Wednesday, November 27, 2024

Phương Tây lo ngại những kịch bản hạt nhân nào của Nga trong xung đột?

Bề ngoài, phương Tây có vẻ coi nhẹ những cảnh báo của Nga về xung đột hạt nhân nhưng bên trong, họ vẫn đang lo ngại sâu sắc về nguy cơ đó. Mỹ và các đồng minh đã tính tới nhiều kịch bản hạt nhân liên quan đến Nga một khi xung đột Ukraine tiếp tục duy trì và lan rộng.

Điều chỉnh lớn trong chính sách của Nga về vũ khí hạt nhân

Học thuyết hạt nhân của Nga là bộ quy tắc về tình huống, cách thức và thời điểm Nga sử dụng vũ khí hạt nhân. Theo học thuyết này, Nga có thể kích hoạt vũ khí hạt nhân nếu họ đối diện các cuộc xâm lăng hoặc tấn công đe dọa nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng như sự tồn tại của nhà nước Nga.

Vào ngày 19/11/2024, Nga đã bổ sung thêm một hướng dẫn nữa vào bộ quy tắc này, đó là nếu Nga bị một nước không có vũ khí hạt nhân tấn công nhưng nước tấn công đó lại được một nước có vũ khí hạt nhân hậu thuẫn thì Nga có quyền đáp trả bằng vũ khí hạt nhân. Phần cập nhật này cũng áp dụng cho cả việc bảo vệ Belarus – đồng minh thân cận của Nga.

Hiện phương Tây có vẻ không quá ám ảnh về sự sửa đổi mới nhất trong học thuyết hạt nhân của Nga do kể từ tháng 2/2022, Nga đã nhiều lần đưa ra những lời cảnh báo sắc lạnh nhằm vào sự can thiệp của phương Tây trong xung đột Ukraine nhưng sau đó Nga đã không có hành động nào trên thực địa để hiện thực hóa những cảnh báo đó.

Khối quân sự NATO cũng cho rằng chưa có bằng chứng cho thấy Nga đang chuẩn bị cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Những lời cảnh báo chiến tranh hạt nhân do giới chức Nga, đặc biệt là cựu Tổng thống Medvedev, đưa ra chủ yếu được phương Tây xem là nỗ lực làm cho NATO bớt nhiệt tình trong việc hậu thuẫn Ukraine.

Tuy nhiên, bất chấp việc Nga vẫn đang “hết sức kiềm chế trong hành động” bất kể phương Tây và Ukraine đã vượt “lằn ranh đỏ” của Nga nhiều lần, động thái Tổng thống Nga Putin ký phê chuẩn sửa đổi học thuyết an ninh Nga vào ngày 19/11 vẫn là một thay đổi lớn trong chính sách hạt nhân của Nga. Với sửa đổi này, hiện ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga vừa được hạ thấp hơn vừa khó đoán định hơn.

Những dấu hiệu không thể bỏ qua và nỗi lo của phương Tây

Nga đã tuyên bố đưa một số tên lửa hạt nhân sang Belarus – đây là lần đầu tiên kể từ khi Liên Xô tan rã (vào năm 1991), Nga bố trí tên lửa hạt nhân bên ngoài lãnh thổ của mình. Nga cũng tăng cường lực lượng quân sự vốn đã đông đảo tại Kaliningrad – vùng lãnh thổ tách rời của Nga và nằm giữa Ba Lan và Litva.

Tổng thống Putin tuyên bố rằng vũ khí hạt nhân Nga hiện đại hơn vũ khí hạt nhân Mỹ. Không chỉ vậy, ông nhấn mạnh rằng “vũ khí được chế tạo là để sử dụng”. Ông cũng cảnh báo rằng nếu binh sĩ NATO được gửi tới Ukraine, điều đó có khả năng dẫn tới một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Mặc dù có những tuyên bố xem nhẹ cảnh báo của Nga, trên thực tế Mỹ vẫn cảnh giác về rủi ro leo thang xung đột Ukraine thành chiến tranh hạt nhân diện rộng. Mới hồi tháng 8/2024, Cố vấn An ninh quốc gia của Nhà Trắng, John Kirby, được cho là đã tuyên bố rằng họ luôn quan ngại về khả năng xung đột Ukraine leo thang ra khắp châu Âu.

Vào tháng 11/2024, có những bài báo tiết lộ việc cựu Thủ tướng Anh Liz Truss từng lo lắng sâu sắc vào tháng 10/2022 rằng Tổng thống Nga Putin có thể mở một cuộc tấn công hạt nhân. Vào những ngày cuối cùng trong nhiệm kỳ thủ tướng của bà Truss, giới chức Anh thậm chí còn kiểm tra bản đồ thời tiết và chuẩn bị cho tình huống nước Anh chìm trong phóng xạ hạt nhân.

Phương Tây luôn hồi hộp phán đoán những ý nghĩ thực sự trong đầu Tổng thống Nga Putin.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật là loại vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ, được thiết kế để sử dụng trên chiến trường vừa phải, nhằm vào mục tiêu quân sự cụ thể, chứ không phải nhằm hủy diệt các vùng rộng lớn như cả một thành phố.

Theo tính toán của phương Tây, họ không loại trừ khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân cấp chiến thuật, do nó có tầm bắn và uy lực hạn chế hơn, và do vậy ít nguy cơ khiến phương Tây phản ứng mạnh, dẫn tới một cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 3.

Những tài liệu quân sự bị rò rỉ mà tờ Financial Times (Anh) có được vào tháng 2/2024 cho thấy Nga đã lên kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật nhằm vào một cường quốc lớn vào đầu xung đột Ukraine. Bộ tài liệu mô tả các tình huống Nga sẽ tấn công hạt nhân để đáp trả một cuộc xâm lăng nhằm vào Nga. Chúng cũng đề cập những mục tiêu khác, như ngăn ngừa các nước sử dụng vũ lực, ngăn chặn xung đột quân sự xấu đi và xây dựng hải quân Nga hùng mạnh hơn.

Tập tài liệu nói trên gồm 29 tài liệu mật, được tạo ra trong quãng thời gian từ năm 2008 đến 2014 (khi ông Putin làm luân phiên tổng thống và thủ tướng Nga). Tuy nhiên, nội dung các tài liệu đó được cho là vẫn phù hợp với chiến lược quân sự của Nga hiện nay. Theo các tài liệu này, ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga khi đó thậm chí còn thấp hơn rất nhiều so với những gì mà giới chức Nga công khai thừa nhận.

Tài liệu này cũng vạch ra kịch bản sử dụng vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ để ngăn chặn một cuộc tiến công ồ ạt bất ngờ từ “phương Nam” vào trong lãnh thổ Nga.

Tất nhiên cần phải nhấn mạnh rằng đây là các tình huống giả định. Tuy nhiên, tập tài liệu cũng ít nhiều phản ánh cách nhìn nhận của Nga về đối thủ và đồng minh, và việc Nga chuẩn bị cho việc bảo vệ lợi ích của mình khi lâm vào những kịch bản xấu nhất.

Kịch bản triển khai vũ khí hạt nhân trong vũ trụ

Phương Tây còn quan ngại về khả năng Nga đưa vũ khí hạt nhân vào quỹ đạo Trái Đất, chẳng hạn để ngắm bắn các hệ thống vệ tinh của Mỹ. Điều này khó loại trừ khi ông Putin là người đam mê các loại vũ khí tiên tiến, thể hiện ở việc ông công khai ủng hộ vũ khí siêu vượt âm, tên lửa hành trình và ngư lôi có tầm hoạt động không giới hạn…

Ngoài Nga, một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Triều Tiên và Iran đang đầu tư lớn vào công nghệ vũ trụ, đặc biệt là những vũ khí có thể bắn hạ vệ tinh đối phương. Điều này tạo ra rủi ro nghiêm trọng cho mạng lưới liên lạc vệ tinh toàn cầu của Mỹ – mạng lưới này đóng vai trò thiết yếu đối với các hệ thống chỉ huy kiểm soát tổng thể của Mỹ, cũng như việc điều hướng và các cuộc tấn công chính xác của quân đội Mỹ.

Mặc dù Nga đã ký một số hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nước này vẫn sở hữu kho vũ khí hạt nhân đầy uy lực. Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS) đánh giá rằng kho vũ khí hạt nhân của Nga là lớn nhất thế giới, gồm 5.580 đầu đạn hạt nhân. Trong số này có một số lượng vũ khí hạt nhân chiến thuật dùng cho chiến trường nhỏ.

Năm 2023, Tổng thống Putin tuyên bố Nga rút khỏi thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng với Mỹ – Hiệp ước START Mới. Hiệp ước này có mục tiêu giới hạn số tên lửa tầm xa, đầu đạn hạt nhân và các hệ thống phóng mà hai nước có thể có, để giảm nguy cơ chạy đua vũ khí hạt nhân. Trước đó, Tổng thống Mỹ Trump đã rút khỏi một hiệp ước về vũ khí tầm xa.

Như vậy, Nga không còn bị ràng buộc bởi các hiệp ước như trên. Nga cũng tuyên bố sẽ không thảo luận một thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân mới chừng nào NATO tiếp tục viện trợ vũ khí cho Ukraine.

Hiện có 2 yếu tố chính có thể cản trở Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine. Thứ nhất, Trung Quốc luôn muốn có giải pháp hòa bình cho vấn đề Ukraine. Với ảnh hưởng về mặt kinh tế, Trung Quốc có thể thuyết phục Nga từ bỏ phương án tấn công hạt nhân. Thứ hai, mặc dù Ukraine chưa phải là thành viên của NATO nhưng Mỹ đã tuyên bố dứt khoát rằng nếu Nga phóng vũ khí hạt nhân vào Ukraine, điều đó sẽ dẫn tới “hậu quả thảm khốc” cho Nga. Trong tình huống Mỹ trực tiếp can thiệp khi ấy thì xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO có thể nổ ra.

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img