt mục tiêu sẽ trở thành tỉnh công nghiệp công nghệ cao, thông minh và bền vững, tận dụng vị trí chiến lược, liên kết vùng và ứng dụng khoa học, công nghệ cao, trở thành trục động lực của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Định hướng phát triển

Theo quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hải Dương phát triển công nghiệp theo 4 trụ cột chính, bao gồm: Tập trung mở rộng và nâng cao chuỗi giá trị, tận dụng liên kết vùng cho các ngành công nghiệp chủ lực; Xây dựng năng lực cạnh tranh chiến lược, tiến tới phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng trong tương lai; Tái cơ cấu các ngành công nghiệp giá trị sản xuất nhỏ; Xây dựng Hải Dương thành trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, gắn với khu kinh tế chuyên biệt, khu công nghiệp hiện đại.

Hải Dương: Kỳ vọng trở thành trung tâm công nghiệp

Để trở thành trung tâm công nghiệp , thời gian qua, tỉnh Hải Dương đã triển khai nhiều giải pháp để “dọn đường” phát triển công nghiệp (Ảnh minh họa)

Hải Dương sẽ phát triển công nghiệp theo 3 vùng: Vùng công nghiệp động lực (lõi trung tâm) tại huyện Bình Giang, huyện Thanh Miện; Vùng công nghiệphỗ trợ tại thành phố Hải Dương, huyện Gia Lộc, huyện Cẩm Giàng; Vùng công nghiệp nặng, chế biến nông lâm thủy sản và năng lượng sạch tại TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn, các huyện Kim Thành, Nam Sách, Thanh Hà, Tứ Kỳ và một phần huyện Ninh Giang.

Trên cơ sở các trụ cột chính, tỉnh xây dựng các yếu tố hỗ trợ để bảo đảm và đáp ứng nhu cầu phát triển. Đó là đào tạo và phát triển nguồn nhân lực với ưu tiên hàng đầu về gia tăng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo; phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, tập trung vào ngành kỹ thuật và công nghệ thông tin. Trong đó, thu hút nhân tài cấp quản lý, chuyên gia nghiên cứu và cộng đồng khởi nghiệp.

Huy động và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư bằng việc quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư. Khoa học công nghệ cũng là yếu tố hỗ trợ quan trọng nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển sản phẩm giá trị cao.

Hải Dương cũng quan tâm các yếu tố phụ trợ khác như chiến lược chuyển đổi số trong hệ thống quản lý và cải cách hành chính, các ngành được ưu tiên đặc biệt trên địa bàn, các chính sách phát triển khu vực doanh nghiệp, các giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp…

Theo Giám đốc Sở Công thương Hải Dương Trần Văn Hảo: Từ các trụ cột phát triển công nghiệp, Hải Dương xác định rõ phương hướng phát triển các ngành công nghiệp chủ lực. Đối với ngành cơ khí chế tạo, tỉnh sẽ đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm có giá trị và hàm lượng công nghệ cao như kim loại chất lượng cao, kim loại màu phục vụ công nghiệp, sản xuất động cơ, sản phẩm cơ khí chính xác, công nghiệp ô tô, các loại máy xây dựng, máy móc công nghiệp, điện tử, tiến tới sản xuất ô tô điện, các máy móc công nghệ cao, robot…

Về ngành điện, điện tử, Hải Dương đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn trong ngành thiết bị gia dụng, điện tử thông minh, tiến tới sản xuất các sản phẩm cảm biến và sản xuất vi mạch điện tử (chip) quy mô lớn. Ngành chế biến nông, lâm, thủy sản sẽ gia tăng, mở rộng chuỗi giá trị sản xuất, đẩy mạnh kết nối vùng nguyên liệu sản xuất rau, trái cây trong khu vực; phát triển các hoạt động chế biến, sản xuất phục vụ xuất khẩu.

Ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao sẽ tập trung thu hút đầu tư các doanh nghiệp công nghiệp công nghệ cao trên thế giới. Trong đó ưu tiên ngành cơ khí chế tạo, điện, điện tử để tận dụng tiềm năng liên kết vùng hiện có và năng lực cung ứng nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp trong tỉnh.

Chú trọng thu hút các doanh nghiệp sản xuất bán thành phẩm, phụ tùng, linh kiện, cụm linh kiện cao cấp, lắp ráp phụ trong ngành sản xuất xe có động cơ, máy móc công nghiệp, điện tử, các doanh nghiệp sản xuất thiết bị ngoại vi, bo mạch, màn hình, thiết bị chuyên dụng cho ngành thiết bị điện tử, gia dụng. Nâng cao hiệu quả hoạt động các dự án hiện có trong lĩnh vực dệt may, da giày; sản xuất vật liệu xây dựng.

 
 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img