Áp lực về kinh tế, công việc, nhà ở khiến nhiều cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ phải cân nhắc trong việc sinh con.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến sinh ít con
Tại Đồng Nai, hiện nhiều gia đình trẻ có tâm lý ngại sinh con đang ngày càng phổ biến và có chiều hướng gia tăng.
Điển hình như, hai vợ chồng anh N.V.T., (35 tuổi) và chị N.T.V.A., (33 tuổi, ngụ phường Trung Dũng, TP Biên Hòa) đều là viên chức, con gái của anh chị đã vào lớp 2 (7 tuổi) nhưng anh chị vẫn chưa có nhu cầu có con thứ 2. Theo anh T., 2 vợ chồng anh từ miền Trung vào đây làm việc, hiện tại vẫn đang ở trọ, thu nhập chỉ đủ tiền thuê nhà, sinh hoạt phí và tiền học cho con, nên 2 anh chị chưa muốn sinh thêm, mặc dù 2 bên ông bà đều muốn thêm cháu. “Với cuộc sống hiện nay, tôi muốn đầu tư tương lai cho con phát triển về mọi mặt, chứ không chỉ dừng lại ở mức ăn no mặc ấm” – anh T. nói.
Hay trường hợp anh N.T.A. (40 tuổi) và chị N.T.M (38 tuổi, ngụ phường Trảng Dài, TP Biên Hòa), 2 vợ chồng từ Nghệ An vào Đồng Nai lập nghiệp. Lấy nhau 10 năm, họ có 1 con trai năm nay lên lớp 4. Với thu nhập chưa dư dả, chỉ đủ trang trải các chi phí trong cuộc sống, chưa kể 1-2 năm về quê thăm ông bà nội ngoại cũng tốn kém. “2 vợ chồng thống nhất chỉ sinh 1 con, sinh thêm bé nữa sợ không đủ sống. Chỉ 1-2 năm, con trai lớn lên, nếu may mắn con vào được trường công lập thì đỡ chi phí, còn bé mà học tư thục thì tốn kém rất nhiều” – chị M. nói.
Theo thống kê của Cục Dân số, Đồng Nai nằm trong nhóm 21 tỉnh có mức sinh thấp, tốc độ gia tăng dân số có xu hướng chậm lại. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên và số trẻ sinh ra đều có xu hướng giảm. Cụ thể, trẻ sinh ra trong năm 2020 là 39.392 bé, năm 2021 là 34.085 bé, năm 2022 là 33. 359, năm 2023 là 33.722 bé và ước tính số trẻ sinh ra trong 6 tháng năm 2024 có 16.020 trẻ.
Theo các chuyên gia về dân số, khi mức sinh thấp, có rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến dân số như: Già hóa dân số nhanh: Khi tỷ lệ sinh giảm, tỷ lệ người cao tuổi tăng lên nhanh chóng, dẫn đến tình trạng già hóa dân số. Điều này đặt ra nhiều áp lực lên hệ thống an sinh xã hội, y tế và hưu trí; Thiếu hụt lực lượng lao động: Với mức sinh thấp, số lượng người trong độ tuổi lao động giảm đi, gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế; Suy giảm quy mô dân số: Dân số giảm dần có thể làm suy yếu vị thế quốc gia trên trường quốc tế, giảm sức ảnh hưởng và khả năng cạnh tranh; Thay đổi cơ cấu dân số: Cơ cấu dân số thay đổi, tỷ lệ phụ thuộc tăng lên (tỷ lệ người già và trẻ em so với người trong độ tuổi lao động) gây áp lực lớn lên nền kinh tế; Ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững: Mức sinh thấp có thể làm chậm quá trình phát triển bền vững, giảm khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và các thách thức toàn cầu khác; Thay đổi văn hóa xã hội: Mức sinh thấp có thể dẫn đến những thay đổi trong cấu trúc gia đình, quan hệ giữa các thế hệ và các giá trị văn hóa xã hội.
Tăng cường tuyên truyền “mỗi cặp vợ chồng hãy nên sinh đủ 2 con”
Hiện nay, Sở Y tế Đồng Nai đã hướng dẫn định hướng truyền thông về công tác dân số trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới như: Tuyên truyền, vận động về lợi ích của việc sinh đủ hai con; các yếu tố bất lợi của việc kết hôn, sinh con quá muộn, sinh ít con đối với phát triển đất nước; tập trung vận động nam, nữ thanh niên kết hôn trước 30 tuổi và sinh đủ 2 con trước 35 tuổi.
Tích cực đẩy mạnh tuyên truyền thông điệp “Mỗi cặp vợ chồng hãy nên sinh đủ 2 con” nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của cộng đồng, tiếp tục duy trì vững chắc mức sinh thay thế, không để tái gia tăng và cũng không để mức sinh giảm quá thấp, từng bước đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với quá trình già hóa dân số, thực hiện phân bổ dân cư hợp lý và nâng cao chất lượng dân số.
Vừa qua Sở Y tế cũng đã tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh trình Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghị quyết khuyến khích, hỗ trợ tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, trong đó có chính sách hỗ trợ phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi.
Nguồn: vtv.vn