Đó là yêu cầu của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà khi đến kiểm tra cao tốc Cần Thơ – Cà Mau và cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng tại nút giao IC4 (thuộc H.Phụng Hiệp, Hậu Giang).
Xác định được nguồn cát nhưng việc khai thác gặp nhiều khó khăn
Báo cáo với Phó thủ tướng, ông Lê Đức Tuân, Phó giám đốc Ban Quản lý DA (BQLDA) Mỹ Thuận, chủ đầu tư cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, cho biết tuyến chính cao tốc này đã bàn giao 100% mặt bằng. Tiến độ thi công hiện đạt khoảng 50% khối lượng hợp đồng. Công tác đắp gia tải cho 110 km tuyến chính và 2,8 km tuyến nối đã xong 53%; có 41 cầu đã hoàn thành cơ bản mặt cầu, các cầu còn lại đang thi công kết cấu phần dưới là đang lắp dầm, mục tiêu trong năm 2024 cơ bản hoàn thành 117 cầu trên tuyến chính.
Hiện, khó khăn, vướng mắc lớn nhất của cao tốc Cần Thơ – Cà Mau là nguồn vật liệu cát. Nhu cầu của DA là 18,5 triệu m3, đã xác được nguồn cung gồm 19 triệu m3 cát sông, 5 triệu m3 cát biển. Tuy nhiên, nguồn cát cung cấp về công trường hiện chỉ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu thi công.
Lý do là cuối tháng 10 vừa qua, An Giang dừng cung cấp 7/9 mỏ cát do vượt độ sâu, có nguy cơ sạt lở hoặc chất lượng cát không đạt vì lẫn nhiều bùn sét. Bên cạnh đó, việc khai thác cát biển ở Sóc Trăng chậm vì 2 tàu hút cát từ đáy có công suất lớn (hút 20.000m3/ ngày) không dùng được do nước nong, chỉ sử dụng tàu nhỏ hút 1.000 – 2.000m3/ngày..Khó khăn mới phát sinh nữa là đang vào mùa gió chướng, việc khai thác cát chỉ được 10 – 15 ngày/tháng.
Trong khi đó, ông Mai Văn Tân, Giám đốc Sở GTVT Hậu Giang, cho biết DA thành phần 3 cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng đang hoàn thiện ghép dầm 5/24 cầu, phần còn lại đang thi công phần mố, trụ cầu. Nhu cầu về nguồn vật liệu cát khoảng 6 triệu m3 cho DA cơ bản đã được giải quyết. Hiện, sản lượng thi công đạt 26%, dự kiến hết năm 2024 đạt khoảng 34-37%.
Thi công cao tốc tránh ảnh hưởng sản xuất, sinh hoạt của người dân
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, về nguồn vật liệu san lấp, cát biển là giải pháp lâu dài, nếu không có cách khai thác hiệu quả sẽ ảnh hưởng tiến độ thực hiện. Bài toán khai thác cát biển Sóc Trăng cần phải tập trung nghiên cứu cách khai thác sao cho liên tục, tạo dây chuyền, không ngắt quãng. “Công suất khai thác có thể tăng lên, phải ứng dụng máy móc, thiết bị. Cái ta có là một chuyện, nếu không có thì phải hợp đồng, thuê”, Phó thủ tướng đề nghị.
Cũng theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, các kênh, rạch ở ĐBSCL có sự tác động không nhỏ tới nguồn nước mặn, phèn hay phù sa. Trong quá trình thi công cao tốc, nếu DA có đi ngang ruộng của người dân hoặc phải san lấp cầu cống tạm thời thì phải có giải pháp hợp lý, phục hồi hoặc thay thế sớm. Điều này phải được đặc biệt quan tâm để đảm bảo yếu tố đặc thù của vùng sông nước miền Tây, không cản trở dòng chảy, nguồn nước ảnh hưởng sản xuất và sinh hoạt của bà con.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá các địa phương đang dồn hết nguồn lực từ con người, tiền của, nguồn vật liệu san lấp cho các công trình cao tốc trọng điểm quốc gia. Khí thế trên công trường luôn quyết tâm để thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Về cơ bản, đến giờ này, khâu chuẩn bị của các địa phương đã tốt. Vấn đề còn lại phụ thuộc nhiều vào tiến độ thực hiện của đơn vị thi công.
Phó thủ tướng đề nghị phải ưu tiên cho cao tốc trục dọc Cần Thơ – Cà Mau. Bằng mọi giá phải đưa công trình này về đích vào năm 2025.
Nguồn: thanhnien.vn