Monday, November 25, 2024

Báo động thực trạng ‘quên’ thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô

Kết quả khảo sát của Đại học Y tế công cộng ở 3 đô thị lớn nêu ra thực trạng đáng báo động về việc không sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô, trong khi đây là quy định bắt buộc trong thời gian đến.

Chiều 21.11, tại TP.Đà Nẵng, Trung tâm Tư vấn sức khỏe và phát triển cộng đồng (Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam), Ban An toàn giao thông (ATGT) TP.Đà Nẵng phối hợp phổ biến một số quy định mới trong luật Trật tự, ATGT đường bộ nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em trên ô tô khi tham gia giao thông.

Ông Bùi Hồng Trung, Giám đốc Sở GTVT TP.Đà Nẵng, Phó trưởng ban thường trực ban ATGT TP.Đà Nẵng, cho biết trong các điểm nổi bật của luật Trật tự, ATGT đường bộ có các quy định mới về bảo vệ trẻ em, đặc biệt là việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô khi tham gia giao thông (đã được Quốc hội thông qua ngày 27.6.2024).

Cụ thể, quy định mới không cho trẻ dưới 10 tuổi và cao dưới 1,35 m ngồi cùng hàng ghế với người lái (trừ ô tô chỉ có 1 hàng ghế); phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em.

Báo động thực trạng 'quên' thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô

Hội nghị phổ biến một số quy định mới trong luật Trật tự, ATGT đường bộ

ẢNH: NGUYỄN TÚ

Trẻ cần sử dụng thiết bị an toàn cho đến khi chiều cao khoảng 1,5 m

Theo PGS-TS Phạm Việt Cường, Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương Đại học Y tế công cộng, thực trạng sử dụng thiết bị an toàn trên ô tô hiện nay rất đáng báo động với tỷ lệ cực kỳ thấp. Qua khảo sát ở 3 thành phố lớn, chỉ có 1,3% ô tô có sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ, trong đó tại Hà Nội là 2,6%, TP.HCM 1,1%, TP.Đà Nẵng 0%.

Tình trạng trẻ em ngồi ghế trước cũng khá phổ biến, 22,8% xe có trẻ em ngồi ghế trước một mình, 19,2% xe có trẻ ngồi ghế trước chung với người lớn.

Qua khảo sát, nhận thức của người điều khiển ô tô về vị trí an toàn của trẻ cũng rất mù mờ. Ở 3 thành phố lớn nêu trên, có 3% người được hỏi không biết về vị trí này, chỉ có 27,8% biết đến thiết bị an toàn chuyên dụng cho trẻ.

“Trẻ em không nên ngồi ghế trước vì vị trí chịu nhiều tác động hơn khi va chạm, dễ văng ra ngoài xe nếu không cài dây an toàn, chịu túi khí va đập. Trẻ hiếu động, tò mò, gây mất an toàn cho người lái và đặc biệt là không có hệ thống lắp thiết bị an toàn cho trẻ ở ghế trước trong thiết kế xe. Do đó, trẻ cần sử dụng thiết bị an toàn cho đến khi chiều cao khoảng 1,5 m dùng được dây an toàn của người lớn”, PGS-TS Phạm Việt Cường nói.

Báo động thực trạng 'quên' thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô

Thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô bị “quên” sử dụng

ẢNH: NAM SƠN

Ông Cường dẫn chứng, các nước Mỹ, Canada, Úc, Thụy Điển đã bắt buộc dùng thiết bị an toàn từ thập niên 70 thế kỷ 20 và các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tử vong trẻ em giảm từ 45 – 90%.

Theo TS Dương Khánh Vân, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, trước việc áp dụng quy định bắt buộc về thiết bị an toàn, để sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô trở thành thói quen (như mũ bảo hiểm trước đây), bên cạnh chế tài xử lý nghiêm, cơ quan nhà nước cần phối hợp với doanh nghiệp cung cấp các chương trình hỗ trợ tài chính, giảm giá, kích cầu, đảm bảo chất lượng thiết bị an toàn phù hợp với điều kiện người tiêu dùng, để dễ dàng tiếp cận.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img