Lợi dụng nhu cầu đi lại, mua sắm, vui chơi tăng cao trong dịp lễ tết cuối năm, tình trạng lừa đảo trực tuyến bùng phát như nấm, khiến nhiều người sập bẫy.
Mới đây, trang fanpage của Vedana Lagoon Resort & Spa (H.Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) phát cảnh báo lưu ý khách hàng tránh bị lợi dụng bởi trang fanpage giả mạo. Trang giả mạo này đăng tải thông tin y hệt như trang chính chủ và dẫn dụ khách hàng đặt phòng với giá rẻ hơn nhằm chiếm đoạt tiền. Không ít người vì nhầm lẫn nên đã mắc bẫy.
Đây không phải lần đầu tiên xuất hiện các chiêu trò lừa đảo đặt phòng khách sạn, resort nghỉ dưỡng du lịch trên mạng, nhất là dịp lễ tết cuối năm.
Tại Vũng Tàu, khách sạn Vias liên tục nhận phản ánh của du khách về việc bị lừa tiền khi đặt phòng trực tuyến qua mạng xã hội và website giả. Từ số điện thoại khách hàng cung cấp, khách sạn Vias đã gọi điện tới nhóm người này, thậm chí còn bị các đối tượng hăm dọa sẽ đánh sập website của khách sạn.
Tại TP.Nha Trang, mới đây Công an tỉnh Khánh Hòa đã xác định 16 khách sạn bị giả mạo và đang trong quá trình thu thập tài liệu, củng cố chứng cứ để xử lý các đối tượng lừa đảo; tuy nhiên tình trạng giả mạo vẫn chưa chấm dứt.
Điển hình, khách sạn Havana Nha Trang cho biết vừa qua đã phát hiện và trình báo về 5 trang fanpage giả mạo khách sạn để lừa đảo. Sau đó, cơ quan chức năng đã hỗ trợ gỡ bỏ các trang này. Tuy nhiên, đến ngày 20.11, khách sạn lại phát hiện thêm 2 trang giả mạo mới.
Trang Chongluadao.vn và các trang tiếp nhận thông tin lừa đảo trực tuyến của Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) nhận xét: Lợi dụng nhu cầu đi lại dịp tết, các chiêu trò lừa đảo đang tập trung khá nhiều vào dịch vụ đặt phòng, mua vé tàu, vé máy bay. Thủ đoạn của các đối tượng là lập ra các website có tên địa chỉ, giao diện, màu sắc, logo được thiết kế tương tự website chính hãng của Vietnam Airlines. Một số trang web có tên miền giống, dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng. Tiếp đến, nhóm lừa đảo mạo danh là đại lý vé cấp 1 của Vietnam Airlines. Khi khách hàng làm các thủ tục mua vé máy bay sẽ nhận được mã đặt chỗ để làm tin và khuyến cáo phải thanh toán tiền gấp, nếu không sẽ bị hủy. Sau khi nhận được tiền, đối tượng không xuất vé và ngắt liên lạc.
Theo Cục An toàn thông tin, việc mạo danh cơ sở lưu trú để lừa tiền đặt phòng là chiêu trò không mới, thường rộ lên trong mùa cao điểm du lịch. Điểm chung của thủ đoạn này là giá phòng rẻ hơn giá niêm yết được cơ sở chính chủ công bố để đánh vào tâm lý ham rẻ của du khách. Một số trường hợp khách hàng nhận được email hoặc tin nhắn thông báo đã “trúng thưởng” hoặc nhận ưu đãi vé máy bay. Khi khách hàng truy cập đường link đính kèm và cung cấp thông tin, kẻ gian sẽ lấy cắp thông tin thẻ tín dụng hoặc yêu cầu thanh toán. Ngoài phương thức nêu trên, nhiều đối tượng lừa đảo sau khi nhận được tiền của khách vẫn tiến hành xuất vé nhưng sau đó lại hoàn vé (chịu mất phí hoàn vé) và chiếm phần lớn tiền vé người mua đã chi trả.
YouTuber bán hàng thuê mạo nhận thành ông chủ
Đó là một trong những tình trạng lừa đảo mới hiện nay. Anh M.V.T, Giám đốc Công ty TNHH T.C (TP.Cần Thơ), chia sẻ: “Xuất phát từ nhu cầu đẩy mạnh bán hàng qua kênh online, vợ tôi đã liên hệ một người tên Đ.V.N, chủ kênh YouTube Đ.H.N có cùng nơi cư trú trên địa bàn TP.Cần Thơ, để nhờ bán hàng hộ, do trước đó anh này từng làm công việc kinh doanh thiết bị nội thất. Thời gian đầu, người này bán hàng khá chạy, nhất là những mặt hàng thiết bị vệ sinh, nhưng sau đó tôi phát hiện Đ.V.N thường xuyên “nổ” trên kênh YouTube của mình rằng chính anh ta mới là giám đốc công ty, còn tôi và vợ tôi chỉ là kế toán.
Thời gian gần đây, chủ kênh này thường xuyên có những phát ngôn gây bất bình, gây tranh cãi, thậm chí có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi mạo nhận là luật sư, là đảng viên để kêu gọi vận động từ thiện, trong khi tôi chắc chắn anh này từ trước chỉ là nhân viên kinh doanh bình thường. Đáng nói, với những mâu thuẫn trên mạng xã hội, nhiều người đã gọi điện thoại đến công ty tôi để chửi bới, xúc phạm, đe dọa vì tin nhầm rằng anh này là chủ doanh nghiệp của tôi. Điều này gây ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của công ty chúng tôi rất nghiêm trọng. Vì vậy, chúng tôi cần nói rõ thông tin này để tránh hiểu nhầm xảy ra”.
CẨN TRỌNG KHI MUA BÁN QUA CÁC HỘI NHÓM
Bên cạnh đó, xuất phát từ nhu cầu thực tế, nhiều người hiện nay tham gia các nhóm công đồng trên mạng xã hội để mua bán, thanh lý, trao đổi vật dụng, đồ dùng đã qua sử dụng. Hình thức này cũng bị nhiều đối tượng lợi dụng để lừa đảo.
Theo báo cáo qua kênh Chongluadao.vn, nhiều trường hợp liên lạc qua nhóm để thanh lý đồ, sau đó chặn số để chiếm đoạt tiền cọc. Chị N.D.H (ngụ Bà Rịa-Vũng Tàu) mới đây trở thành nạn nhân khi tin lời rao thanh lý lô hàng quần áo của một tài khoản Facebook. Do chủ quan nên chị H. đã chuyển toàn bộ tiền thỏa thuận hơn 8 triệu đồng, sau đó bị tài khoản Facebook này chặn số và chiếm đoạt số tiền trên.
Mới đây, Công an TX.Điện Bàn (Quảng Nam) ra lệnh tạm giam L.V.H.V (18 tuổi) về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo kết quả điều tra, V. sử dụng nhiều tài khoản Facebook và Zalo để đăng bài trên các nhóm giao lưu, trao đổi hoặc sửa chữa vợt thể thao (pickleball và cầu lông), giả vờ sở hữu các mẫu vợt cao cấp (thực tế không có) và đăng tin trao đổi vợt. Nạn nhân là anh V.H.L (Hà Nội), đã bị lừa gửi vợt The Shogun 16mm Pickleball Paddle qua bưu điện, sau đó L.V.H.V chặn liên lạc. Sau khi chiếm đoạt được tài sản, V. lập tức bán lại trên các nền tảng mạng xã hội khác để thu lợi bất chính. Không chỉ dừng lại ở việc trao đổi vợt pickleball, V. còn gian dối với thủ đoạn nhận sửa chữa vợt cầu lông nhưng thực tế không sửa chữa mà chiếm đoạt vợt của nạn nhân để bán lấy tiền.
Ngoài ra, theo báo cáo qua kênh Chongluadao.vn, một nạn nhân có số điện thoại 0378474… trình bày: “Mới đây tôi nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ, nói rằng có nắm lịch sử mua hàng của tôi tại hệ thống Điện Máy Xanh và theo đó, tôi nhận được ưu đãi cuối năm là thay lõi máy lọc nước với giá chỉ 20.000 đồng. Thấy người này đọc đúng tên tuổi và nói đúng nơi mua hàng, tôi tin tưởng đồng ý. Tuy nhiên, khi nhân viên lạ mặt đến nhà tháo lõi lọc nước, người này thông báo ngoài thay 3 lõi lọc thô, phải thay cả màng RO, vòi bị gỉ đế, tổng số tiền cần thanh toán gần 2 triệu đồng. Tôi nghi ngờ nên gọi lên tổng đài của hãng và được trả lời hãng không bao giờ chủ động gọi cho khách hàng. Khi khách cần kiểm tra thì gọi lên tổng đài để cử kỹ thuật viên xuống, kỹ thuật viên sẽ mặc đồng phục và có thẻ tên rõ ràng. Tôi phát hiện đây là hành vi lừa đảo và lập tức yêu cầu lắp lại nguyên trạng, sau đó đuổi thẳng người này ra khỏi nhà”.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân khi có nhu cầu đặt mua vé máy bay, vé tàu… cần thực hiện giao dịch thông qua website chính thống. Nếu nhận được những lời chào hàng vé máy bay quá rẻ so với thông tin của hãng thì đừng vội đặt vé mà nên kiểm tra lại, vì có thể đó là chiêu trò của các đối tượng xấu với mục đích lừa đảo.
Bên cạnh đó, không truy cập các đường dẫn lạ hoặc tải về những ứng dụng không rõ nguồn gốc để tránh bị chiếm quyền điều khiển thiết bị và chiếm đoạt tài sản.
Nguồn: thanhnien.vn